Qua đơn - thư bạn đọc

Người dân bức xúc vì trại nuôi heo gây ô nhiễm

.

Hàng chục hộ dân ở tổ 4 thôn Nam Sơn (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) bức xúc về việc 2 trang trại nuôi heo nằm trong khu dân cư thường xuyên bốc mùi hôi, gây ô nhiễm môi trường. Dù người dân phản ánh và gửi đơn kiến nghị lên chính quyền các cấp, nhưng tình trạng này chưa được xử lý dứt điểm.

Chuồng trong trại nuôi heo của hộ bà Ngô Thị Chúc (còn gọi là trại 800) được xây dựng khép kín, làm lạnh, đang nuôi heo thịt. Ảnh: ĐẮC MẠNH
Chuồng trong trại nuôi heo của hộ bà Ngô Thị Chúc (còn gọi là trại 800) được xây dựng khép kín, làm lạnh, đang nuôi heo thịt. Ảnh: ĐẮC MẠNH

Trong đơn phản ánh gửi Báo Đà Nẵng, hàng chục hộ dân tổ 4 thôn Nam Sơn đồng loạt ký tên phản ánh việc 2 trại heo nuôi trong khu dân cư thường xuyên bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân, nhất là đối với người già và trẻ nhỏ, trong đó có trại heo của hộ bà Ngô Thị Chúc và một trại heo của hộ ông Tâm.

Bà Phạm Thị Huệ (đại diện nhóm người trong đơn), một trong số các hộ sống cách trại nuôi heo của ông Tâm chừng 50m bức xúc nói: “Trại heo này mới được xây dựng cách đây 5-6 tháng nhưng hệ thống chứa nước thải, kể cả hệ thống chuồng trại đều không bảo đảm khoảng cách và thường xuyên gây mùi hôi nồng nặc”.

Cách đó một đoạn không xa là trại heo của hộ bà Chúc với số lượng nuôi hàng ngàn con. Nhiều thời điểm mùi hôi của phân và nước thải từ các trại heo này bốc lên. “Mùi hôi nặng nhất là vào các buổi trưa, chiều tối. Tôi sống ở đây hơn 10 năm thì cũng chừng đó thời gian phải chịu đựng ô nhiễm”, bà Huệ nói.

Theo ghi nhận của chúng tôi, 2 trại heo mà người dân phản ánh đều nằm trong khu dân cư của tổ 4 thôn Nam Sơn. Hai trại heo này cách nhau chừng 100m. Trong đó, trại nuôi heo của hộ bà Ngô Thị Chúc (còn gọi là trại 800) được xây dựng và hoạt động từ năm 2006. Trại heo của bà Chúc hiện có 3 chuồng. Chuồng 1 và chuồng 3 được xây khép kín, làm lạnh, đang nuôi khoảng 1.200 con heo thịt. Còn chuồng 2 được hộ bà Chúc sửa lại từ chuồng hở thành chuồng kín, có làm lạnh. “Trước kia, tôi làm chuồng hở, che bằng bạt nên có thể gây mùi hôi nhưng sau đó cải tạo thành chuồng khép kín bảo đảm quy định nên không còn mùi nữa. Trại có 1 hầm bioga rộng 400m2 (chứa chất thải hữu cơ) được che kín và 5 hầm hủy, 3 hầm chứa nước trong. Tất cả đều được cơ quan chức năng kiểm tra thường xuyên và bảo đảm quy định”, bà Chúc thông tin.

Trong khi đó, trại heo của hộ ông Tâm được xây còn khá mới, với 3 chuồng (2 chuồng để trống). Chỉ có 1 chuồng phía ngay cổng chính đang nuôi nhốt 80 con heo nái. Đáng nói, hệ thống chuồng của hộ ông Tâm làm hở, chỉ được quây bằng lưới thưa màu đen. Hệ thống được cho là bể chứa chất thải được che bằng tôn màu xanh. Đứng cách đó 50m đã ngửi mùi hôi bốc lên. Từ khu vực chuồng nuôi này tới nhà dân gần nhất là hộ bà Lê Thị Dũ, chỉ cách chừng 20m và hộ ông Phạm Viết Tường cách hơn 30m.
Ngoài ra, theo các hộ dân, trong đợt dịch tả heo châu Phi vừa qua, góc khu đất trống cạnh 2 trại heo này được chôn rất nhiều heo chết. Người dân lo ngại việc xác heo phân hủy sẽ thẩm thấu vào nguồn nước, khiến người dân lo sợ dịch bệnh lây lan bởi nhiều hộ dân ở khu vực vẫn dùng nước giếng khơi để ăn uống, sinh hoạt.

Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Ngọc Trúc, Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến cho biết, UBND xã mới nhận được phiếu chuyển của UBND huyện liên quan tới kiến nghị của bà Phạm Thị Huệ về các trang trại nuôi heo này. “Xã đã có kế hoạch phối hợp cùng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hòa Vang kiểm tra thực tế để có hướng giải quyết cụ thể”, ông Trúc nói và cho biết hiện trên địa bàn xã Hòa Tiến có 5 trại nuôi heo, trong đó quy mô chăn nuôi lớn nhất là hộ bà Chúc. Riêng với trường hợp ông Tâm, xã sẽ kiểm tra lại xem có giấy phép hay không.

Ông Lê Đức Toại, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hòa Vang cho biết, phòng cũng nhận được phiếu chuyển liên quan tới đơn của bà Huệ và sẽ phối hợp với UBND xã Hòa Tiến kiểm tra thực tế để có hướng xử lý theo quy định.

ĐẮC MẠNH

;
;
.
.
.
.
.