Tình trạng người dân tự ý rào chắn để nuôi gà, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị tiếp tục diễn ra tại nhiều khu dân cư (KDC) trên địa bàn Đà Nẵng. Hành vi này vi phạm Chỉ thị số 12/2006/CT-UBND ngày 8-5-2006 của UBND thành phố Đà Nẵng (Chỉ thị 12) về việc nghiêm cấm mọi tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chăn nuôi gia súc, gia cầm trong khu vực nội thị.
Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, một số hộ dân có xu hướng nuôi gà trên sân thượng. (ảnh do bạn đọc cung cấp). |
Quyết định số 709/QĐ-UBND ngày 9-2-2018 của UBND thành phố về việc ban hành đề án “Quy hoạch khu vực chăn nuôi quy mô nhỏ, kiểm soát giết mổ động vật, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” nêu rõ: Trên địa bàn quận Liên Chiểu chỉ được phép chăn nuôi ở khu vực ven đồi núi Hải Vân thuộc phường Hòa Hiệp Bắc; các tổ 60, 61, 63, 69 phường Hòa Khánh Nam và các tổ 67, 69, 70, 71, 76, 77, 78, 79, 80, 81 phường Hòa Khánh Bắc. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng nuôi gà trong KDC vẫn âm thầm diễn ra tại nhiều khu vực cấm trên địa bàn quận.
Đơn cử, ông Nguyễn Ngọc Hùng (trú K01/18 Hoàng Văn Thái, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) phản ánh hộ ông H.N.K (trú K01/20 Hoàng Văn Thái) nuôi gà nhiều năm gây ô nhiễm môi trường, để thức ăn gia súc bốc mùi hôi thối khiến cuộc sống gia đình ông bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ông Hùng từng phản ánh nhiều lần với UBND phường Hòa Minh nhưng tình trạng trên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. “Việc nuôi gà của gia đình ông Kim diễn ra nhiều năm nay, gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống gia đình tôi. UBND phường từng tổ chức cuộc họp có đầy đủ các thành phần tham dự nhưng việc nuôi gà vẫn tái diễn”, ông Hùng bức xúc nói.
Tình trạng nuôi gà cũng xuất hiện tại 25 Trần Nguyên Đán, K382/5 Tôn Đức Thắng (phường Hòa Minh). Ông Phạm Ngọc Lãnh, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Minh cho biết, do địa bàn nhiều kiệt, hẻm, nhà cấp 4 có khu vực sân vườn nên một số hộ dân tận dụng nuôi đàn gà số lượng nhỏ, rất khó phát hiện nếu không nhờ sự phản ánh của chính người dân trong khu vực. Để công tác quản lý tốt hơn, UBND phường yêu cầu tổ trưởng tổ dân phố, bí thư chi bộ khu vực phổ biến đến người dân quy định cấm chăn nuôi trong KDC theo tinh thần Chỉ thị 12, đồng thời kiên quyết yêu cầu các hộ dân dừng việc nuôi gà gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng nuôi gà vẫn diễn ra tại hầu hết các quận, phường trên địa bàn thành phố. Các hộ nuôi nhỏ lẻ, chủ yếu cung cấp thực phẩm cho gia đình, không vì mục đích thương mại. Ngoài nuôi nhốt sau nhà, một số hộ dân có xu hướng nuôi gà lấy trứng trên sân thượng. Tuy nhiên, việc xử lý dừng ở mức nhắc nhở, yêu cầu hộ dân viết cam kết nên hiệu quả chưa cao, thời gian xử lý cũng kéo dài vì phụ thuộc vào sự sinh trưởng, phát triển của đàn gà.
Chẳng hạn, UBND phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) vừa yêu cầu một hộ dân không được chăn thả gà tại lối thoát hiểm cạnh số nhà 75 Võ An Ninh; đồng thời tháo dỡ chuồng gà, khai thông lối thoát hiểm trước ngày 15-10-2020. Tương tự, hộ bà L.T.K.T nuôi gà tại 35 Phùng Hưng (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) cũng gây bức xúc cho người dân khu vực. Sau khi tiếp nhận phản ánh, chính quyền địa phương đã cử lực lượng kiểm tra, yêu cầu bà T. trong vòng 10 ngày phải giải phóng đàn gà, dọn dẹp sạch sẽ khu vực chuồng trại, cấm tái diễn việc nuôi nhốt gà trong thời gian tới.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Luật Chăn nuôi năm 2018 đã có hiệu lực, trong đó cấm các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không nằm trong vùng quy hoạch. Ở các KDC, người dân tận dụng thức ăn thừa để nuôi thả gà, vịt, điều này trái quy định nhưng không phải ai cũng hiểu nếu không được các cấp chính quyền tuyên truyền thường xuyên và đầy đủ các quy định của Nhà nước trong quản lý chăn nuôi.
Từ đầu năm 2020, để chủ động phòng, chống dịch cúm A (H5N1) trên gia cầm, UBND thành phố yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ tình hình chăn nuôi của các hộ dân, trong trường hợp phát hiện hộ chăn nuôi trái phép trong KDC thì cần xử lý nghiêm, dứt điểm.
HUỲNH LÊ