Bạn đọc

Cần sớm quy hoạch khu chăn nuôi tập trung

14:04, 15/12/2020 (GMT+7)

Người dân mong muốn thành phố sớm quy hoạch khu chăn nuôi tập trung, tạo điều kiện cho hộ nuôi bò phát triển kinh tế gia đình, đồng thời xử lý dứt điểm tình trạng bò thả rông, không người quản lý tại các khu dân cư hay tuyến đường ven đô.

Đàn bò đi vào trước cửa nhà dân tại tuyến đường Diệp Minh Châu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ. (Ảnh chụp tháng 11-2020)Ảnh: H.L
Đàn bò đi vào trước cửa nhà dân tại tuyến đường Diệp Minh Châu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ. (Ảnh chụp tháng 11-2020). Ảnh: H.L

Địa bàn phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) hiện có 5 hộ nuôi bò. Thời gian qua, đàn bò thường xuyên xuất hiện trên tuyến đường Trường Sa, đoạn gần khu đô thị FPT vào khung giờ cao điểm (từ 6-7 giờ và từ 16-17 giờ) khiến người đi đường cảm thấy bất an. Trước tình trạng này, cuối tháng 11, UBND phường Hòa Hải yêu cầu 5 hộ chăn nuôi ký cam kết không được thả rông bò nhằm bảo đảm an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.

Bò thả rông cũng thường xuyên xuất hiện phía đông cầu Hòa Phước (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn). Chị Nguyễn Thị Diệu sinh sống gần khu vực này phản ánh mỗi ngày có 10-20 con bò ăn cỏ dọc hai bên cầu Hòa Phước. Không người coi ngó, bò cứ thế băng qua đường, gặm cỏ trên con lươn. “Có hôm đến 18, 19 giờ bò vẫn còn đi lại trên đường. Trời chập choạng, mưa lạnh khiến việc di chuyển của người dân qua khu vực này khá nguy hiểm. Không ít lần tôi chứng kiến đàn bò rượt đuổi nhau va vào xe máy đang lưu thông gây tai nạn”, chị Diệu nói.

Mới đây, một người dân địa phương đã ghi lại hình ảnh đàn bò lững thững đi lại trên tuyến đường Diệp Minh Châu (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ). Theo người này, bò không chỉ đi lại trên đường gây mất an toàn giao thông mà còn vào sân, vườn dân ăn rau màu, phóng uế bừa bãi. Được biết, từ năm 2017, UBND phường Hòa Xuân đã tổ chức họp hơn 26 hộ nuôi bò trên địa bàn để tuyên truyền, nhắc nhở và thông báo chủ trương xử lý của địa phương. Bà Hồ Thị Cẩm Nhung, Chủ tịch UBND phường Hòa Xuân cho biết, UBND phường đã nhiều lần phát hiện, xử phạt hành chính các hộ nuôi bò thả rông, không chăn dắt.

Chủ trương của phường là không cấm người dân nuôi bò nhưng phải có người chăn dắt, không để bò đi lại tự do, phá hoại tài sản của người dân, phóng uế ra môi trường. Tại địa bàn phường Hòa Xuân, người dân có thể chăn thả bò ở khu vực ven sông và khu vực Tùng Lâm cũ. Cũng theo bà Nhung, đối với trường hợp vi phạm mà chủ bò không đến nhận và nộp phạt thì sau 5 ngày, UBND phường sẽ lập hội đồng bán bò sung vào công quỹ Nhà nước. Trước tình trạng nuôi thả rông bò tái diễn, UBND phường Hòa Xuân đã xây dựng Kế hoạch số 1318 ngày 10-11-2020 về việc triển khai lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo quy định.

Theo quy định tại Điều 128, Bộ luật Hình sự năm 2015, khung xử lý thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 1-5 năm đối với trường hợp chủ gia súc thả gia súc, hoặc dẫn dắt gia súc đi trên đường gây tai nạn giao thông chết người; đồng thời người chủ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người với mức phạt tù từ 3-10 năm, chịu tránh nhiệm bồi thường theo Bộ luật Dân sự. Tuy vậy, xử lý vụ việc bò thả rông gây tai nạn giao thông ở Đà Nẵng là vấn đề còn bỏ ngỏ dù trên thực tế vài năm qua có không ít vụ va quẹt giữa bò và phương tiện diễn ra trên các tuyến đường Trường Sa, Lê Văn Hiến (quận Ngũ Hành Sơn) hay Tôn Đức Thắng (quận Liên Chiểu), Nguyễn Tất Thành nối dài, ĐT 601 (huyện Hòa Vang),... Một số lý do được cơ quan chức năng đưa ra là rất khó xác định chủ nuôi nếu họ không chủ động đứng ra nhận trách nhiệm.

Để giải quyết tình trạng này, các địa phương cần có thống kê cụ thể, đề xuất hướng giải quyết phù hợp nhằm bảo đảm mỹ quan đô thị cũng như nguồn thu nhập chính đáng cho người dân. Ông Nguyễn Văn T., người nuôi bò khu vực ven sông Cẩm Lệ cho biết, bản thân ông trông chờ thành phố sớm quy hoạch, bố trí khu chăn nuôi tập trung để tạo điều kiện cho người dân khai thác, sử dụng.

“Từ năm 2006 đến nay, chúng tôi nghe thông tin có chủ trương xây dựng các khu chăn nuôi tập trung ở thôn Diêu Phong (xã Hòa Nhơn), thôn Lộc Mỹ (xã Hòa Bắc) hay khu chăn nuôi hơn 10ha ở xã Hòa Khương (đều thuộc địa bàn huyện Hòa Vang), nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Việc nuôi bò khu vực ven đô hiện nay rất khó khăn vì diện tích thu hẹp, nguồn cỏ khan hiếm, thường xuyên bị chính quyền nhắc nhở. Do đó, chúng tôi mong mỏi thành phố sớm bố trí khu chăn nuôi tập trung, có chính sách khuyến khích người dân duy trì, phát triển kinh tế hộ gia đình”, ông T. bày tỏ.

HUỲNH LÊ

.