Bảo vệ trẻ trên không gian mạng

.

Ngày 10-5, UBND thành phố ban hành công văn đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện triển khai chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”. Theo đó, các cấp, các ngành cần có các biện pháp căn cơ để bảo vệ trẻ em trước những mối nguy hại trên không gian mạng; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao vai trò của gia đình trong việc quản lý và định hướng con cái trước những cám dỗ trên không gian mạng, để giúp trẻ có một môi trường học tập, vui chơi lành mạnh hơn.

Anh Huỳnh B. (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) có con trai đang học lớp 9. Anh thường xuyên thức khuya để canh con học và giám sát việc sử dụng máy tính của con. Anh B. chia sẻ: “Tôi mua cho cháu 1 laptop để phục vụ việc học online nhưng vì bận công việc nên hầu như tôi để cháu tùy ý sử dụng. Đôi khi phát hiện cháu lén xem các chương trình khác hoặc đọc truyện tranh nhưng tôi chỉ nhắc nhở rồi thôi. Cho đến khi thấy cháu bắt chước những hành động không tốt trên mạng, tôi mới giật mình không biết con mình đã tiếp xúc những gì trên internet ”.

Ở góc độ giáo dục, bà Lê Thị Duyên, giảng viên ngành Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho biết: “Việc tiếp xúc một cách bị động những hình ảnh không phù hợp sẽ tác động rất nhiều đến tâm sinh lý của trẻ như: nhận thức sai lệch về các vấn đề liên quan đến giới tính, sức khỏe sinh sản; dễ có những hành vi bắt chước. Từ đó có thể ảnh hưởng đến độ tuổi dậy thì của trẻ; thậm chí có những trẻ bị ám ảnh dẫn tới những rối loạn sức khỏe tâm thần không mong muốn như căng thẳng, lo âu, ám ảnh…”.

Cũng theo bà Duyên, khi phát hiện trẻ xem hoặc tiếp xúc với những nội dung không lành mạnh, bố mẹ cần hết sức bình tĩnh, không la mắng, thay vào đó cần trò chuyện với con, tìm hiểu xem những nhu cầu mà con mong muốn. Bố mẹ cũng chia sẻ với con những vấn đề có thể gặp phải khi sử dụng mạng internet như bị bắt nạt, bị xâm hại tình dục…; hướng dẫn trẻ những kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn; xây dựng quy tắc sử dụng internet trong gia đình. Khi trẻ làm đúng hãy động viên, khen ngợi kịp thời... 

Không phủ nhận những lợi ích cũng như cơ hội học tập, sáng tạo đối với trẻ em trên không gian mạng. Tuy nhiên, trước khi giao thiết bị công nghệ cho con, phụ huynh cần hiểu rõ được tâm lý của trẻ và các kỹ năng bảo vệ trẻ trên không gian mạng. Thực tế, việc dạy con sử dụng thiết bị công nghệ kết nối internet thế nào, ứng xử trên mạng xã hội ra sao, làm gì khi tiếp cận với những video chứa nội dung xấu, độc lại là mảng kiến thức mà nhiều bậc phụ huynh còn đang thiếu.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao) cho biết: “Vai trò của gia đình rất quan trọng trong việc bảo vệ trẻ em trên môi trường không gian mạng bên cạnh sự chung tay của các cơ quan chức năng. Các bậc cha mẹ nên biết rằng họ và con của họ không đơn độc trong cuộc chiến này mà còn có pháp luật, các tổ chức xã hội, các cơ quan chức năng luôn bảo vệ và đồng hành”.

Theo bà Nga , với chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước về công tác gia đình, trong thời gian tới, ngành Văn hóa và Thể thao tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các hộ gia đình về kỹ năng phòng ngừa rủi ro trên môi trường mạng đối với trẻ em thông qua các hoạt động truyền thông về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; nhằm góp phần hạn chế những rủi ro, nguy hiểm mà trẻ có thể gặp phải trên môi trường mạng, bảo vệ trẻ em có cuộc sống an toàn và hạnh phúc.

HUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.