Khu đất trống có diện tích hàng trăm ngàn mét vuông ở cuối đường Lê Sao - Lê Trọng Tấn (cạnh Khu đô thị Phước Lý, thuộc địa bàn phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) không được rào chắn, trở thành nơi tập kết trái phép giá hạ, xà bần, gây ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc.
Xà bần, giá hạ, rác thải được đổ thành từng đống tràn lan bên trong khu đất trống cuối đường Lê Sao - Lê Trọng Tấn (cạnh Khu đô thị Phước Lý, thuộc địa bàn phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu). Ảnh: ĐẮC MẠNH |
Theo phản ánh của người dân ở Khu đô thị Phước Lý, hằng ngày có hàng trăm lượt xe tải chở giá hạ, xà bần từ khắp nơi đưa về đổ trộm trong khu đất trống bỏ hoang cuối đường Lê Sao, gây bụi và ồn ào. “Cứ vào giữa trưa hoặc cuối giờ chiều, hàng trăm lượt xe tải chở giá hạ, xà bần, chất thải tới đổ trộm và rời đi nhanh chóng để tránh bị lực lượng chức năng xử lý. Người dân rất bức xúc vì xe chạy gây bụi, đồng thời có nguy cơ mất an toàn giao thông”, một người dân cho biết.
Bãi đất trống đang bỏ hoang
Theo ghi nhận của phóng viên, phản ánh của người dân là hoàn toàn chính xác. Trong hai ngày 17 và 18-5, phóng viên bắt gặp hàng chục xe tải nhỏ (loại tải trọng từ 2 tấn đến 2,4 tấn) chở giá hạ, xà bần chạy nườm nượp theo hướng từ đường Lê Hiến Mai, rẽ qua đường Lê Sao. Điểm đổ thải cuối cùng là khu đất trống cuối đường Lê Sao giao nhau với đường Lê Trọng Tấn (thuộc phường Hòa Minh). Khu vực bãi đất trống này đang bỏ hoang, không được rào chắn. Giá hạ, xà bần được đổ tràn lan thành từng đống. Quanh khu đất trống còn có các bãi tập kết cát và cả cơ sở sản xuất đá móng, gạch không nung đang hoạt động.
Chiều 18-5, khi phát hiện phóng viên cùng một cán bộ địa chính của phường Hòa Minh bám theo, tài xế một xe tải chở xà bần đi vào bên trong khu vực bãi đất trống này nhưng không đổ mà chở quay ra. Cùng thời điểm này, chúng tôi phát hiện một xe tải khác đang đổ xà bần, giá hạ. Vị cán bộ đi cùng phóng viên cho biết, khu vực xảy ra việc đổ trộm giá hạ, xà bần này nằm trong phần đất đã bàn giao cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB).
Thông tin từ UBND phường Hòa Minh cũng xác nhận khu vực bãi đất trống nói trên đã được UBND thành phố Đà Nẵng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho SHB, có trụ sở chính tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Bãi đất gồm 2 thửa: thửa số 1, tờ bản đồ 154 có diện tích hơn 111.400m2, loại đất nhà ở và dịch vụ (cấp sổ năm 2009) và thửa số 1, tờ bản đồ 153T, diện tích hơn 30.600m2, loại đất nhà ở và dịch vụ (cấp sổ năm 2012).
Trách nhiệm bảo đảm môi trường là của ai?
Ông Phạm Ngọc Lãnh, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Minh cho hay, khu đất này đã được UBND thành phố giao cho SHB để thực hiện dự án mở rộng Trung tâm Huấn luyện bóng đá SHB và dự án triển khai từ năm 2007. Do đó, đơn vị quản lý, sử dụng là phía SHB phải có trách nhiệm bảo đảm vệ sinh môi trường. Theo ông Lãnh, trong khu vực liên quan dự án này hiện còn khoảng 15 hồ sơ chưa được giải quyết dứt điểm (đa phần là hồ sơ đất nông nghiệp).
“Với xe chở giá hạ, xà bần đổ thải trái phép, chúng tôi sẽ kiểm tra và xử lý. Tuy nhiên, việc phát hiện và xử lý gặp nhiều khó khăn do lái xe lợi dụng tình hình dịch bệnh và chạy lén vào các giờ trưa hoặc ban đêm”, ông Lãnh giải thích và cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng chức năng theo dõi, xử lý nghiêm.
Ông Nguyễn Nhường, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu xác nhận khu vực bãi đất trống cuối đường Lê Sao thuộc quản lý của đơn vị SHB và đây là điểm tự phát xảy ra tình trạng đổ trộm giá hạ, xà bần. “Đất đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho SHB thì SHB phải có trách nhiệm quản lý. Đất có bìa đỏ tức là đã cắm mốc, có tọa độ, ranh giới và địa chính bàn giao đầy đủ thì chủ sở hữu phải có trách nhiệm quản lý”, ông Nhường khẳng định.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đó, ngày 8-4-2021, lãnh đạo UBND phường Hòa Minh cũng đã mời đại diện phía SHB đến làm việc liên quan tới ranh giới sử dụng và quản lý đất thuộc dự án của SHB đang quản lý.
Tại biên bản làm việc này, ý kiến của ông Ngô Quang Hưng, đại diện phía SHB nêu: “Khu đất người dân đang sử dụng làm bãi tập kết cát thuộc dự án mở rộng Trung tâm Huấn luyện bóng đá SHB. Hiện khu vực này công ty đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.
Báo Đà Nẵng sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Lành, Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải thành phố Đà Nẵng cho biết, từ đầu năm 2021 tới nay, đơn vị đã lập biên bản, xử lý tổng cộng 38 trường hợp phương tiện vi phạm các lỗi tài xe xe tải chở giá hạ, xà bần đi vào đường cấm, làm rơi vãi trên tuyến đường Lê Hiến Mai - Lê Sao. |
Quyết định số 39/2014/QĐ-UBND ngày 29-10-2014 của UBND thành phố Đà Nẵng về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về bảo vệ môi trường ban hành kèm theo Quyết định số 23/2010/QĐ-UBND ngày 10-8-2010, tại Điều 16: Bảo vệ môi trường đối với các khu, lô đất chưa đưa vào đầu tư xây dựng (gọi tắt là lô đất trống): - Các chủ sử dụng đất có trách nhiệm giữ gìn vệ sinh môi trường tại lô đất hiện do mình đang quản lý, sử dụng; khi có ô nhiễm môi trường phải có trách nhiệm dọn vệ sinh đảm bảo môi trường và cảnh quan đô thị. - Trong trường hợp có ô nhiễm đối với lô đất, nhưng chủ sử dụng không có các biện pháp khắc phục, cơ quan Nhà nước sẽ thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ môi trường, giao tổ chức, cá nhân khác sử dụng tạm thời và chủ sử dụng đất phải có trách nhiệm hoàn trả chi phí dọn vệ sinh theo quy định. - Chủ sử dụng đất phải hoàn thành việc chi trả chi phí theo khoản 2 Điều này (nếu có) trước khi giải quyết các thủ tục về cấp phép xây dựng, cấp, chuyển đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định. - Về việc quản lý, theo dõi bảo vệ môi trường, UBND cấp huyện có trách nhiệm: Quản lý, theo dõi để đảm bảo môi trường đối với các lô đất trống trên địa bàn mình quản lý; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo UBND thành phố xem xét, xử lý theo quy định; chỉ đạo UBND cấp xã thuộc địa bàn có trách nhiệm lập đường dây nóng, công khai và tiếp nhận các thông tin phản ánh từ tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để có biện pháp xử lý kịp thời; thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm vệ sinh môi trường tại các lô đất trống; trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo UBND cấp huyện xem xét, xử lý theo quy định. Kể từ ngày 1-10-2014, chủ sử dụng đất cam kết bảo vệ môi trường với cơ quan quản lý môi trường cấp huyện trong trường hợp lô đất chưa được xây dựng đối với lô đất của mình ngay sau khi được cấp phép, cấp chuyển đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng giao đất hoặc quyết định giao đất. |
ĐẮC MẠNH