Bạn đọc

Người dân Đà Nẵng sử dụng ứng dụng nào phục vụ công việc, đi lại?

08:39, 07/10/2021 (GMT+7)

Hiện nay, có ít nhất 3 phần mềm ứng dụng (app) để tích hợp thông tin liên quan Covid-19 và được coi như “giấy đi đường” cho mỗi người dân bao gồm: Sổ sức khỏe điện tử; ứng dụng PC-Covid và người dân Đà Nẵng còn có thêm phần mềm “Danang Smart City”. Nhiều bạn đọc băn khoăn: Vậy người dân ở Đà Nẵng sẽ sử dụng một app duy nhất hay phải sử dụng cả 3 ứng dụng nêu trên phục vụ công việc, đi lại?

Cảnh sát giao thông Công an Đà Nẵng kiểm soát người và phương tiện qua mã QR. 								Ảnh: ĐẮC MẠNH
Cảnh sát giao thông Công an Đà Nẵng kiểm soát người và phương tiện qua mã QR. Ảnh: ĐẮC MẠNH

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) thành phố cho biết, hiện nay ứng dụng có tên hiển thị là PC-Covid quốc gia mới đang trong quá trình thử nghiệm chưa hoạt động chính thức. “Khi nào ứng dụng PC-Covid này được triển khai chính thức toàn quốc, sở sẽ tham mưu cho UBND thành phố đưa vào sử dụng. Trước mắt, người dân tiếp tục sử dụng phần mềm ứng dụng “Danang Smart City” để phục vụ công việc, đi lại”, ông Thạch thông tin thêm.

Được biết, PC-Covid là ứng dụng phòng, chống Covid-19 quốc gia do Bộ TT&TT, Bộ Y tế, Trung tâm Công nghệ phòng, chống Covid-19 và Bộ Công an xây dựng, người dân có thể tải về điện thoại thông minh trên hai hệ điều hành Android và iOS. Khi tải PC-Covid về điện thoại, có thể thấy ứng dụng này được đồng bộ hóa với ứng dụng Bluezone (với những người đã cài Bluezone trước đó) và người dùng không phải nhập thông tin cá nhân. Ứng dụng được trang bị các tính năng chính gồm: cấp, quản lý mã QR cá nhân và địa điểm; quét mã QR; thẻ thông tin Covid-19; khai báo y tế; khai báo di chuyển nội địa; thông tin tiêm vắc-xin, thông tin xét nghiệm; truy vết tiếp xúc gần; bản đồ nguy cơ và phản ánh.

Tính năng quan trọng của ứng dụng chống dịch duy nhất chính là “thẻ thông tin Covid-19” (thẻ xanh, thẻ vàng, thẻ đỏ). Thông tin và màu thẻ được cập nhật tự động hóa dựa trên số lượng tiêm 1 mũi hay 2 mũi, xét nghiệm âm tính hay dương tính của từng cá nhân. PC-Covid không thay thế ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử vì Sổ sức khỏe điện tử được xác định sẽ thay thế sổ khám sức khỏe giấy, theo mỗi cá nhân cả đời, phục vụ công tác khám, chữa bệnh, chứ không riêng về Covid-19. Tuy nhiên, sau 2 ngày sử dụng ứng dụng quốc gia nói trên, nhiều người phản ánh: Khi đồng bộ hóa dữ liệu, thông tin về số mũi tiêm vắc-xin bị thiếu, bị sai hoặc dữ liệu về vắc-xin bỗng dưng biến mất...

Còn tại Đà Nẵng, Công văn số 6589/UBND-KGVX ngày 28-9-2021 của UBND thành phố về việc áp dụng tạm thời một số biện pháp phòng, chống Covid-19 trong tình hình hiện nay (áp dụng từ ngày 30-9) quy định: Công dân phải có mã QR và thường xuyên sử dụng mã này khi đến nơi đông người, đến làm việc, học tập và sử dụng các dịch vụ - thương mại. Việc đăng ký cấp mã QR theo hướng dẫn tại Công văn số 2815/STTTT-CNTT ngày 25-9-2021 của Sở TT&TT. Theo đó, người dân phải khai báo y tế; các chủ cơ sở, điểm đến phải bố trí người và phương tiện, công cụ để kiểm soát người ra vào bằng cách quét mã QR. Để nhận mã QR, người dân khai báo y tế bằng các cách: Qua ứng dụng “DaNang Smart City”, Zalo “Tổng đài 1022 Đà Nẵng”, hoặc truy cập https://khaibaoyte.danang.gov.vn. Sau khi khai báo y tế, hệ thống sẽ trả về một mã QR và người dân sẽ sử dụng mã QR này để xuất trình tại các điểm đến.

Với những người đã tiêm 2 mũi vắc-xin hoặc F0 đã khỏi bệnh trong 6 tháng, mã QR trả về có nền màu xanh. Với người đã tiêm 1 mũi vắc-xin (từ 14 ngày trở lên), mã QR trả về có nền màu vàng. Những người dân chưa tiêm vắc-xin, hoặc đã tiêm 1 mũi nhưng chưa đủ 14 ngày, hoặc hệ thống chưa có dữ liệu tiêm vắc-xin, mã QR trả về có nền màu trắng. Trường hợp người dân không có thiết bị kết nối internet hoặc không có điện thoại thông minh thì sử dụng chức năng “khai hộ”, sau đó chụp/in lại ảnh mã QR hoặc người đi cùng “khai hộ” và xuất trình tại các điểm đến.

ĐẮC MẠNH

.