Sớm nâng cấp, cải tạo chợ Chiều

.

Cơ sở vật chất xuống cấp; khu vực buôn bán hải sản nhếch nhác, hôi tanh, không bảo đảm vệ sinh môi trường; người dân mua bán chen chúc... là thực trạng hiện nay của chợ Chiều (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) vừa được người dân phản ánh qua “đường dây nóng” của Báo Đà Nẵng.

Nền ở khu vực hàng hải sản tại chợ Chiều luôn ướt và mùi hôi tanh bốc lên thường xuyên. Ảnh: ĐẮC MẠNH
Nền ở khu vực hàng hải sản tại chợ Chiều luôn ướt và mùi hôi tanh bốc lên thường xuyên. Ảnh: ĐẮC MẠNH

Chợ Chiều diễn ra các hoạt động buôn bán từ khoảng 15-19 giờ hằng ngày tại khu vực kiệt 197 Ngô Quyền. Lối vào chợ từ phía Ngô Quyền là đường kiệt chỉ rộng hơn 2m, bị các tiểu thương lấn chiếm gần như toàn bộ nên người dân tới chợ thường xuyên phải chen chúc.

Đặc biệt, do chợ nằm dưới khu vực dốc, thấp hơn nền mặt đường Ngô Quyền khoảng 0,5m, cả ba bên lân cận đều sát nhà dân nên khá chật chội. Nền chợ lúc nào cũng ướt vì nước thải đổ tràn lan, nhất là khu vực bán hải sản (tôm, cua, cá) luôn có mùi hôi tanh. Khu vực bán thịt xuống cấp, hệ thống dây điện khá chằng chịt, dễ xảy ra chập cháy.

Theo tìm hiểu của phóng viên, chợ Chiều là chợ hạng 3 do phường Thọ Quang quản lý. Trước thực trạng nêu trên, người dân đề nghị phường cần có kế hoạch nâng cấp, cải tạo hoặc di dời chợ tới địa điểm phù hợp hơn.

Ông Võ Đình Công, Chủ tịch UBND phường Thọ Quang cho biết, chợ Chiều giống như chợ làng quê được đưa vào sử dụng hàng chục năm qua và là nơi kinh doanh, buôn bán chủ yếu của nhân dân địa phương. Hiện nay, chợ có khoảng hơn 200 hộ kinh doanh cố định và lưu động.

Theo ông Công, thời gian qua, phường đã tiến hành nâng cấp một số hạng mục của chợ như sân nền, cống rãnh, khu nhà ăn, khu bán rau, lợp tôn mới... Năm 2018, phường đề nghị UBND quận cấp kinh phí và làm mới hệ thống cống thoát nước khớp nối vào hệ thống thoát nước ra đường Lê Tấn Trung. Hệ thống điện và trang thiết bị phòng cháy chữa cháy cũng đã được sửa chữa cơ bản. “Do chợ Mân Thái và chợ An Hải Bắc đang được xây mới hoặc tạm ngừng hoạt động nên người dân dồn về chợ Chiều, dẫn đến tình trạng chen chúc. Chúng tôi thường xuyên cử lực lượng giám sát vấn đề vệ sinh và các quy định về phòng, chống Covid-19 theo đúng quy định”, ông Công nói.

Về tình trạng nước thải, mùi hôi tại khu vực hàng thịt, nhất là hàng hải sản, ông Công cho biết, vấn đề này do tiểu thương thường đổ nước trực tiếp ra nền nên trước mắt phường sẽ tuyên truyền, nhắc nhở để các tiểu thương nâng cao ý thức, giữ gìn vệ sinh môi trường.

Hiện nay, chợ Mai (cùng thuộc phường Thọ Quang, cách chợ Chiều khoảng 1km) đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng mới. Theo ông Công, khi chợ Mai hoàn thành, phường sẽ vận động các tiểu thương buôn bán mặt hàng như quần áo, giày dép qua đó; còn chợ Chiều ưu tiên cho buôn bán hàng hải sản và rau. “Về lâu dài, nếu có quy hoạch tổng thể, phường sẽ nghiên cứu và báo cáo UBND quận để xem xét, đầu tư kinh phí xây dựng chợ quy mô hơn”, ông Công cho hay.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Mai, Trưởng phòng Kinh tế quận Sơn Trà, để xây dựng các chợ văn minh thương mại, UBND quận luôn chú trọng công tác vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, do chợ Chiều khá đông đúc người mua bán, chật chội nên vấn đề vệ sinh môi trường vẫn chưa bảo đảm.

Ngoài ra, mặc dù chợ Chiều do phường quản lý và không nằm trong quy hoạch trong hệ thống mạng lưới chợ của thành phố, nhưng theo bà Mai, vấn đề nâng cấp, cải tạo chợ này cần được xem xét thực hiện trong quy hoạch chung. “Trước mắt, Phòng Kinh tế quận thường xuyên phối hợp với UBND phường tuyên truyền, nhắc nhở và giám sát tiểu thương thực hiện quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường. Hy vọng khi chợ Mai mới đi vào hoạt động, người dân có thể chuyển qua đó để mua bán thì chợ Chiều sẽ không còn tình trạng chen chúc nữa”, bà Phương Mai cho biết thêm.

ĐẮC MẠNH
 

;
;
.
.
.
.
.