Xử lý nghiêm hoạt động bán hàng qua mạng trong thời gian giãn cách xã hội

.

Trong lịch trình dịch tễ ca bệnh 1017, có thông tin bệnh nhân bán cà phê mang đi trong thời điểm Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều người dân lo ngại rằng, nếu cơ quan chức năng không siết chặt hoạt động bán hàng mang đi thì rất khó kiểm soát dịch bệnh.

Thời điểm giãn cách xã hội, nhiều gia đình sử dụng dịch vụ giao hàng tại nhà. Chị H.T.T.N. (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cho hay, hiện nay các thành viên trong hội, nhóm bán hàng online vẫn thường xuyên giới thiệu sản phẩm và nhận đơn giao hàng tại nhà. Ban đầu, chị T.N khá e ngại khi sử dụng dịch vụ này, vì lo mình đang tiếp tay cho hình thức mua bán trực tuyến trong thời điểm giãn cách xã hội.

Tuy nhiên mới đây, khi các con muốn ăn pizza, mỳ Ý, chị đành đặt mua trên mạng. Chưa đầy 1 phút tìm kiếm trong fanpage “Hội ăn vặt Đà Nẵng”, chị N. đã có thể nhắn tin cho người bán và đặt bánh pizza với phí giao hàng 20.000 đồng. Ngoài pizza, người bán còn giới thiệu một số món khác như: cánh gà chiên mắm, ốc giác trộn, gân bò trộn, sứa trộn, cá lóc kho nghệ… “Trong fanpage đó bán rất nhiều món ăn hấp dẫn, mình thấy nhiều người mua nên cũng mua theo”, chị T.N thừa nhận.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hoạt động mua bán online hiện nay diễn ra công khai trên các hội, nhóm facebook như “Hội ăn vặt Đà Nẵng”, “Hội ăn vặt online Đà Nẵng”, “Ăn vặt Đà Nẵng - ship tận nơi”… Các trang này rao bán đa dạng sản phẩm như: trà sữa thạch rau cau, gà nướng, gà trộn, bún, mỳ Quảng, bánh xèo, phở, kể cả các món lẩu, trái cây, rau-củ-quả. Bên cạnh sự tiện lợi, thì việc tiếp xúc gần với người giao hàng (người thường xuyên di chuyển, gặp gỡ khách hàng - PV) khá nguy hiểm nếu họ không trang bị kỹ năng phòng dịch như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay trước và sau khi trao đổi tiền, hàng hóa với khách.

Ông Nguyễn Hà Bắc, Giám đốc Sở Công thương cho biết, Đà Nẵng vẫn đang tạm dừng các hoạt động bán hàng qua mạng, bán mang đi đối với các mặt hàng không thiết yếu như cà phê, đồ ăn nhanh, ăn vặt, trà sữa bởi lo ngại nguy cơ lây lan dịch bệnh từ người giao hàng. Theo ông Bắc, ngoài chất lượng sản phẩm thì công việc của người giao hàng đi lại, giao tiếp nhiều, đến những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, chỉ cần một người trong số đó nhiễm bệnh thì nguy cơ lây lan trong cộng đồng rất cao.

Được biết, thời gian qua, để bảo đảm công tác phòng, chống dịch, Sở Công thương khuyến cáo các siêu thị, chợ, cửa hàng thực phẩm có sử dụng hình thức giao hàng tận nhà lập danh sách đội ngũ vận chuyển, đồng thời thực hiện thường xuyên các bước kiểm tra thân nhiệt, theo dõi y tế đối với nhân viên giao hàng. Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, người dân nên lựa chọn những cơ sở uy tín, được phép mua - bán online các mặt hàng thiết yếu, đúng quy định; cần từ chối những dịch vụ ăn uống không rõ nguồn gốc, chưa kiểm soát nguy cơ lây nhiễm từ đội ngũ giao hàng tự do.

Ông Trần Phước Trí, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đà Nẵng khẳng định, các hình thức bán hàng mang đi trong thời điểm hiện nay là vi phạm các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Chị thị 16/CT-TTg và chỉ đạo của UBND thành phố về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống Covid-19. Đối với các cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng, nếu phát hiện vi phạm, sẽ bị phạt tối đa 10 triệu đồng đối với cá nhân và 20 triệu đồng đối với tổ chức. Một số hành vi khác có thể bị xem xét xử lý hình sự.

 H.LÊ

 

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích