Kiên quyết xử phạt hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn

.

LTS: Sau khi Báo Đà Nẵng số ngày 13-4-2021 đăng bài viết “Mạnh tay xử lý ô nhiễm tiếng ồn” phản ánh việc thành phố tăng cường kiểm tra, xử lý ô nhiễm tiếng ồn do các hoạt động mở nhạc, hát karaoke ở khu dân cư, đô thị trên địa bàn, nhiều bạn đọc đã gửi ý kiến đến báo, bày tỏ đồng tình với bài báo và cách xử lý của thành phố.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã ký Công văn số 1478/UBND-ĐTĐT (Công văn 1478) về tăng cường kiểm tra, xử lý ô nhiễm tiếng ồn do các hoạt động mở nhạc, hát karaoke trong khu dân cư, đô thị trên địa bàn. Đây là động thái tích cực không chỉ nhằm giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn do các hành vi mở nhạc, hát karaoke quá cỡ tạo ra, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người, mà còn thể hiện việc tuân thủ nghiêm minh quy định của pháp luật.

Những hành vi UBND thành phố yêu cầu xử lý các đối tượng vi phạm được căn cứ theo quy định của Chính phủ tại Điểm a, Khoản 1, Điều 6, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP về “quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình” (Nghị định 167) ban hành ngày 12-11-2013: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng - 300.000 đồng đối với hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau.

Như vậy, chúng ta có thể hiểu việc mở nhạc, hát karaoke phá tan sự yên tĩnh trong khu phố, ảnh hưởng tới thời gian nghỉ ngơi của mọi người là hành vi vi phạm Nghị định 167.

Từ khi có nghị định này, các đơn vị, địa phương đã triển khai các biện pháp thực hiện, song chưa thật sự hiệu quả do việc tiến hành chưa đồng bộ, có nơi làm quyết liệt, nhưng có nơi còn nể nang, xuê xoa, chủ yếu vẫn nhắc nhở nên dẫn đến tình trạng “đầu voi, đuôi chuột”.

Ngày 18-11-2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 155/2016/ĐN-CP “Quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường” (Nghị định 155), trong đó Điều 17 quy định xử phạt về hành vi gây tiếng ồn vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ mức cảnh cáo tới 160 triệu đồng tùy theo mức độ vi phạm.

Tuy nhiên, người dân vẫn mong muốn các địa phương quyết liệt hơn trong việc xử phạt hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn, nhất là khi Nghị định 167 chỉ cho phép xử lý vi phạm tiếng ồn từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau, còn Nghị định 155 có mức phạt tiền cao nên khó áp dụng đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ hoặc hộ gia đình.

Theo nội dung Công văn 1478, từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 5-2021, Đà Nẵng tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau và từ ngày 1-6 sẽ tiến hành xử phạt nghiêm. Bên cạnh các kênh thông tin đại chúng, chính quyền cơ sở cần phổ biến chủ trương này trong cuộc họp tổ dân phố, cụm dân cư, cảnh sát khu vực, các thành viên ban bảo vệ dân phố, trưởng các khu nhà chung cư...

Các tổ trưởng tổ dân phố, Ban công tác Mặt trận khu dân cư cũng cần tới từng hộ gia đình vận động, phổ biến rõ ràng để người dân tự giác chấp hành và phản ánh với cơ quan chức năng những trường hợp vi phạm. Thế nhưng, thiết nghĩ, điều cần hơn cả vẫn là ý thức của người dân. Các biện pháp chế tài chỉ mang tính răn đe, ngăn chặn hành vi vi phạm. Ý thức của công dân, của từng hộ gia đình mới là yếu tố then chốt để góp phần xây dựng thành phố an bình, văn minh.

THÁI KIỀU VI

;
;
.
.
.
.
.