Bạn đọc

Nuôi chó - Cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân

13:36, 14/04/2021 (GMT+7)

Người dân liên tục than phiền nhiều hộ gia đình nuôi chó không tuân thủ các quy định về giữ gìn vệ sinh môi trường, gây nguy hiểm, ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư.

Việc nuôi chó cần tuân thủ các quy định để bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường, tránh tình trạng chó thả rông không người giám sát.  (Ảnh do anh Trần Văn Mạnh, trú phường Hải Châu 1, quận Hải Châu chia sẻ)
Việc nuôi chó cần tuân thủ các quy định để bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường, tránh tình trạng chó thả rông không người giám sát. (Ảnh do anh Trần Văn Mạnh, trú phường Hải Châu 1, quận Hải Châu chia sẻ)

Sau nhiều lần được UBND phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) nhắc nhở, hộ ông N.V.A (địa chỉ 132 Lê Văn Thịnh) đã chủ động xích chó, thường xuyên đóng cửa nhà, không cho chó chạy rông ra đường như trước.

Tuy nhiên, chó bị xích trong thời gian dài trở nên hung hăng, sủa to mỗi khi có người lạ đi ngang trước cổng. Chưa kể, việc ông A. nuôi nhiều chó (6 con) trong một thời điểm khiến người dân mỗi khi đi ngang qua khu vực này cảm thấy lo lắng.

Tương tự, anh Nguyễn Phước Nhật (trú phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) phàn nàn hàng xóm cạnh nhà anh ở địa chỉ 172 Đỗ Bá nuôi 18 con chó phốc cảnh. Các chú chó thường sủa kéo dài, phát sinh mùi hôi khiến gia đình anh cảm thấy mệt mỏi.

Sau nhiều năm chịu đựng, anh Nhật quyết định nói chuyện này với nhà hàng xóm nhưng chỉ nhận lại cái lắc đầu. “Họ nói rằng họ chỉ nuôi chó cảnh, có máy giặt riêng, có bác sĩ thú y, có người giúp việc dọn dẹp và không thả rông nên không ảnh hưởng chi tới nhà hàng xóm.

Họ còn nói nếu mình thấy ảnh hưởng thì nên lấp 4 cửa sổ lại để không phải nghe mùi. Tôi nghĩ nếu họ thích nuôi chó cảnh thì nuôi 1-2 con cho vui thôi, đằng này nuôi tới 18 con khiến gia đình chúng tôi cảm thấy bị làm phiền, nhiều khi giữa đêm con nhỏ đang ngủ nghe tiếng chó sủa giật mình tỉnh giấc”, anh Nhật ngán ngẩm.

Việc người nuôi dắt chó đi công viên dạo rồi sẵn tiện cho đi vệ sinh dọc đường cũng khiến người dân bức xúc. Anh Nguyễn Tiến (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, tại khu vực anh sinh sống có nhiều hộ nuôi chó, thường dắt chó đi vệ sinh dọc các tuyến đường Lưu Văn Lang tới Nguyễn Khắc Viện. Đáng ngại là nhiều loại chó như Pitbull, chó Phú Quốc khá hung dữ nhưng không được rọ mõm khiến nhiều người e ngại.

Anh Trần Văn Mạnh, sống cạnh công viên góc tuyến đường Hùng Vương - Nguyễn Thái Học (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) cho biết, chiều đến, nhiều người dắt chó ra công viên đi vệ sinh. Tình trạng này diễn ra thường xuyên khiến công viên có mùi hôi, có người còn giẫm phải phân chó.

“Công viên cây xanh giữa trung tâm thành phố nhưng thường xuyên có người dẫn chó đi vệ sinh. Nhiều trẻ em thích chơi với chó nên rất nguy hiểm nếu gặp phải con chó dữ”, anh Mạnh cho hay.

Những hệ lụy trong việc gây tiếng ồn, mất vệ sinh, gia tăng nguy hiểm cho người dân khiến việc nuôi chó trong khu vực đô thị không được khuyến khích. Ai muốn nuôi buộc phải có những biện pháp hạn chế nhằm bảo đảm an toàn.

Tại thành phố, ngoài bắt buộc tiêm vắc-xin phòng dại, người nuôi chó, mèo phải cung cấp thông tin để phường, xã quản lý. Những nội dung này nằm trong đề án “Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh dại ở động vật nuôi trên địa bàn các quận của thành phố Đà Nẵng”, theo Quyết định số 6140/QĐ-UBND của UBND thành phố ngày 14-12-2018.

Sau 2 năm triển khai đề án, ghi nhận toàn thành phố có 18.373 gia đình nuôi chó, mèo với tổng cộng gần 25.000 con, trong đó có 20.350 con phải tiêm phòng và đã tiêm phòng được 17.876 con.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đà Nẵng, năm 2020, trên địa bàn thành phố có 10.669 người bị chó cắn phải tiêm phòng huyết thanh kháng dại. Dù chưa có trường hợp nào bị thương nặng hoặc tử vong do chó, mèo cắn, nhưng những con số trên cũng khiến người dân cảm thấy bất an.

Để bảo đảm an toàn cho người dân lẫn vật nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đà Nẵng khuyến cáo người dân chủ động thông báo với chính quyền địa phương về vật nuôi, tiêm vắc-xin phòng dại, giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh và khi chăn dắt nơi công cộng phải đeo rọ mõm; hạn chế nuôi chó to, chó dữ, nhất là những gia đình có trẻ em và người già, ở gần khu vực công viên, nơi đông người qua lại.

H.LÊ

.