Vụ chậm ngăn chặn tài sản để thi hành án: "Trách nhiệm của ai"!?

.

Trong một vụ việc thi hành bản án dân sự, giữa Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) quận Sơn Trà và Bảo hiểm xã hội (BHXH) quận Hải Châu đều cho rằng mình đã “làm hết trách nhiệm”, song sự phối hợp hai bên chưa kịp thời khiến tài sản thi hành án bị tẩu tán, ảnh hưởng tới quyền lợi của công dân. Trách nhiệm này thuộc về ai?

Chi cục Thi hành án dân sự quận Sơn Trà - nơi đang thụ lý và thi hành án vụ bà Hồ Thị Kiều - có trách nhiệm trước hết về vụ việc. Ảnh: Đắc Mạnh
Chi cục Thi hành án dân sự quận Sơn Trà - nơi đang thụ lý và thi hành án vụ bà Hồ Thị Kiều - có trách nhiệm trước hết về vụ việc. Ảnh: ĐẮC MẠNH

Trong đơn gửi Báo Đà Nẵng, bà Hồ Thị Kiều (trú phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) trình bày: ngày 1-10-2021, bà có gửi đơn đến Chi cục THADS quận Sơn Trà với nội dung đề nghị đơn vị này buộc bà Lê Thị Nghiêm (SN 1970, trú tại 100 Thế Lữ, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) phải trả cho bà số tiền là hơn 286 triệu đồng theo Bản án số 59/2021/QĐST-DS của Tòa án nhân dân quận Sơn Trà.

Trong quá trình làm việc, bà Kiều có cung cấp cho chấp hành viên thông tin về tài sản của bà Lê Thị Nghiêm gồm 1 xe gắn máy AIR BLADE, sổ BHXH của bà Lê Thị Nghiêm - mã số 4812004551. Bà Nghiêm nhận tiền bảo hiểm theo chế độ nghỉ việc nhận tiền một lần tại BHXH quận Hải Châu. Do đó, bà Kiều đã đề nghị chấp hành viên (thời điểm này là ông Lê Minh Hùng Lâm) gửi công văn tới BHXH quận Hải Châu để yêu cầu ngăn chặn việc chi trả tiền BHXH cho bà Nghiêm nên bà Kiều an tâm. Sau đó, ông Lâm chuyển đơn vị khác, vụ việc được bàn giao cho chấp hành viên Lê Thị Cẩm Thúy.

Ngày 23-2-2022, bà Thúy gửi Công văn số 51/CV-THADS cho BHXH quận Hải Châu đề nghị BHXH quận Hải Châu phối hợp: không giải quyết thủ tục cấp lại sổ BHXH cho bà Nghiêm nếu bà Nghiêm báo mất sổ; đồng thời trước khi chi trả chế độ cho bà Nghiêm, BHXH quận Hải Châu cần thông báo cho Chi cục THADS quận Sơn Trà để kê biên thi hành án.

“Qua trao đổi với chấp hành viên Lê Thị Cẩm Thúy thì tôi biết bà Nghiêm đã nhận tiền BHXH vào ngày 16-3-2022 tại BHXH quận Sơn Trà. Tại sao BHXH quận Hải Châu không thông báo cho đơn vị thi hành án biết việc bà Nghiêm làm lại sổ và chuyển về BHXH quận Sơn Trà để nhận tiền, mặc dù phía Chi cục THADS quận Sơn Trà đã 2 lần gửi công văn cho BHXH quận Hải Châu đề nghị ngăn chặn kịp thời khiến quyền lợi công dân của tôi bị ảnh hưởng”, đơn bà Kiều trình bày.

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng về nội dung trên, bà Trương Thị Ánh, Phó Giám đốc BHXH quận Hải Châu cho biết: theo quy định của BHXH Việt Nam, việc cấp lại sổ BHXH đối với người lao động đã nghỉ việc (như trường hợp bà Nghiêm) đang bảo lưu thời gian đóng BHXH, người lao động có thể nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH trên toàn quốc. Còn việc giải quyết hưởng BHXH một lần, người lao động nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH nơi cư trú.

“Do đó, bà Nghiêm nhận tiền BHXH một lần tại BHXH quận Sơn Trà là đúng quy định. Còn tất cả công văn của Chi cục THADS quận Sơn Trà gửi cho đơn vị về việc phối hợp tổ chức thi hành án dân sự vụ bà Lê Thị Nghiêm, BHXH quận Hải Châu đều làm đúng trách nhiệm và đều phúc đáp kịp thời”, bà Ánh khẳng định.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên về vụ việc này, ông Lê Văn Trịnh, Chi cục trưởng Chi cục THADS quận Sơn Trà cho rằng: nếu phía BHXH quận Hải Châu gửi kịp thời Công văn phúc đáp số 194/BHXH ngày 25-02-2022 bản giấy, qua đường bưu điện thì đơn vị sẽ kịp thời nắm thông tin và kịp thời ngăn chặn. “Phía BHXH quận Hải Châu nói gửi công văn phúc đáp qua hệ thống văn bản điện tử, mà chúng tôi không nằm trong trục liên thông của hệ thống này nên không nhận được. Mãi tới ngày 22-4-2022, Chi cục THADS quận Sơn Trà mới nhận được Công văn số 194 này”, ông Trịnh giải thích.

Tuy nhiên, bà Trương Thị Ánh lại cho rằng: ngay sau khi nhận được Công văn số 51/CV-THADS ngày 23-02-2022 của Chi cục THADS quận Sơn Trà về việc phối hợp thi hành án dân sự vụ bà Lê Thị Nghiêm, BHXH quận Hải Châu đã có Công văn phúc đáp số 194/BHXH ngày 25-02-2022 gửi Chi cục THADS quận Sơn Trà qua hệ thống văn bản điện tử. “Danh sách các đơn vị liên thông sẽ thể hiện trong hệ thống điện tử của BHXH Việt Nam, trong đó có thể hiện đơn vị Chi cục THADS quận Sơn Trà, thuộc Cục Thi hành án Đà Nẵng - Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp. Nội dung này văn thư của Chi cục THADS quận Sơn Trà kiểm tra lại sẽ có. Nên nếu nói đơn vị không nằm trong hệ thống văn bản điện tử là không đúng”, bà Ánh giải thích.

Tiếp tục trao đổi, ông Lê Văn Trịnh, Chi cục trưởng Chi cục THADS quận Sơn Trà cho rằng: lẽ ra với việc phối hợp thi hành án, phía các đơn vị liên quan phải có trách nhiệm gửi công văn chứ không thể gửi qua hệ thống văn bản điện tử theo thủ tục hành chính thông thường.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đà Nẵng về quan điểm đối với trường hợp này, luật sư Đỗ Thành Nhân, Trưởng Văn phòng luật sư Đỗ Thành Nhân (quận Thanh Khê) cho biết: nếu hai bên cơ quan chức năng cứ đẩy qua đẩy lại thì người dân có quyền khởi kiện ra tòa án yêu cầu bồi thường. “Khi đó Chi cục THADS quận Sơn Trà là bị đơn. Qua xem xét, nghiên cứu hồ sơ vụ việc thì có thể thấy trách nhiệm trước hết thuộc về đơn vị Chi cục THADS quận Sơn Trà, vì đây là đơn vị đang thụ lý và trực tiếp thi hành bản án. Còn trong quá trình thi hành án, việc liên hệ, phối hợp với đơn vị nào thì đó là trách nhiệm của Chi cục THADS quận Sơn Trà”, luật sư Đỗ Thành Nhân cho hay.

ĐẮC MẠNH

;
;
.
.
.
.
.