Trật tự vỉa hè: Nhiều bất cập - Bài 1: Vô tư chiếm lối dành cho người đi bộ

.

Vỉa hè trên nhiều tuyến đường, nhất là khu vực trung tâm thành phố, bị lấn chiếm để trông giữ xe, buôn bán, đặt biển quảng cáo, trồng cây cảnh…, khiến người đi bộ bị “đẩy” xuống lòng đường, chen chúc cùng các phương tiện lưu thông khác với hiểm nguy tai nạn giao thông, cướp giật… rình rập. Song, việc quản lý trật tự vỉa hè còn nhiều bất cập.

Trước khu vực chợ Hàn, có một dãy dài xe máy để xuống lòng đường, khiến việc lưu thông của người dân gặp không ít khó khăn. Ảnh: TIỂU YẾN
Trước khu vực chợ Hàn, có một dãy dài xe máy để xuống lòng đường, khiến việc lưu thông của người dân gặp không ít khó khăn. Ảnh: TIỂU YẾN

Vỉa hè đường lớn, nhỏ đều bị chiếm dụng

Dạo quanh các tuyến đường như: Trần Cao Vân, Quang Trung, Hải Phòng, Hoàng Hoa Thám, Ngô Gia Tự, Triệu Nữ Vương, Trưng Nữ Vương, Phạm Văn Nghị, Hoàng Diệu…, dễ dàng nhận thấy vỉa hè trở thành nơi để xe máy, biển hiệu quảng cáo.

Tuyến đường Nguyễn Hoàng - đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến Lê Đình Lý - địa bàn giáp ranh giữa 3 phường Vĩnh Trung (quận Thanh Khê) và các phường Nam Dương, Bình Hiên (quận Hải Châu) từ lâu cũng là “điểm nóng” về lấn chiếm vỉa hè. 

Theo quan sát của chúng tôi, 100% vỉa hè đường Nguyễn Hoàng bị xe máy, hàng hóa, bàn ghế của những hàng quán từ lớn đến nhỏ chiếm dụng. Đơn cử, tại khu vực một cửa hàng kinh doanh chăn ga gối nệm, vỉa hè trở thành nơi tập kết hàng hóa; xe máy đến mua bán, giao dịch dừng ngay lề đường.

Hai cửa hàng dán xe trên tuyến đường này cũng sử dụng vỉa hè để dán xe; thậm chí, nhân viên đứng dưới lòng đường để dán ô-tô cho khách, dẫn đến tình trạng kẹt xe, mất an toàn giao thông.

Ông Nguyễn Minh Tiến (quê Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện tạm trú tại kiệt 147 Nguyễn Tri Phương cho biết, hằng ngày ông đi mấy lượt dọc đường Nguyễn Hoàng để bán vé số và hầu như lúc nào cũng phải đi xuống lòng đường do vỉa hè không còn lối đi.

Ông Tiến kể, cách đây chừng nửa tháng, ông chứng kiến trước số nhà 173 Nguyễn Hoàng, do vỉa hè bị cửa hàng điện thoại sử dụng đặt biển quảng cáo và để xe khách nên một người cũng làm nghề bán vé số như ông đi xuống lòng đường và bị ô-tô đi cùng chiều đụng phải, cũng may không xảy ra tai nạn nghiêm trọng.

Tương tự, sau khi chỉnh trang, đường Lê Độ (quận Thanh Khê) có lòng đường rộng 10,5m, nhưng vỉa hè mỗi bên chỉ rộng gần 2m. Đây là tuyến đường huyết mạch nối ngã tư Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương với ngã tư Lê Độ - Trần Cao Vân, thông ra đường Nguyễn Tất Thành. Tuyến đường chỉ dài chừng 600m này “gánh” vô số con đường ngang cắt qua như Võ Văn Tần, Lê Thị Xuyến, Lê Quang Sung…, nên lượng người và xe lưu thông rất lớn.

Chưa kể, hầu như gia đình nào cũng ưu tiên sử dụng mặt bằng để kinh doanh, buôn bán nhỏ. Vào giờ cao điểm, phương tiện lưu thông dày đặc, bề rộng vỉa hè chỉ đủ chỗ cho người dân dựng xe máy, đặt biển hiệu quảng cáo, người đi bộ không còn cách nào khác phải chen chúc xuống lòng đường. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây tình trạng kẹt xe thường xuyên trên toàn tuyến.

Việc chiếm dụng vỉa hè không chỉ diễn ra ở những tuyến đường trung tâm, chật hẹp, mà cả với những đường rộng. Chẳng hạn, đường Hoàng Văn Thái (quận Liên Chiểu) rộng hơn 30m, vỉa hè mỗi bên rộng 4m nhưng vẫn bị lấn chiếm.

Trong tháng 9 và 10 vừa qua, người dân tổ 46 phường Hòa Khánh Nam liên tục gửi thông tin phản ánh lên cổng góp ý thuộc hệ thống thông tin chính quyền thành phố. “Tại địa chỉ 356 - 358 Hoàng Văn Thái có 2 hộ kinh doanh quán cơm và quầy tạp hóa thường xuyên chiếm dụng vỉa hè. Đặc biệt, từ 10 đến 12 giờ, khách đến ăn cơm, mua hàng để xe máy tràn ra lòng đường…

Giờ tan tầm, học sinh Trường tiểu học Hồng Quang ùa ra, các em phải đứng xuống lòng đường để chờ người thân đến đón, rất nguy hiểm vì đây là tuyến đường có nhiều phương tiện lưu thông với tốc độ cao”, một người dân phản ánh.

Trên lề bị chiếm dụng, dưới lề, những hàng dài ô-tô đậu, đỗ nên có thời điểm, người đi bộ bị “đẩy” ra giữa lòng đường. Chưa kể, ở một số khu vực gần chợ Đống Đa, chợ Tam Giác (cũ), chợ Cồn…, những xe hàng rong bày bán trái cây vẫn vô tư tràn xuống lòng đường.

Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Tấn Tuân, Tổ Kiểm tra quy tắc đô thị phường Hòa Khánh Nam cho biết, thời gian qua, UBND phường tăng cường công tác lập lại trật tự trên đường Hoàng Văn Thái. Sáng thứ 3 và thứ 5 hằng tuần, tổ đều nhắc nhở nhưng nhiều hộ kinh doanh không chịu hợp tác.

Đơn cử như chủ tiệm tạp hóa Thành Nga (348 Hoàng Văn Thái) không chịu ký vào biên bản làm việc với Tổ Kiểm tra quy tắc đô thị phường khi được yêu cầu dọn dẹp toàn bộ hàng hóa, biển quảng cáo lấn chiếm vỉa hè.

Vỉa hè trước số nhà 55 An Hải 17, phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà) bị chiếm dụng để biển quảng cáo, chậu cây cảnh, người đi bộ phải đi xuống lòng đường.
Vỉa hè trước số nhà 55 An Hải 17, phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà) bị chiếm dụng để biển quảng cáo, chậu cây cảnh, người đi bộ phải đi xuống lòng đường.

Thiếu quan sát, người đi bộ dễ gặp nạn

Tình trạng xuống cấp vỉa hè cũng như quá trình chỉnh trang đô thị khiến vỉa hè xuất hiện nhiều “bẫy” mới. Trên nhiều tuyến phố, các hố ga mất nắp cộng với vỉa hè bị đào xới nham nhở, đất cát chất đống, những bao tải chứa vật liệu để ngổn ngang khiến người đi bộ rất dễ vấp phải nếu thiếu quan sát.

Tối 20-10, tại kiệt 109 Phạm Như Xương (phường Hòa Khánh Nam), một thanh niên điều khiển xe máy BKS 92D1-223xx do không làm chủ tay lái đã lao thẳng vào hố ga thiếu nắp đậy trên vỉa hè. Được biết, dự án nâng cấp, mở rộng đường Hoàng Văn Thái - Phạm Như Xương nối dài (quận Liên Chiểu) do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, Công ty CP Lê Vũ thi công, với tổng kinh phí hơn 30 tỷ đồng.

Đến nay, khu vực vỉa hè vẫn còn một số hố ga chưa đậy nắp và nhiều trụ điện chắn giữa lối đi, trở thành những “cái bẫy” nguy hiểm với người đi đường.

Trên đường Nguyễn Hữu Thọ, nhiều hố ga thu nước nằm tiếp giáp giữa lề đường với vỉa hè có nắp đậy gắn đinh vít cao hơn mặt đường chừng 2cm nên nếu thiếu quan sát, người đi bộ rất dễ vấp ngã. Anh Nguyễn Đức Lập (sống trên đường Nguyễn Hữu Thọ) cho rằng, những đinh vít này như những con dao nhọn nguy hiểm không chỉ với người đi bộ. “Nếu ô-tô đậu, đỗ trên những nắp đậy như thế này sẽ khá nguy hiểm bởi nguy cơ nổ, xì lốp rất dễ xảy ra”, anh Lập nói.

Thực tế, dễ dàng nhận thấy vỉa hè tuy có bề ngang trung bình từ 1-5m nhưng phải gánh rất nhiều cơ sở hạ tầng như: hệ thống cống ngầm, khu vực trồng cây xanh cảnh quan, trụ điện, cáp ngầm viễn thông, nơi đặt biển quảng cáo, thậm chí là mặt bằng kinh doanh của những hộ buôn bán nhỏ…

Chưa kể, sau nhiều năm, bề mặt vỉa hè hư hỏng, lớp gạch nền trồi sụt, như đường Hoàng Thị Loan (quận Liên Chiểu), đường Yên Bái, Núi Thành (quận Hải Châu), Ngô Quyền (quận Sơn Trà), Trần Cao Vân (quận Thanh Khê)… Để thoát khỏi những “chướng ngại vật” này, người đi bộ không còn cách nào khác phải đi xuống lòng đường.

Đường Lý Thái Tổ (quận Thanh Khê), đoạn từ số nhà 2 đến 122 (ngã ba Lý Thái Tổ - Phan Thanh), vỉa hè rộng gần 3 mét hiện xuống cấp trầm trọng. Trước tình trạng này, UBND thành phố đưa đường Lý Thái Tổ vào danh sách các tuyến đường cần cải tạo, nâng cấp vỉa hè, hạ ngầm lưới điện năm 2019. Còn hiện tại, người dân vẫn phải chấp nhận sống chung với vỉa hè xuống cấp.

Bài và ảnh: HUỲNH LÊ

;
.
.
.
.
.
.
.