Hiện nay, khá nhiều tuyến đường ở Đà Nẵng xuất hiện vị trí sụt lún, đá dăm tạo độ nghiêng hoặc có ổ gà, ổ voi trông mất thẩm mỹ, gây tâm lý không yên tâm cho người tham gia giao thông.
Mặt đường Nguyễn Thị Thập bị cày nát do công trình nâng cấp, cải tạo Trạm xử lý nước thải Phú Lộc giai đoạn 2 thi công gần đó. |
Thi công ảnh hưởng mặt đường
Đường Võ Nguyên Giáp, đoạn gần tiếp giáp đường Hoàng Kế Viêm (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) thời gian gần đây xuất hiện tình trạng sụn lún, sóng lưng trâu, tạo độ chênh khiến người đi xe máy đi qua đoạn này dễ gặp nguy hiểm. Ông Nguyễn Minh sống trên đường Hoàng Kế Viêm cho biết, nguyên nhân do một số đơn vị thi công cống thoát nước, xây dựng khách sạn khi hoàn trả mặt bằng không chú ý lu bằng bề mặt đường, khiến lớp nhựa đường cũ và mới có độ chênh. Theo ông Minh, điểm chênh này nằm về phía phải đường Võ Nguyên Giáp (tính theo hướng từ Đà Nẵng đi về Hội An), lại ở vị trí dành cho xe máy lưu thông nên dễ gây tai nạn.
Bên cạnh đó, theo quan sát của phóng viên, gần một năm nay, kể từ khi các tuyến đường thuộc khu phố du lịch An Thượng được thi công cải tạo, nâng cấp, mỗi ngày có rất nhiều xe chở vật liệu xây dựng lưu thông trên đường Võ Nguyên Giáp đến Hoàng Kế Viêm để vào khu An Thượng. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến mặt đường Võ Nguyên Giáp bị ảnh hưởng.
Tương tự, trong quá trình thi công công trình nâng cấp, cải tạo Trạm xử lý nước thải Phú Lộc giai đoạn 2, mặt đường Nguyễn Thị Thập đoạn nối từ Lý Thái Tông (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) đến đường Yên Khê 1 (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) dài gần 200 mét bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mỗi ngày, hàng chục xe tải của Công ty CP kỹ thuật SEEN (đơn vị nhà thầu) vào - ra công trình, mang theo đất cát rơi vãi, lâu ngày dồn thành từng mảng lớn, tạo nên từng lớp sóng uốn lượn trên đường. Ghi nhận của phóng viên, đoạn đường này rất mất vệ sinh, mặt đường gần như bị xới nát, có nhiều “lòng chảo” chứa nước mỗi khi trời mưa. Người dân lưu thông ngang qua đây đều phải giảm tối đa tốc độ để tránh tai nạn có thể xảy ra.
Những tuyến đường “treo”
Do chưa hoàn thành việc giải phóng mặt bằng nên cả trăm hộ sống hai bên tuyến đường Huỳnh Bá Chánh (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) phải chịu cảnh nắng bụi, mưa lầy. Mặt đường nhiều đoạn bị bong tróc lớp nhựa, trồi lên lớp đá sỏi gồ ghề, thỉnh thoảng xuất hiện ổ gà, ổ voi; trong khi đó, phần vỉa hè xuống cấp, lâu năm không được tu bổ khiến người dân không thể đi lại. Một người dân sống tại đây cho biết, từ năm 2011, địa phương đã họp dân thông báo thành phố sẽ đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường Huỳnh Bá Chánh. Tuy nhiên, do vướng giải phóng mặt bằng của một số hộ, nên dự án này vẫn “treo”, trong khi đường sá ngày một hư hỏng, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sống của người dân.
Thông tin từ Ban Giải phóng mặt bằng quận Ngũ Hành Sơn cho biết, việc cải tạo, nâng cấp tuyến đường Huỳnh Bá Chánh nằm trong dự án Khu tái định cư Tây Nam làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, được UBND thành phố phê duyệt tổng mặt bằng quy hoạch tại Quyết định 2955/QĐ-UBND ngày 9-4-2008, Quyết định 9884/QĐ-UBND ngày 1-12-2008, Quyết định 8816/QĐ-UBND ngày 11-10-2011, Quyết định 5447/QĐ-UBND ngày 28-6-2011. Song, đến thời điểm hiện tại, tuyến đường này chưa được thi công hoàn thiện do vướng mặt bằng. Trong gần chục hồ sơ còn vướng, xuất phát từ những nguyên nhân như vướng về mặt pháp lý (các hộ sử dụng đất giữa hiện trạng sử dụng và theo sơ đồ đăng ký 64/CP có sự chồng lấn với nhau), hoặc chưa đồng ý, thống nhất nhận tiền giải phóng mặt bằng. Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Ngũ Hành Sơn đang tích cực phối hợp với UBND phường Hòa Hải xem xét cụ thể từng trường hợp để gỡ vướng cũng như vận động người dân bàn giao mặt bằng.
Ngày 16-12, tại tuyến đường Nguyễn Như Hạnh (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu), phóng viên ghi nhận sự “xập sệ”, hư hỏng, đặc biệt đoạn giáp đường Hoàng Thị Loan đến Trạm xử lý nước thải Phú Lộc dài hàng trăm mét. Đơn cử, đoạn trước số nhà 130 và 140 Nguyễn Như Hạnh, mặt đường đầy đá sỏi, gồ ghề, gợn sóng lớn và luôn trong tình trạng ẩm ướt. Được biết, hơn 10 năm trước, tuyến đường này đã được UBND thành phố có chủ trương đầu tư nâng cấp, cải tạo; Ban quản lý dự án các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng điều hành dự án.
Dù vậy, đến nay, việc thi công nâng cấp đường Nguyễn Như Hạnh vẫn “treo” do còn nhiều hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng. Theo đại diện Phòng Quản lý đô thị quận Liên Chiểu, trong quá trình chờ người dân bàn giao mặt bằng, UBND quận Liên Chiểu hằng năm đều có kế hoạch sửa chữa tạm thời, san gạt mặt đường, bù phụ bằng cấp phối đá dăm, thảm bê-tông nhựa các vị trí hư hỏng lớn, vá ổ gà bằng bê-tông nhựa để người dân vui xuân, đón Tết. Tuy nhiên, việc sửa chữa này chỉ mang tính chất tạm thời, kinh phí thấp nên chất lượng không cao, dễ hư hỏng trở lại khi trời mưa lớn hoặc mưa kéo dài.
Bài và ảnh: H.LÊ