Chiếm dụng lối thoát hiểm

.

Tận dụng lối thoát hiểm làm nhà kho, bếp, khu vực nuôi gà, vịt, trồng cây hoặc để các vật dụng là thực trạng diễn ra tại nhiều địa phương. Ngoài động thái xử lý của cơ quan chức năng, người dân cần nâng cao ý thức, chủ động bảo vệ gia đình trước những nguy cơ mất an toàn trong cuộc sống.

Lực lượng chức năng tiến hành tháo dỡ lối thoát hiểm bị bít tại tuyến đường Tân Thái 4, phường Mân Thái, quận Sơn Trà cuối năm 2020.Ảnh: Huỳnh Lê
Lực lượng chức năng tiến hành tháo dỡ lối thoát hiểm bị bít tại tuyến đường Tân Thái 4, phường Mân Thái, quận Sơn Trà cuối năm 2020. Ảnh: Huỳnh Lê

“Lấn chiếm lối thoát hiểm” là cụm từ thường xuyên xuất hiện trên trang facebook “Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi - Xanh - Sạch - Đẹp” và Cổng góp ý thuộc UBND thành phố. Người dân xem đây là địa chỉ tin cậy để phản ánh bức xúc cũng như những hạn chế tồn tại thời gian dài tại cộng đồng dân cư. Bà Nguyễn Thị Hải Yến (trú tổ 25, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) cho biết, thời gian qua có một số hộ dân đặt vật dụng sinh hoạt, xây dựng công trình lấn chiếm lối thoát hiểm tại số 2 Phan Văn Đạt, ảnh hưởng đến việc thoát hiểm cũng như gây thấm tường nhà bà khi trời mưa. “Trước khi đăng lên Cổng góp ý nhờ chính quyền can thiệp, tôi đã nói chuyện với họ nhưng họ cứ lờ đi, không chịu hợp tác. Đáng nói, các hộ dân ở đây nâng nền mỗi nhà một kiểu, đóng cọc trụ, để vật dụng xây dựng và lợp mái trên mương thoát hiểm”, bà Yến cho biết.

Nhận thông tin phản ánh từ người dân, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Bắc Đặng Đức Nhật trực tiếp chỉ đạo lực lượng đi kiểm tra thực tế. Theo ông Nhật, lối thoát hiểm tại số 2 Phan Văn Đạt được 5 gia đình sử dụng, trong đó có một số hộ đặt dụng cụ, đồ đạc sinh hoạt và làm mái che nắng bằng tôn, có lắp đặt máng xối, ống dẫn nước mưa. “UBND phường đã phối hợp với tổ dân phố 25 lập biên bản yêu cầu các hộ có sử dụng lối thoát hiểm nhanh chóng thu dọn đồ đạc, vật dụng gia đình, trả lại hiện trạng thông thoáng như ban đầu”, ông Nhật nói.

Ngoài ra, UBND phường Hòa Khánh Bắc đã có văn bản đề nghị Phòng Quản lý đô thị quận Liên Chiểu kiểm tra, cho ý kiến về việc lợp mái tôn của các hộ dân trên lối thoát hiểm là đúng hay sai để đi đến thống nhất hướng giải quyết dứt điểm. Cũng theo ông Nhật, phần lớn người dân chiếm lối thoát hiểm để vật dụng gia đình, một số ít bịt kín làm bếp hoặc khu vực chăn nuôi. Lối thoát hiểm chủ yếu nằm phía sau nhà nên rất khó bị phát hiện nếu không có thông tin từ chính người dân trong khu vực.

Phó Chủ tịch UBND phường Hòa An (quận Cẩm Lệ) Nguyễn Văn Sử cho hay, địa phương thường xuyên ra quân xử lý tình trạng chiếm dụng lối thoát hiểm nhưng chưa thể giải quyết rốt ráo vấn đề này. Thậm chí, nhiều gia đình ký cam kết dọn dẹp, trả lại nguyên trạng nhưng sau một thời gian thì đâu lại vào đó. Đơn cử, tháng 11-2020, UBND phường nhận thông báo của người dân về tình trạng lấn chiếm lối thoát hiểm của gia đình ông Hà Đức Khiêm trú số nhà 22 Tú Mỡ. Cụ thể, trong quá trình kinh doanh buôn bán, ông Khiêm để tủ chứa gà đông lạnh ngay tại lối thoát hiểm, nấu nướng gây ô nhiễm và mất mỹ quan đô thị.

Sau khi kiểm tra nội dung phản ánh, UBND phường Hòa An đã mời ông Hà Đức Khiêm đến làm việc, yêu cầu ông đưa bếp nấu ăn, vật dụng vào trong nhà, không lấn chiếm vỉa hè, lối thoát hiểm; có biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường trong quá trình kinh doanh buôn bán; đồng thời giao cho Ban Công tác Mặt trận, tổ hòa giải cơ sở, tổ trưởng tổ dân phố 80 kiểm tra, đôn đốc, vận động gia đình ông Khiêm nghiêm túc chấp hành. Tuy nhiên, mới đây, UBND phường tiếp tục nhận ý kiến bức xúc của người dân về việc ông Khiêm chưa thu dọn đồ đạt gọn gàng như cam kết nên tiếp tục kiểm tra và lập biên bản làm việc lần 2. “Hiện nay, người dân còn giữ thói quen xem lối thoát hiểm là “đường luồng” của gia đình nên mặc nhiên bỏ vật dụng, đồ đạc lên trên gây bít lối, cản trở việc đi lại. Năm 2021, UBND phường sẽ tổ chức các đợt ra quân khơi thông lối thoát hiểm nhằm bảo đảm an toàn cho người dân cũng như nâng cao ý thức của các hộ dân sống cạnh lối thoát hiểm”, ông Sử nói.

Trong quy hoạch đô thị, các khu dân cư đều có lối thoát hiểm như tại phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà) có 50 lối, phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu) có 74 lối và phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) có hơn 60 lối thoát hiểm... Đây không chỉ là lối đi dùng cho công tác phòng cháy, chữa cháy, nơi người dân thoát thân khi công trình đang ở gặp sự cố mà còn là không gian bảo đảm thi công công trình thoát nước trong khu dân cư.

HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.