Giúp nông dân sản xuất, chuyển đổi ngành nghề

.

Khi đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp, hàng ngàn nông dân khu vực đô thị chuyển sang nghề trồng nấm, hoa, buôn bán nhỏ, hay gia công các loại hàng thủ công mỹ nghệ như: giày, quần áo, làm hương...

Người dân phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ) trồng phong lan rừng trong vườn nhà.
Người dân phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ) trồng phong lan rừng trong vườn nhà.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, phần lớn việc sản xuất của nông dân còn nhỏ lẻ, manh mún, tự phát; đất sản xuất đa số phải tận dụng, thiếu bền vững; một số nông dân đô thị không còn đất sản xuất đã chuyển sang làm dịch vụ, buôn bán nhỏ...

Tại phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu), đất sản xuất nông nghiệp gần như không còn. Người nông dân muốn sản xuất phải tranh thủ tận dụng những mảnh đất của các dự án chưa thi công. Đơn cử, anh Nguyễn Thành Chiến (52 tuổi, trú tổ 19, phường Hòa Cường Bắc) cho biết, trước đây anh mượn những lô đất trống gần đường 30 Tháng 4 để trồng hoa. Sau khi dự án thu hồi để xây dựng Bệnh viện Vinmec Đà Nẵng, anh sang phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) đăng ký mượn hơn 2.000m2 đất trống. Anh Chiến kể, gia đình anh làm nghề trồng hoa đã lâu đời, kinh tế hoàn toàn phụ thuộc vào công việc này. Đến thời điểm hiện tại, gia đình anh vẫn cố gắng bám trụ vào những lô đất trống để tạo thu nhập.

Tương tự, anh Lê Văn Nghĩa, nông dân phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ) cũng được địa phương tạo điều kiện mượn các lô đất trống trồng cúc. Để kịp vụ hoa Tết, anh xuống giống từ tháng 7 âm lịch, sau một tháng thì bắt đầu chong điện tạo ấm cho hoa. Anh Nghĩa cho biết, trên địa bàn hiện có hàng chục hộ tận dụng đất trống để trồng hoa nên rất khó tìm được những lô đất trống liền kề có diện tích đủ rộng. “Đất dự án mình còn tận dụng được lâu lâu, chứ đất ở đô thị thì khó. Vì nhiều người dân mua đất để 2-3 năm là bắt đầu xây nhà, đất trống bị chẻ nhỏ khiến việc trồng trọt của nông dân gặp nhiều khó khăn”, anh Nghĩa nói.

Ông Huỳnh Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân quận Hải Châu cho hay, trên địa bàn quận có 2 phường Hòa Cường Bắc và Hòa Cường Nam còn khá nhiều nông dân mượn các lô đất còn bỏ trống trồng hoa, cây cảnh. Trong vai trò hỗ trợ, Hội Nông dân các cấp đã đề ra nhiều giải pháp như tập huấn hướng dẫn trồng hoa, cây cảnh, làm nấm ăn, nấm dược liệu; hướng dẫn nông dân vay vốn từ các nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, từ Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm tạo việc làm và nâng cao thu nhập; đồng thời, vận động nông dân tham gia các chi, tổ hội nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, góp phần giải quyết việc làm, an sinh xã hội theo chương trình “Thành phố 4 an”.

Trong vụ hoa Tết Canh Tý 2020, gia đình anh Nguyễn Thành Chiến được Hội Nông phường Hòa Cường Bắc cho vay hơn 40 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân. Cùng với số vốn của gia đình, anh Chiến đầu tư xuống giống hơn 3.000 chậu cúc, 200 chậu ly và trồng thử nghiệm 1.000 chậu ớt bằng phân hữu cơ... Anh Chiến phấn khởi cho biết, nhờ nguồn vay từ Hội, gia đình anh mở rộng diện tích sản xuất, thời tiết tương đối thuận lợi, hiện hoa đang phát triển rất tốt.

Thời gian gần đây, một số nông dân đô thị không còn đất sản xuất đã chuyển sang làm dịch vụ, buôn bán nhỏ, cho thu nhập khá. Cụ thể vài năm nay, gia đình anh Lê Minh Trung (SN 1976, trú tổ 4, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) chuyển sang nghề sơ chế, cung ứng hành, tỏi Lý Sơn cho tiểu thương các chợ Cẩm Lệ, chợ Hàn, cho thu nhập gần 25 triệu đồng/tháng. Mới đây, gia đình anh cũng được Hội Nông dân quận cho vay 50 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân để phát triển sản xuất.

Bên cạnh gia công, buôn bán hành, tỏi, anh Trung còn nhận sản xuất tỏi đen theo đơn đặt hàng của Công ty CP Sản xuất thương mại AGRICO ở Hải Dương. Để duy trì công việc này thường xuyên, gia đình anh thuê thêm 8 lao động làm việc bán thời gian, với mức thu nhập trung bình 2 triệu đồng/tháng.

Theo Hội Nông dân thành phố, trong năm 2019, các cấp hội đã hướng dẫn, giới thiệu 256 nông dân tham gia xuất khẩu lao động, học tập kinh nghiệm về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từ đó góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Đây là một trong những chủ trương của thành phố Đà Nẵng nhằm giúp người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, Hội Nông dân các cấp đã tổ chức 15 phiên chợ nông sản với 320 gian hàng trưng bày, quảng bá sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ nông dân đô thị giới thiệu sản phẩm ra thị trường...

Theo số liệu của Hội Nông dân thành phố, Đà Nẵng có 7 quận/huyện và 42 phường/xã có tổ chức Hội Nông dân. Trong đó, riêng 6 quận nội thành có gần 24.000 hội viên nông dân.

Bài và ảnh: HUỲNH LÊ - ĐĂNG BÌNH

 
;
;
.
.
.
.
.