Khu dân cư nhếch nhác, ô nhiễm môi trường

.

Hiện nay, một số khu dân cư (KDC) thuộc phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) luôn trong tình trạng nhếch nhác, ô nhiễm môi trường. Ngoài các lô đất trống trở thành điểm tập kết xà bần, giá hạ, khu vực vỉa hè cũng được người dân tận dụng để bỏ các vật dụng đi biển lâu ngày mục nát, không còn chức năng sử dụng. Chưa kể việc ô nhiễm môi trường tại Khu công nghiệp (KCN) Thủy sản Thọ Quang khiến người dân bức xúc...

Nhiều lô đất trống ở phường Thọ Quang trở thành nơi đổ xà bần, giá hạ.
Nhiều lô đất trống ở phường Thọ Quang trở thành nơi đổ xà bần, giá hạ.

Khác với vẻ ngoài ngăn nắp, sạch đẹp của những tuyến phố chính, nhiều con đường nằm sâu trong KDC ven biển Đà Nẵng đang chịu cảnh nhếch nhác, ô nhiễm thường xuyên. Nằm song song với đường Hoàng Sa là tuyến đường Suối Đá 1 (thuộc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) dài chừng 200 mét, vỉa hè quy hoạch mỗi bên rộng hơn 3 mét nhưng bị cỏ dại và các vật dụng đi biển của người dân phủ kín.

Theo quan sát của chúng tôi, một bên của tuyến đường này đã có nhiều hộ dân xây dựng nhà cửa cố định. Phía trước nhà, 100% diện tích vỉa hè được tận dụng đặt các vật dụng đi biển như dây thừng, thùng xốp, củi, gỗ... Phía đối diện con đường phần lớn là các lô đất trống cỏ mọc quá đầu người, phần vỉa hè cũng biến mất dưới lớp xà bần, giá hạ.

Ông Nguyễn Văn Tâm (trú phường Hải Châu 2, quận Hải Châu), chủ nhân một lô đất biệt thự trên đường Suối Đá 1 phàn nàn: “Hai năm trước, gia đình tôi mua lô đất có diện tích 180m2 tại đây với ý định xây dựng nhà vườn.

Vị trí lô đất khá đẹp, nằm sát chân núi Sơn Trà, cách biển chừng 50 mét, rất phù hợp để sinh sống, nghỉ ngơi khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, thấy các hộ ngư dân đặt vật dụng trước nhà rất bừa bộn, vỉa hè hầu như không còn nên tôi chưa muốn xây nhà ở đây”.

Trong khi đó, cũng tại phường Thọ Quang, tình trạng ô nhiễm môi trường xung quanh KCN Thủy sản Thọ Quang thường xuyên được người dân phản ánh với cơ quan chức năng.

Ông T.N.H sống trên đường Mân Quang 6 cho biết, toàn tuyến đường Mân Quang 6 đang chịu cảnh hôi thối bởi các chất thải từ các công ty thuộc KCN Thủy sản Thọ Quang thải ra các cống, rãnh xung quanh khu vực. Đặc biệt, vào những ngày mưa, tình trạng hôi thối càng trầm trọng.

Theo ông H., tình trạng này diễn ra nhiều năm qua, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của người dân trên đường Mân Quang 6 mà các đường gần đó như Mân Quang 3, Mân Quang 5 cũng bị ảnh hưởng.

Về vấn đề này, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho biết, tháng 8 vừa qua, Sở TN-MT đã tổ chức đoàn kiểm tra thực tế, ghi nhận mùi hôi tại khu vực đường Mân Quang 6 và các đường lân cận.

Qua đó, đoàn kiểm tra ghi nhận mùi hôi phát sinh chủ yếu từ hoạt động chế biến thủy sản của các công ty trong KCN, từ phương tiện vận chuyển thủy sản đậu đỗ trên các tuyến đường trong và ngoài KCN, đặc biệt tuyến đường Vân Đồn.

Cũng tại khu vực này, mùi hôi phát sinh từ hoạt động dịch vụ chợ đầu mối, khu vực cảng và gần các cửa xả nước thải ra âu thuyền.

Do ô nhiễm môi trường phát sinh từ nhiều nguồn thải tổng hợp và có tính chất phức tạp nên mới đây, UBND thành phố đã chỉ đạo nhiều cơ quan, đơn vị cùng tham gia xử lý.

Cụ thể, về công tác vệ sinh môi trường, quản lý chất thải, trong đó có mùi hôi khu vực từ lề đường Vân Đồn, chợ đầu mối, cầu cảng, phía dưới bờ kè và mặt nước toàn bộ khu vực âu thuyền do Ban quản lý (BQL) Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang chịu trách nhiệm.

Vấn đề kiểm soát chất thải, mùi hôi trong phạm vi KCN do BQL Khu công nghệ cao và các KCN và Công ty Phát triển hạ tầng KCN chịu trách nhiệm. Đối với quản lý giao thông nhưng không bảo đảm vệ sinh gây mùi hôi, đậu đỗ bên ngoài KCN, UBND thành phố giao trách nhiệm cho Công an thành phố tăng cường biện pháp tuần tra, kiểm soát.

Ngoài ra, xung quanh âu thuyền, các hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ quy mô nhỏ, nhưng phát sinh mùi hôi ảnh hưởng đến nhân dân, UBND quận Sơn Trà chịu trách nhiệm quản lý, phát hiện và xử lý theo thẩm quyền.

Được biết, trong khi chờ các giải pháp lâu dài, Sở TN-MT đã và đang tổ chức các đợt thanh, kiểm tra việc tuân thủ về bảo vệ môi trường; từ đầu năm 2019 đến nay đã kiểm tra 5 cơ sở, có văn bản yêu cầu tất cả các cơ sở chế biến thủy sản trong và ngoài KCN đặc biệt kiểm soát mùi hôi, quản lý đúng quy định đối với bùn thải từ hệ thống xử lý.

Sở TN-MT đã yêu cầu Công ty Phát triển hạ tầng kiểm soát chặt chẽ việc xả thải của các cơ sở vào hệ thống thu gom nước thải; đã kiểm tra đột xuất hai đợt trong tháng 8-2019 tại khu vực KCN, âu thuyền và phát hiện tình trạng xả nước thải không bảo đảm ra môi trường. Trước thực tế này, Sở TN-MT đã có văn bản yêu cầu các đơn vị khắc phục, có giải pháp cụ thể bảo vệ môi trường sống cho người dân trong khu vực.

Ông Huỳnh Văn Hùng, Chánh Văn phòng HĐND và UBND quận Sơn Trà cho biết, UBND quận đang lập kế hoạch tổ chức kiểm tra đối với 11 cơ sở phía bờ tây âu thuyền, đề nghị BQL Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang tiếp tục thực hiện các biện pháp giảm thiểu mùi hôi theo chức năng và nhiệm vụ phân công.

Về việc kiểm soát mùi hôi từ các cơ sở chế biến thủy sản, phương tiện vận chuyển và các hoạt động có liên quan, các sở, ngành, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tăng cường kiểm soát.

Đối với việc xử lý ô nhiễm tại các lô đất trống, hiện địa phương vẫn chưa có giải pháp đồng bộ, hiệu quả; nhiều lô trống chưa đưa vào sử dụng không được rào chắn, vệ sinh thường xuyên, dễ trở thành nơi tập kết rác, xà bần, cỏ dại um tùm. Để khắc phục tình trạng này, UBND quận Sơn Trà đã giao trách nhiệm, yêu cầu địa phương nắm rõ địa bàn và lên phương án xử lý phù hợp.

Bài và ảnh: HUỲNH LÊ

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.