"Mạnh tay" với ô nhiễm tiếng ồn

.

Thời gian qua, để xử lý ô nhiễm tiếng ồn tại khu dân cư (KDC) trên địa bàn Đà Nẵng, lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức những chuyến đi “đo tiếng ồn” đột xuất tại một số cơ sở kinh doanh. Cùng với đó, mỗi địa phương đều lập những tổ phản ứng nhanh để kịp thời xử lý thông tin người dân phản ánh về ô nhiễm tiếng ồn, nhất là tiếng ồn sau 22 giờ...

Đoàn kiểm tra liên ngành lập biên bản, xử lý vi phạm tiếng ồn của một cơ sở kinh doanh tại địa bàn quận Hải Châu.
Đoàn kiểm tra liên ngành lập biên bản, xử lý vi phạm tiếng ồn của một cơ sở kinh doanh tại địa bàn quận Hải Châu.

Đo tiếng ồn để có cơ sở xử lý

Hơn 22 giờ đêm giữa tháng 10, nhận được cuộc điện thoại từ Đại úy Nguyễn Minh Hoàng, Tổ phó Tổ kiểm tra chuyên đề thuộc Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Công an thành phố Đà Nẵng (PC05), phóng viên lập tức có mặt tại đường Bạch Đằng (quận Hải Châu), nơi đoàn kiểm tra liên ngành gồm lực lượng Công an và cán bộ Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường, TN-MT) tiến hành đo độ ồn từ một bar gần đó.

Vừa bấm máy, con số trên màn hình của máy đo tiếng ồn chạy một mạch đến 61 decibel (dB) rồi dừng lại. Đại úy Hoàng nói: “Như thế này là vượt ngưỡng cho phép nhiều. Anh em cố gắng đo 2-3 lần nữa để có con số chính xác rồi lên phương án xử lý”.

Cũng theo Đại úy Nguyễn Minh Hoàng, để bảo đảm tính khách quan, đoàn kiểm tra đo 3 lần ở khoảng cách nhất định và lấy số liệu trung bình 3 lần đó làm kết quả cuối cùng.

“Trong quá trình đo độ ồn, chúng tôi sẽ cử cán bộ quay phim để bảo đảm thông tin chính xác, đồng thời mời đại diện cơ sở đến hiện trường để thông báo kết quả, nếu vi phạm sẽ lập biên bản dưới sự chứng kiến của đại diện tổ dân phố và cảnh sát, dân phòng khu vực.

Ngoài ra, lộ trình của chuyến đi hoàn toàn được giữ kín trước đó, ngay cả với thành viên đoàn kiểm tra để việc xử lý khách quan và có tính răn đe”, Đại úy Nguyễn Minh Hoàng chia sẻ.

Được biết, theo chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường do Bộ TN-MT quy định, giới hạn cho phép về tiếng ồn trong thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau ở khu vực đặc biệt là 45 dB, khu vực thông thường là 55 dB.

Từ đầu tháng 9 đến nay, bằng các biện pháp nghiệp vụ, đoàn kiểm tra liên ngành của PC05 đã lập biên bản xử lý 16 trường hợp vi phạm, trong đó ra quyết định xử phạt hành chính 13 vụ với số tiền 158,5 triệu đồng và đang tiếp tục củng cố hồ sơ một số vụ còn lại.

Ngoài ra, dưới sự chỉ đạo của Công an thành phố, lực lượng Công an các quận, huyện đã lên kế hoạch kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về tiếng ồn, tập trung đối với 3 nhóm hành vi như: hoạt động quá giờ được phép, vi phạm các quy định về tiếng ồn và vi phạm các quy định về sự yên tĩnh chung. Đơn cử, đến thời điểm này, Công an quận Hải Châu đã lập biên bản, xử lý khoảng 10 vụ, Công an quận Liên Chiểu 7 vụ...

Đại tá Trần Thanh Nhơn, Trưởng phòng PC05 cho biết, đa số đối tượng bị lập biên bản trong đợt cao điểm này là các bar, pub, nhà hàng (sử dụng loa di động để phục vụ khách) như Bamboo 2, Sky Pub, Kyoto Louge, Simple Man, Golden Pine Pub (đường Bạch Đằng), Crazy Cat, The Trip 66 (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn), Moulin Rouge, V-Lounge (đường 2 Tháng 9)...

Các đoàn đi khảo sát từ 22 giờ hằng ngày, qua đó đã kiểm soát, giảm thiểu tác hại của tiếng ồn trong khoảng thời gian từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau; chấn chỉnh việc chấp hành pháp luật của các cá nhân, tổ chức hoạt động kinh doanh, dịch vụ có phát sinh tiếng ồn.

“Cuộc chiến” cam go

Đại tá Trần Thanh Nhơn cho biết: “Trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm, chúng tôi nhận thấy chế tài xử phạt về các hành vi như vi phạm các quy định về sự yên tĩnh chung (quy định tại điểm a khoản 1 Điều 167/2013/NĐ-CP) còn thấp, chỉ 100.000 - 300.000 đồng, trong khi lợi nhuận từ việc kinh doanh bar, pub khá lớn nên nhiều cơ sở đã bị cơ quan chức năng lập biên bản xử phạt, tuyên truyền vẫn chưa nghiêm chỉnh chấp hành, vẫn còn các biểu hiện tái phạm”, Đại tá Trần Thanh Nhơn nói.

Từ tháng 5 đến nay, UBND thành phố đã ban hành 2 văn bản yêu cầu các ngành liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý tình trạng ô nhiễm tiếng ồn do hát karaoke, sử dụng loa kẹo kéo, mở nhạc trong KDC, không để phát sinh các điểm nóng về môi trường liên quan đến vi phạm tiếng ồn trong đời sống đô thị. Đối với cơ sở vi phạm, cơ quan chức năng yêu cầu viết cam kết không tái phạm, nếu tái diễn thì đề xuất rút giấy phép kinh doanh.

Trong khi đó, không ít địa phương tỏ ra lúng túng trong quá trình xử lý bởi các chế tài vẫn còn bất cập, chưa có hướng dẫn, quy định cụ thể đối với các cá nhân sử dụng loa di động không vào mục đích kinh doanh.

Đơn cử, dù được thành lập từ tháng 7-2019, nhưng tổ phản ứng nhanh của UBND phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) gồm lãnh đạo UBND phường, lực lượng công an, quân sự, bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố... cũng chỉ có nhiệm vụ giải thích, vận động, nhắc nhở các trường hợp hát loa kẹo kéo gây ồn ào theo phản ánh của người dân vào ban ngày, đưa nội dung tuyên truyền vào các cuộc họp tổ dân phố.

Còn vào ban đêm, UBND phường giao nhiệm vụ cho Tổ tuần tra 8394 trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát địa bàn tích cực vận động, giải thích nhân dân hạn chế mở loa di động với âm thanh lớn vào buổi tối hoặc hát karaoke kéo dài...

Ông Cao Đình Hải, Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông cho biết: “Mặc dù địa phương đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động, quyết liệt xử lý các trường hợp vi phạm nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện, nhiều trường hợp còn chống trả người thi hành công vụ”.

Nói về việc chống ô nhiễm tiếng ồn, Đại tá Trần Thanh Nhơn nhấn mạnh: “Đấu tranh, xử lý ô nhiễm tiếng ồn là “cuộc chiến” cam go, dai dẳng và phức tạp. Trong khi chủ cơ sở kinh doanh thường lấy lý do kinh doanh dịch vụ về đêm nhằm thúc đẩy du lịch Đà Nẵng phát triển thì phong trào hát karaoke không có hệ thống cách âm hiện nay ở KDC cũng là thách thức lớn đối với lực lượng chức năng trong quá trình kiểm tra, giám sát. Dù vậy, nhiệm vụ của chúng tôi là kiên quyết xử lý các hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn nhằm mang lại cuộc sống bình yên cho người dân”.

Phạt tiền lên đến 160 triệu đồng

Theo luật sư Nguyễn Văn Vĩnh Điền, Văn phòng luật sư Đồng Thông, đối với các hành vi vi phạm về tiếng ồn, Điều 17 Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường quy định như sau: phạt cảnh cáo đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 02 dB; phạt tiền từ 1 đến 160 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 02 dB trở lên. Bên cạnh đó, còn có các hình thức phạt bổ sung đình chỉ hoạt động cũng như các biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây nên.

Bài và ảnh: HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.