Để khắc phục những hạn chế, sai sót trong công tác trùng tu di tích, sắp tới, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) sẽ tổ chức 3 lớp tập huấn về chuyên môn và quản lý cho các giám đốc sở và chuyên gia văn hóa của 64 tỉnh, thành.
Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu tại phường An Hải Tây (quận Sơn Trà) vừa được khánh thành trong tháng 3 vừa qua đã trở thành một trong những công trình văn hóa đặc sắc của Đà Nẵng. (Ảnh: V.T.L) |
Thiếu và yếu
Ở Đà Nẵng, trong vòng 7 năm trở lại đây (2002-2009) đã có đến 35 tỷ đồng được đầu tư vào công tác TTDT trên địa bàn, trong đó người dân đóng góp từ 10-15 tỷ đồng. Về hiệu quả mang lại từ khoản đầu tư này, theo Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Hà Phước Mai, nhìn chung việc sửa chữa, trùng tu, tôn tạo di tích ở Đà Nẵng thời gian qua cơ bản là tốt, chưa xảy ra hiện tượng làm sai lệch nguyên bản di tích như một số nơi. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, nếu có được đội ngũ làm công tác bảo tồn - bảo tàng (BTBT) chuẩn về số lượng lẫn chất lượng thì việc TTDT trên địa bàn sẽ mang lại một diện mạo khác hơn cho di sản của cha ông để lại.
Bảo tàng Đà Nẵng hiện có 3 cán bộ đạt chuẩn chuyên ngành BTBT. Công tác này ở quận, huyện do một phó trưởng phòng Văn hóa – Thông tin kiêm nhiệm; ở xã, phường, do cán bộ văn hóa – xã hội kiêm nhiệm, tất cả đều thiếu “tầm” chuyên môn, có người chưa bao giờ được tham dự một lớp tập huấn ngắn ngày nào về BTBT. “Không chuyên môn, tất cả làm việc chủ yếu dựa vào luật, vào văn bản hướng dẫn cụ thể. Hầu hết các địa phương muốn làm hồ sơ di tích đều mời cán bộ chuyên ngành của Bảo tàng Đà Nẵng về cùng với cán bộ Phòng khảo sát thực tế, nắm tư liệu” – Trưởng phòng VHTT quận Liên Chiểu Trần Công Khuê cho biết.
Với đội ngũ cán bộ chuyên ngành thiếu và yếu như thế, khó có thể mong đợi một sự khởi sắc hơn đối với công tác TTDT trên địa bàn Đà Nẵng. Bảo tàng Đà Nẵng năm nào cũng ra thông báo tuyển cán bộ chuyên ngành BTBT, Hán Nôm, khảo cổ…, nhưng vẫn không tìm ra người đăng ký có cái “tầm” đạt yêu cầu. Lý giải cho sự thiếu vắng này, người đứng đầu Bảo tàng Đà Nẵng cho rằng các ngành học này chỉ mở ở các đại học ngoài Hà Nội. Đây là các ngành xã hội vốn khó tìm đầu ra, và càng khó hơn khi sinh viên tốt nghiệp nhưng trình độ nghiệp vụ và kiến thức trong một số lĩnh vực cụ thể lại không đáp ứng với yêu cầu của bảo tàng.
Tâm và tầm
Các nhà hoạt động văn hóa bàn về TTDT bên hiện vật văn hóa Chăm trước đình Dương Lâm, xã Hòa Phong. |
|
Ngoài ra, có thể kể đến đóng góp của nghệ nhân Nguyễn Thanh Nhựt (Mười Nhựt) đối với các công trình trùng tu, tôn tạo di tích. Vừa là đội trưởng, vừa trực tiếp thi công với tay nghề cao, ông đã gây được tiếng vang trong lĩnh vực này đối với nhiều chủ đầu tư trong và ngoài thành phố.
Đảm nhận thi công hầu hết các công trình TTDT do Sở Văn hóa – Thông tin (nay là Sở VH-TT-DL) thành phố Đà Nẵng làm chủ đầu tư, Doanh nghiệp tư nhân Phú Hưng hiện trùng tu đình Thạc Gián (quận Thanh Khê) – một công trình mà theo đánh giá của ông Hà Phước Mai là “thi công bài bản hơn các nơi khác”. Công trình có tổng kinh phí phần thi công trị giá 2,3 tỷ đồng này được Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung trực tiếp tư vấn, bao gồm nhiều hạng mục như chính đình, nhà hồi hương, miếu Âm linh...
Có cùng đơn vị tư vấn là Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung nhưng do Công ty TNHH Xây dựng Tiến Lập thi công với kinh phí gần 7 tỷ đồng, Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu tại phường An Hải Tây (quận Sơn Trà) vừa được khánh thành trong tháng 3 vừa qua đã trở thành một trong những công trình văn hóa đặc sắc của Đà Nẵng hiện nay. Ông Nguyễn Thỏa, Giám đốc công ty cho biết, để thi công công trình quy mô này, ông đã huy động các tay thợ lành nghề nhất và đặt mua nhiều vật liệu xây dựng đặc chủng từ Huế, Hội An.
Hai con voi chầu ở đình Thạc Gián đã được trùng tu. |
Với nguyên tắc “giữ nguyên cái cũ được chừng nào hay chừng đó”, việc TTDT phải làm sao để lại trong lòng người dân những tình cảm cao đẹp, như lời ông Nguyễn Ngọc Nghĩ, người làng Thạc Gián, khi nói về việc trùng tu đình làng là cốt sao giữ được cái “thần” của người xưa truyền lại. Theo ông Nghĩ, đây là giá trị di sản phi vật thể mà không phải người trùng tu di sản vật thể nào cũng làm được, nếu không có cái tâm và cái tầm đúng mực. Muốn thế, chiến lược nâng tầm chuyên môn và quản lý trong TTDT của Bộ VH-TT-DL như đã nêu ở đầu bài là ưu tiên hàng đầu và hoàn toàn bức thiết.
VĂN THÀNH LÊ