Bảo đảm an toàn giao thông trước các trường đại học

.

Hiện nay, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông trước các trường đại học trên địa bàn thành phố ngày càng nhiều, trong đó có một phần nguyên nhân do ý thức của người tham gia giao thông chưa cao, đặc biệt là các sinh viên.

Khu vực trước cổng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng (số 71 Ngũ Hành Sơn, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) là điểm đen tiềm ẩn tai nạn giao thông (TNGT). Nơi đây thường xảy ra các vụ va chạm, nhẹ là ngã đổ xe, trầy xước, nặng là chấn thương, gãy chân tay, thậm chí đã có trường hợp tử vong; khiến cho nhiều người bất an khi lưu thông qua khu vực này. Trường nằm trên mặt tiền tuyến đường Ngũ Hành Sơn, ngay ngã ba giao với tuyến đường Hàm Tử, nhưng nút giao này lại không có đèn tín hiệu, nên giao thông rất lộn xộn. Đặc biệt là vào giờ cao điểm, sinh viên ra về không tuân thủ theo các biển báo hướng dẫn, vạch kẻ đường nên xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ và nguy cơ TNGT.

Ngày 30-10, có mặt tại cổng Trường Đại học Kinh tế, chúng tôi nhận thấy chỉ trong 30 phút trước giờ vào lớp, đã có hàng trăm sinh viên điều khiển xe máy và cả đi bộ sang đường để vào trường. Điều đáng nói là cả người đi xe máy lẫn đi bộ đều không tuân thủ vạch kẻ đường. Xe máy thì lấn chiếm lòng đường, mặc dù các cơ quan chức năng đã kẻ vạch phân chia làn, còn các sinh viên thản nhiên đi bộ sang đường không theo một quy tắc nào dù hai bên đầu đường đã có vạch kẻ dành cho người đi bộ. Trong khi đó, tuyến đường này vào giờ cao điểm có nhiều loại xe đầu kéo, xe rơ-moóc, xe vận tải loại lớn, xe khách... lưu thông.

Bà Trần Thị Sáu, một người buôn bán đối diện cổng trường cho biết, nhiều năm qua nơi đây thường xảy ra các vụ TNGT, mà đa số nạn nhân là sinh viên, học viên của Trường Đại học Kinh tế. “Theo tôi, thành phố nên lắp đặt đèn tín hiệu và làm thêm gờ giảm tốc, sơn lại vạch kẻ đường, gắn biển hạn chế tốc độ ở khu vực này để giảm thiểu tai nạn”, bà Sáu đề nghị.

Đà Nẵng hiện có hơn 15 trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp của địa phương và cả nước đóng chân trên địa bàn, tiềm ẩn nỗi lo về nguy cơ mất an toàn giao thông trước trường. Tại các trường như: Trường Đại học Duy Tân (cơ sở nằm trên tuyến đường Nguyễn Văn Linh với tuyến đường Phan Thanh), Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, Đại học Kiến trúc..., tình trạng sinh viên vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông cũng liên tục diễn ra. Ý thức và kỹ năng khi tham gia giao thông của một bộ phận sinh viên còn hạn chế. Một số sinh viên không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe gắn máy, đi hàng đôi hàng ba, đèo quá số người quy định, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, thậm chí là đi ngược chiều khi tham gia giao thông...

Mai Hứa Tùng Khanh, sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng cho biết, thời gian gần đây, tình trạng thanh - thiếu niên (trong đó có sinh viên) điều khiển xe máy chở quá số người quy định, chạy với tốc độ cao, đi lấn làn, ngược chiều, không chấp hành luật giao thông tái diễn. Hệ lụy trên xuất phát từ chính ý thức người tham gia giao thông, đặc biệt là các bạn trẻ. Ngoài ra, khung pháp lý để xử lý vi phạm đã có song mức xử phạt thấp dễ gây ra tình trạng “nhờn luật”, thiếu tính răn đe.

Chánh Văn phòng Đảng ủy Đại học Đà Nẵng Nguyễn Đức Tiến cho rằng, để bảo đảm an toàn giao thông cho sinh viên, ngoài việc lắp đặt đèn tín hiệu giao thông tại các nút giao trước cổng trường, lãnh đạo các trường cần đề nghị sinh viên nghiêm chỉnh chấp hành biển báo, tín hiệu đèn giao thông, đi đúng vào vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, cấm đi ngược chiều nhằm bảo đảm an toàn khi qua đường.

Theo quan sát thực tế cho thấy, hiện một số vạch kẻ đường tại các nút giao dẫn vào các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn đã bị tróc sơn, khó nhận thấy, không ít biển báo giao thông bị xiêu vẹo do bão... Theo Chánh Văn phòng Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố Nguyễn Hữu Cường, thời gian tới, Sở GTVT sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan, Ban An toàn giao thông các quận, huyện kẻ lại vạch cho người đi bộ, bổ sung các biển báo điều hướng để tăng khả năng quan sát cho người lái xe; vẽ dẫn hướng cho sinh viên từ trong trường ra các hướng giao thông.

Bên cạnh đó, Cảnh sát giao thông sẽ tăng cường giám sát xử lý tốc độ của xe tham gia giao thông, đặc biệt là xe rơ-moóc, cấm xe rơ-moóc vào giờ cao điểm, phát quang cây xanh ở 2 đầu nút giao thông trước các trường nhằm mở rộng tầm nhìn của người tham gia giao thông... Các lực lượng chức năng cũng đã phối hợp với các trường đại học thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở, đồng thời kiểm tra sinh viên tuân thủ các quy định về an toàn giao thông, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông liên quan đến sinh viên. Đặc biệt, phải xử lý nghiêm, phạt nặng các hành vi như chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, dàn hàng ngang trên đường, điều khiển phương tiện xe máy khi chưa có giấy phép lái xe.

THÀNH LÂN

;
;
.
.
.
.
.