Tùy tiện tập kết rác trên hè phố

.

Hiện nay, ngoài số rác sinh hoạt thu gom tại các điểm tập kết mà Xí nghiệp Môi trường đô thị Sơn Trà quản lý, đơn vị này mỗi ngày thu dọn thêm khoảng 80 tấn rác do các nhà hàng, khách sạn, khu chung cư... thải ra. Điều đáng nói, nhiều cơ sở kinh doanh trên địa bàn quận Sơn Trà tùy tiện đặt các thùng rác ra sát mép vỉa hè, không trùng thời điểm công nhân thu gom, gây ảnh hưởng mỹ quan đô thị.

Nhiều thùng rác của khu chung cư, cơ sở kinh doanh tùy tiện đặt trên vỉa hè, lòng đường, gây ô nhiễm và mất mỹ quan đô thị. 						                   Ảnh: T. YẾN
Nhiều thùng rác của khu chung cư, cơ sở kinh doanh tùy tiện đặt trên vỉa hè, lòng đường, gây ô nhiễm và mất mỹ quan đô thị. Ảnh: T. YẾN

Ngay cổng ra vào khu Euro Village trên đường Trần Hưng Đạo thường xuyên có gần 10 thùng đựng đầy rác ghi chữ “Euro Village” đặt trên hè phố, tạo cảnh nhếch nhác, mất mỹ quan. Tương tự, trên đường Hồ Nghinh, nhà hàng hải sản Bé Anh cũng kéo 3-4 thùng rác đặt ở vỉa hè đối diện, tạo thành điểm tập kết rác thải, ruồi nhặng bay quanh.

Một công nhân vệ sinh môi trường chuyên thu gom rác đường Hồ Nghinh cho biết, rác được nhà hàng, khách sạn cho vào thùng khá nhiều, nhưng có khi tràn ra ngoài, rơi vãi xuống mặt đất. “Ngoài thu gom ở các vị trí tập kết rác, chúng tôi phải kiêm luôn việc dọn dẹp vệ sinh quanh các thùng rác của các cơ sở kinh doanh nên lịch trình gom rác thường chậm. Nếu mỗi chủ kinh doanh có ý thức về bảo vệ môi trường thêm chút nữa thì những người làm công tác thu gom đỡ vất vả và đường phố sạch, đẹp hơn”, người này phàn nàn.

Tình trạng cơ sở kinh doanh, nhà hàng, khách sạn đặt thùng rác ở vỉa hè, gây ô nhiễm diễn ra tương tự tại nhiều tuyến đường trên địa bàn quận Sơn Trà, như Phạm Văn Đồng, Hồ Nghinh, Võ Văn Kiệt, Loseby, Dương Đình Nghệ... Ông Nguyễn Văn Trung (nhà trên đường Hồ Nghinh) cho biết, rác của nhà hàng, khách sạn chủ yếu là thực phẩm, vỏ hải sản như tôm, cá, cua, ghẹ... Những loại này phân hủy nhanh, tạo mùi hôi thối, thu hút ruồi nhặng, chuột...

“Buổi sáng và chiều tối, tôi thường đi dạo ra biển, ngang qua những thùng rác này và cảm thấy rất khó chịu vì mùi hôi bốc lên nồng nặc. Đây là tuyến phố du lịch, nếu tình trạng này kéo dài sẽ rất phản cảm”, ông Trung bức xúc nói.

Theo ông Nguyễn Phước Nhiên, Giám đốc Xí nghiệp Môi trường đô thị Sơn Trà, việc tùy tiện đặt thùng rác trên hè phố của các cơ sở kinh doanh khiến công tác thu gom gặp không ít khó khăn. Thông thường, khi đăng ký kinh doanh, chủ nhà hàng, khách sạn đều cam kết với UBND quận/huyện, phường/xã về bảo đảm vệ sinh môi trường; trang bị thùng rác (đối với nhà hàng, ki-ốt), xe đẩy (đối với khách sạn, nhà nghỉ) và thực hiện nghiêm túc việc tập kết rác đúng vị trí, trong khuôn viên nhà hàng, khách sạn, ở vị trí kín và chỉ mang thùng rác ra vỉa hè khi có xe thu gom ngang qua.

Sau khi rác được chuyển ra xe, chủ cơ sở kinh doanh có trách nhiệm mang thùng rác vào bên trong, không để trên hè phố. Tuy nhiên thực tế, nhiều cơ sở kinh doanh mặc nhiên để thùng rác ngoài vỉa hè. Theo ông Nhiên, đơn vị nhiều lần liên hệ với chủ cơ sở kinh doanh, yêu cầu đưa thùng rác vào trong nhưng phần lớn chủ cơ sở tránh mặt, hoặc hứa rồi... để đó.

Xí nghiệp Môi trường đô thị quận Sơn Trà hiện có 25 điểm tập kết rác tạm trên địa bàn, mỗi ngày thu gom từ 200-220 tấn rác sinh hoạt. Ngoài ra, việc địa phương này tập trung nhiều nhà hàng, khách sạn, chợ đêm, phát sinh nhiều rác thải các loại gây áp lực đối với đơn vị thu gom. Theo ông Nhiên, chỉ tính riêng chợ đêm Sơn Trà ở khu vực cầu Rồng, mỗi đêm thải ra khoảng 8 tấn rác. “Từ ngày chợ đêm này hoạt động, việc thu gom rác áp lực hơn vì chợ đêm hoạt động rất khuya nhưng sáng sớm chúng tôi phải trả lại mặt đường sạch sẽ cho người dân đi lại”, ông Nhiên chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian qua, khu vực bãi đất trống nằm giữa tuyến đường Mỹ Khê 3 trở thành nơi vứt rác của cư dân và cơ sở kinh doanh các phường Phước Mỹ, An Hải Bắc, An Hải Đông. Riêng tại điểm này, Xí nghiệp Môi trường đô thị quận Sơn Trà mỗi ngày thu gom khoảng 40 tấn rác. Ông Nhiên thừa nhận đây là “điểm nóng” ô nhiễm môi trường trên địa bàn quận Sơn Trà nhiều năm qua. Để hạn chế tình trạng ô nhiễm, cuối năm 2019, UBND quận Sơn Trà đã cho tráng bê-tông khoảng 300m2 đất, đầu tư điểm đặt thùng rác tạm thời. “Hiện nay, tại điểm này, chúng tôi đặt gần 30 thùng rác, để gọn một chỗ, ưu tiên thu gom hằng ngày, yêu cầu người dân bỏ rác vào thùng.

Đơn vị cũng đặt thêm một thùng container lớn cho người dân bỏ rác cồng kềnh; sau mỗi lần thu gom, đơn vị phun chế phẩm nhằm hạn chế mùi hôi. Mặt khác, Xí nghiệp Môi trường đô thị quận Sơn Trà quán triệt toàn thể công nhân không được đốt rác, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý theo quy định của đơn vị. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn địa phương có thêm những quy định ràng buộc đối với các cơ sở kinh doanh về vấn đề bảo vệ môi trường, mỹ quan đô thị”, ông Nhiên cho biết.

T. YẾN

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.