Bạn đọc

Người dân lo lắng vì mua phải nhà xây trái phép

10:51, 28/09/2022 (GMT+7)

Gần chục hộ nghèo mua nhà ở tại tổ 130 phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) đang rơi vào cảnh khóc dở mếu dở bởi những căn nhà họ mua để ở xây dựng trái phép trước đó trên đất nông nghiệp và hiện trong diện bị cưỡng chế, phá dỡ.

Khi nhận được quyết định cưỡng chế nhà ở, các hộ dân tổ 130 phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) mới biết những căn nhà họ mua đều xây dựng trái phép trước đó trên đất nông nghiệp. Ảnh: ĐẮC MẠNH
Khi nhận được quyết định cưỡng chế nhà ở, các hộ dân tổ 130 phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) mới biết những căn nhà họ mua đều xây dựng trái phép trước đó trên đất nông nghiệp. Ảnh: ĐẮC MẠNH

Trong đơn gửi các cơ quan chức năng và Báo Đà Nẵng, các hộ dân trình bày: Khoảng thời gian năm 2020 và 2021, qua nhiều thông tin, các hộ dân mua nhà ở (nhà cấp 4) tại khu vực thuộc tổ 130 phường Hòa Minh và sinh sống tại đó. Đến ngày 3-8-2022, các hộ nhận được thông báo của UBND phường Hòa Minh về việc xử lý công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Lúc đó, họ mới biết những ngôi nhà này đều được xây trái phép trên đất nông nghiệp.

Ông Phan Xuân Hải - một trong các hộ dân gửi đơn cho biết: “Ngày 22-10-2021, ông Nguyễn Xuân Anh (trú tổ 50, phường Hòa Khánh Nam) bán cho tôi thửa đất số 317, tờ bản đồ số 12 tại phường Hòa Minh có tổng diện tích 90m2, trong đó đã xây dựng một ngôi nhà cấp 4 với giá bán 900 triệu đồng, có giấy nhận tiền kèm theo.

Ông Nguyễn Xuân Anh cam kết trong giấy nhận tiền rằng đất và nhà không có tranh chấp, không vi phạm pháp luật. Ông Nguyễn Xuân Anh giao cho tôi một số giấy tờ có liên quan đến thửa đất nói trên như: Đơn xin giao đất để xây dựng nhà ở được UBND phường Hòa Minh xác nhận ngày 27-8-2000 và đơn xin xác nhận có nhà ở cũng được UBND phường Hòa Minh xác nhận ngày 15-9-2018 nên tôi yên tâm giao đủ tiền. Chúng tôi không chiếm dụng đất nông nghiệp và cũng không xây dựng nhà trái phép, bởi trước đó ông Nguyễn Xuân Anh đã xây dựng rồi mới bán và tôi là người bị hại”.

Ngoài trường hợp ông Hải, 7 hộ khác cũng rơi vào cảnh tương tự, gồm: hộ ông Nguyễn Văn Hoài, hộ ông Nguyễn Văn Cây, hộ ông Đoàn Đình Ý, hộ ông Trịnh Khải, hộ ông Phạm Tiến Hưng, hộ ông Huỳnh Văn Tùng và hộ bà Nguyễn Thị Thanh Tuyền. Cả 8 hộ này đều nằm trong danh sách các công trình xây dựng không phép tại tổ 130 phường Hòa Minh (kèm theo Quyết định số 308/QĐ-UBND ngày 12-9-2022 của UBND phường Hòa Minh) về việc “cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự đô thị” xây dựng trên đất nông nghiệp. Hiện nay, có 3 trường hợp (nhà không sử dụng, không có người ở hoặc mới xây 2 bức tường) đã bị phá dỡ. Còn lại 5 hộ có nhà xây gạch, mái tôn, diện tích xây dựng 70m2 và đang sinh sống thực tế thì lo lắng không biết sẽ ra sao nếu bị buộc phá dỡ.

Theo các hộ dân, tất cả những căn nhà họ đang ở đều được mua lại từ nhiều người khác nhau và khi mua đều đã có nhà xây sẵn, có các giấy tờ hợp đồng điện, nước.

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, ông Đinh Hữu Phúc, Chủ tịch UBND phường Hòa Minh cho biết, toàn bộ những căn nhà nêu trên đều được xác định là xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. “Khi địa phương phát hiện việc xây nhà trái phép thì các căn nhà này đều đã được chuyển nhượng, mua bán xong. Việc xây dựng trái phép phải bị xử lý theo quy định”, ông Phúc thông tin.

Cũng theo ông Phúc, khu vực tổ 130 phường Hòa Minh có dự án đã công bố quy hoạch và cũng đã công bố công khai. “Đối với việc các hộ dân tự xây dựng rồi bán lại cho người khác, việc mua bán có dấu hiệu lừa đảo ra sao thì người dân có quyền gửi đơn tới cơ quan Công an để được giải quyết. Theo phường nắm thông tin sơ bộ, những người xây dựng nhà trái phép trước đây rồi bán lại cho các hộ dân đang ở, hiện hai bên vẫn liên lạc với nhau. Phía người bán có ý thương lượng và sẽ trả lại tiền cho các hộ dân này, sau đó chính quyền sẽ xử lý công trình trái phép theo quy định”, ông Phúc cho biết thêm.

Báo Đà Nẵng sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

ĐẮC MẠNH

.