Chó thả rông nơi công cộng: Chưa mạnh tay xử phạt

.

Gần đây, người dân Đà Nẵng liên tục phản ánh đến cơ quan chức năng tình trạng các hộ nuôi chó thả rông, phóng uế tại công viên, bãi biển gây ô nhiễm, mất an toàn cho người dân nhưng việc xử lý chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, nhắc nhở nên hiệu quả chưa cao. Trong khi đó, rất nhiều quy định xử phạt hành chính đã được ban hành nhưng chưa được áp dụng nghiêm túc.

Hiện nay, trên một số bãi biển tại Đà Nẵng có tình trạng chó thả rông phóng uế, gây mất vệ sinh. Ảnh: HUỲNH LÊ
Hiện nay, trên một số bãi biển tại Đà Nẵng có tình trạng chó thả rông phóng uế, gây mất vệ sinh. Ảnh: HUỲNH LÊ

Chị N. (trú tổ 38, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) phản ánh hộ bà V. (trú 16 Tiên Sơn 8, phường Hòa Cường Nam) nuôi chó nhưng tùy tiện thả chó phóng uế ngoài đường, gây mùi hôi, mất vệ sinh khu phố.

Trong khi đó, một số hộ dân sống tại con hẻm 24/8 Tôn Đản (phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) cho biết, hiện con hẻm này có nhiều gia đình nuôi chó. Thay vì nhốt trong nhà, họ vô tư thả chó chạy ra ngoài đường mà không rọ mõm; chó cứ thế phóng uế, chạy nhảy, rượt đuổi, sủa inh ỏi.

Đơn cử như gia đình bà D.T.Q (trú K546/24/8 Tôn Đản, khu dân cư - KDC 15) nuôi khá nhiều chó. Ban ngày, chủ hộ nhốt chó trong nhà nhưng chiều thì thả chó chạy nhảy ngoài đường. Những con chó này rất hung dữ, từng cắn người dân trong khu vực.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng ban Công tác Mặt trận KDC 15 cho biết, hộ bà Q. nuôi chó thả rông, song chó đều đã được tiêm ngừa. Mới đây, UBND phường cùng đại diện KDC 15 đến làm việc với hộ bà Q., ghi nhận gia đình đang nuôi 4 con chó, có chứng nhận tiêm ngừa. UBND phường đề nghị gia đình phải bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh môi trường, tiêm ngừa theo quy định, không để chó sủa ồn ào, khi đưa chó ra ngoài thì phải có người dắt và đeo rọ mõm cho chó.

Với nhiều hộ gia đình, việc nuôi chó ban đầu xuất phát từ tình yêu thương đối với loài vật này. Nuôi nhốt mãi trong nhà thấy tội nên thỉnh thoảng cũng mở cửa cho chó ra ngoài dạo chơi. Song, chó đang chạy chơi thì phóng uế hoặc sủa khi gặp người lạ, gây lo ngại cho nhiều người.

Thêm một vấn đề gây bức xúc nữa là tình trạng dắt chó ra công viên, bãi biển, nơi công cộng ngày càng nhiều, đáng lưu ý là việc mang chó xuống tắm biển chung gây mất vệ sinh. Ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng ban Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, thời gian gần đây, khu vực Công viên Biển Đông và dọc bãi biển xuất hiện khá nhiều chó thả rông; đơn vị đã lắp đặt bảng nội quy, khuyến cáo phát trên hệ thống loa phát thanh, đồng thời cử nhân viên nhắc nhở trực tiếp nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn.

“Thông qua việc đưa thông tin khuyến cáo lên mạng xã hội, Ban quản lý mong người dân dừng việc đưa chó và súc vật nuôi ra bãi biển, công viên, vỉa hè ven biển. Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, chúng tôi sẽ phối hợp với đơn vị chức năng tiến hành xử phạt hành chính”, ông Nguyễn Đức Vũ cho hay.

Theo điểm b, khoản 2, Điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP ban hành ngày 31-7-2017 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y, phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng đối với cá nhân không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người chăn dắt khi đưa chó ra nơi công cộng. Trong trường hợp thả rông chó dẫn đến thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác, người chủ nuôi phải chịu trách nhiệm dân sự theo quy định tại Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015.

Từ tháng 12-1997, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định 5071/QĐ-UBND về việc tiêm phòng bệnh dại và xử lý chó chạy rông, trong đó quy định chủ nuôi chó phải giữ chó trong nhà, khi chó ra đường phải có rọ mõm, dây dẫn và có người dẫn dắt để bảo đảm an toàn cho người đi đường. Chó thả rông trong phạm vi lòng, lề đường phố, những nơi công cộng sẽ bị cơ quan thú y thành phố bắt giữ…

Theo đề án “Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh dại ở động vật nuôi trên địa bàn các quận của thành phố Đà Nẵng” được UBND thành phố ban hành năm 2018: Kể từ năm 2019, các hộ dân nuôi chó, mèo phải đăng ký với UBND phường; tỷ lệ chó, mèo nuôi được tiêm phòng vắc-xin dại tại các quận đạt trên 90%. Đến năm 2020, trên 95% chó, mèo nuôi tại các quận được tiêm phòng vắc-xin dại.

Nói như vậy để thấy, từ Trung ương đến địa phương đã có những quy định xử phạt cụ thể về hành vi thả rông chó không người quản lý, không rọ mõm, phóng uế gây ô nhiễm nơi công cộng. Song, theo tìm hiểu của chúng tôi, chưa địa phương nào tại Đà Nẵng đưa ra quyết định xử phạt hành chính do thiếu thông tin, chứng cứ.

Đơn cử, UBND phường Hòa An (quận Cẩm Lệ) từng giải quyết nhiều kiến nghị của người dân về tình trạng nuôi chó thả rông gây ô nhiễm, nguy hiểm cho KDC. Tuy nhiên, hầu hết việc xử lý đều dừng lại ở hình thức yêu cầu hộ nuôi ký cam kết và… hứa không vi phạm. Ông Nguyễn Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa An nêu lý do là tại thời điểm kiểm tra, chó đang được nuôi giữ trong nhà, không thả rông.

Trong khi đó, UBND phường Hòa Cường Nam sau khi tiếp nhận thông tin hộ bà V. (trú 16 Tiên Sơn 8) nuôi chó gây ô nhiễm đã cử cán bộ xuống tìm hiểu nhưng chủ nhà đóng cửa không tiếp, thậm chí lớn tiếng với cán bộ phường. Đây là lần thứ 3 cán bộ phường xuống tận nơi tuyên truyền, nhắc nhở bà V. không thả chó ra đường vệ sinh nhưng không ai tiếp xúc được với bà. UBND phường cũng đề nghị người dân khi phản ánh cần chụp ảnh, quay phim để phường có cơ sở xử lý vi phạm.        

                                                                       HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.