.

Một đề xuất cho cầu Nguyễn Văn Trỗi

.

Sau ngày khánh thành cầu Trần Thị Lý, diện mạo khu vực đầu cầu bên bờ Đông, bờ Tây thay đổi hẳn. Không gian thoáng mở. Đường phố thênh thang. Một niềm vui mới dậy lên khi thành phố có thêm một công trình dân sinh bảo đảm kỹ thuật và mỹ thuật.

Tuy nhiên, người dân Đà Nẵng qua lại trên chiếc cầu mới không khỏi ái ngại khi nhìn qua cầu Nguyễn Văn Trỗi từng sôi nổi, nhộn nhịp một thời, nay thành quạnh hiu, vắng vẻ. Dĩ nhiên có người giải thích rằng đây là cầu dành cho người đi bộ nên không thể lúc nào cũng sầm uất, đông vui được. Nhưng thực tế là ngay cả khi đi bộ, người ta vẫn thích đi bên hành lang dành cho người đi bộ của cầu Trần Thị Lý hơn là thênh thang giữa cầu Nguyễn Văn Trỗi cũ. Và ngành giao thông cũng không thể quy định bắt buộc mọi người hễ đi bộ là phải đi đúng cầu dành cho người đi bộ được.

Như vậy, muốn tạo sức sống cho cầu Nguyễn Văn Trỗi, thành phố cần có những giải pháp mang tính “thu hút”. Tự cái cầu sắt vô tri không thể làm mới mình. Nó cần đến ý tưởng và bàn tay con người.

Một nhóm những người bạn già từng hăng hái ủng hộ phương án giữ lại cây cầu mang tính lịch sử này để làm kỷ niệm - (từng có lúc, có ý định bỏ cây cầu này, chỉ tập trung xây mới cầu Trần Thị Lý) - một hôm ngồi lại với nhau cùng nảy ra ý nghĩ: sao thành phố ta có phố đêm, nơi đó nào là quán ăn, quầy bán lưu niệm, ki-ốt bán giải khát, lại không có được một cây cầu đêm rực rỡ ánh đèn, trên đó cũng có thể đầy đủ nào là quầy sách, quầy bán lưu niệm, ki-ốt bán giải khát và không loại trừ một vài quầy bán thức ăn nhanh (fast food) như từng thấy ở nhiều nước phương Tây! Cây cầu đêm có ưu thế là giữa mênh mang sông nước, lung linh ánh đèn, người đi bộ trên cầu có thể nhìn xuyên thấu một bên là cầu Rồng, cầu Sông Hàn, cầu Thuận Phước, bên kia là cầu Trần Thị Lý cận kề dây văng như cánh buồm căng gió, xa xa là cầu Tiên Sơn, cầu Nguyễn Tri Phương... Và biết đâu, những ban nhạc đường phố sẽ có lúc chọn được địa điểm thuận lợi trên cầu hoặc hai bên đầu cầu để phục vụ bà con trong những đêm trăng thanh gió mát. Một sức sống mạnh mẽ sẽ bừng lên trên cây cầu sắt có thể bị đi vào dĩ vãng! Khi ấy, không cần mời gọi, mọi người sẽ tự giác đi trên cây cầu này để thưởng thức vẻ độc đáo của cây cầu đêm. Tất nhiên đâu phải chỉ có đêm! Các dịch vụ vẫn có thể diễn ra ban ngày trên cây cầu phục vụ cho những người đi bộ.

Để làm được điều này, không nhất thiết dựa vào ngân sách Nhà nước. Cần có một cơ quan có trách nhiệm kêu gọi tổ chức hoặc cá nhân đứng ra đầu tư, có một số chính sách ưu đãi ban đầu. Có thể là một nhà thầu lớn, nhận trách nhiệm toàn bộ, nhưng cũng có thể chia thành nhiều dự án nhỏ: mỗi bên đầu cầu kêu gọi một đơn vị; trên cầu sẽ chia làm nhiều ki-ốt, theo cách thức mà chúng ta đã tiến hành đối với các chợ.

Chắc sẽ không ít người hưởng ứng.

NẠI HIÊN

;
.
.
.
.
.