Hơn một tháng qua, trên địa bàn Đà Nẵng xảy ra 3 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) nghiêm trọng. Đáng lưu ý, vấn đề TNLĐ đã được các cơ quan chức năng cảnh báo nhiều lần nhưng dường như các đơn vị thi công vẫn khá chủ quan, chưa thật sự quan tâm tới an toàn cho người lao động và cả người đi đường…
Công trình xây dựng bên cạnh để rơi những thanh gỗ, thanh sắt xuống bên hông nhà chị Trần Thị Y. (ảnh do nhân vật cung cấp) |
Đáng lưu ý là vụ tai nạn xảy ra hồi đầu tháng 10 tại một công trình xây dựng trên đường Nguyễn Văn Thoại (quận Ngũ Hành Sơn) khiến một người đàn ông phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch khi bị một thanh sắt từ trên tầng cao bất ngờ rơi xuống đâm vào bụng. Sáng 23-10, anh Hồ Đắc Q. (27 tuổi) điều khiển xe máy chở vợ đến trước số nhà 179B Triệu Nữ Vương (phường Nam Dương, quận Hải Châu) thì bị một khung sắt tời dài hơn 4 mét rơi từ tầng thượng tòa nhà Tập đoàn Giáo dục Việt - Mỹ đụng phải.
Vợ chồng anh Q. ngã xuống đường và được người dân đưa vào bệnh viện cấp cứu. Anh Q. đã được phẫu thuật cắt bỏ đoạn ruột dài 80cm, nối ruột, khâu nhiều chỗ rách mạc treo ruột, lấy máu tụ ổ bụng, đặt dẫn lưu dịch ra ngoài ổ bụng và đang được điều trị tích cực tại khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng. Trong khi đó, chị Trần Thị Diễm H. (26 tuổi), vợ anh Q. cũng bị thương ở chân, vừa xuất viện.
Đến thời điểm hiện tại, gia đình anh Q. phải trả viện phí gần 70 triệu đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thương lượng, đơn vị lắp giàn và vận hành thi công bảng quảng cáo trang trí trên tầng thượng tòa nhà Tập đoàn Giáo dục Việt - Mỹ (đơn vị gây ra tai nạn cho vợ chồng anh Q.) mới đưa cho gia đình anh Q. 50 triệu đồng để thanh toán viện phí. Chị H. cho biết, gia đình đang tiếp tục yêu cầu đơn vị thi công trả đầy đủ viện phí và đền bù một khoản tiền nhất định. “Chúng tôi vẫn đang trong quá trình thương lượng với đơn vị gây tai nạn; nếu mức đền bù không thỏa đáng, chúng tôi sẽ nhờ đến cơ quan chức năng can thiệp”, chị H. cho biết.
Chị Trần Thị Y. (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, cách đây gần 1 tháng, ngôi nhà của chị ở số 1 Đông Hải 2 phải gánh chịu một số lượng lớn thanh gỗ, mảng bê-tông từ trên tầng cao của tòa nhà 1 Đông Hải 1 (đang xây dựng) rơi xuống.
“Trong quá trình xây dựng, họ không rào chắn kỹ nên mái nhà, sân nhà chúng tôi thường xuyên trở thành “bãi đáp” của các loại thanh sắt, thanh gỗ, bê-tông từ trên cao rơi xuống.
Lúc tòa nhà này đổ bê-tông, không hiểu sơ suất thế nào lại đổ thẳng qua mái tôn nhà tôi, tiếng ầm ầm lúc tối muộn khiến cả nhà giật mình tháo chạy ra ngoài. Tôi đã nhiều lần làm việc với đơn vị xây dựng, yêu cầu họ bọc lưới bảo vệ kín trước khi thi công tiếp.
Thế nhưng thời điểm đó, họ chỉ bọc 2/3 chiều cao công trình. Đá, sắt xây dựng, thanh gỗ và hồ xây liên tục rơi vãi khiến gia đình tôi luôn sống trong trạng thái lo lắng không yên”, chị Y. bức xúc.
Cũng theo chị Trần Thị Y., sau khi việc yêu cầu đơn vị thi công có biện pháp an toàn, tránh ảnh hưởng tới gia đình chị không hiệu quả, chị đã gửi thông tin đến UBND phường Hòa Hải nhờ can thiệp.
Cán bộ Phòng Quản lý đô thị phường Hòa Hải và Phòng Quản lý đô thị quận Ngũ Hành Sơn đã yêu cầu đơn vị thi công bọc kín lưới tòa nhà trong suốt quá trình xây dựng dưới sự giám sát của Phòng Quản lý đô thị phường Hòa Hải. Đồng thời, đơn vị thi công cũng đã cử người sang nhà chị Y thu gom vật tư, dọn vệ sinh và thay kính cửa bị vỡ do thanh sắt từ công trình rơi xuống.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau các vụ TNLĐ xảy ra trên địa bàn thành phố, hầu hết nạn nhân và bên gây tai nạn đều chọn cách thương lượng để giải quyết hậu quả. Điều này khiến cơ quan chức năng khó nắm hết thông tin để có hướng tuyên truyền hoặc đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, yêu cầu các đơn vị thi công bảo đảm an toàn trong xây dựng.
Thông tin từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra gần 40 vụ TNLĐ, trong đó các vụ tai nạn nghiêm trọng đều tại các công trình xây dựng, nguyên nhân chính xuất phát từ việc người lao động chủ quan, không sử dụng công cụ bảo hộ lao động, các công trình không chú ý biện pháp an toàn, không thường xuyên nhắc nhở công nhân chú trọng biện pháp an toàn trong quá trình làm việc.
Sở LĐ-TB&XH đã đề nghị Sở Xây dựng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để bảo đảm quyền lợi và lợi ích của người lao động, nhất là tránh gây ảnh hưởng cho người dân khi lưu thông qua những vị trí có các công trình đang xây dựng.
Luật sư Đỗ Thành Nhân (Văn phòng Luật sư Đỗ Thành Nhân) cho biết, đối với những vụ tai nạn do công trình xây dựng gây ra với người khác, trách nhiệm đầu tiên thuộc về đơn vị thi công. Để có cơ sở xác định mức đền bù, xử phạt thì ngay khi vụ việc vừa xảy ra, cơ quan chức năng cần xác minh, điều tra để có cơ sở xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 295, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có nêu khung hình phạt thấp nhất là phạt tiền từ 20 triệu - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, phạt tù từ 1-5 năm và cao nhất từ 6-12 năm. Ngoài ra, người trực tiếp gây tai nạn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu - 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1- 5 năm.
Bài và ảnh: H.LÊ