.

Đưa hoa xuống phố

.
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh. Câu đối xưa, tuy chỉ vài nét phác họa nhưng đã tóm được cái hồn dân tộc vào bức tranh xuân đầy thi vị. Có điều, để cho xuân rộn rã hơn, tươi tắn hơn thì xem ra vẫn còn thiếu một tác nhân quan trọng: Hoa.

Mô tả ảnh.
Gần 2 nghìn chậu hoa Tết các loại của ông Nguyễn Trung đang “khát” mặt bằng để bày bán.
 
5 năm trước, khi ông Nguyễn Trung ở thôn Vân Dương 2, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, đưa sản phẩm đầu tay là 300 chậu hoa cúc tham gia vào “rừng” hoa Tết của Đà Nẵng, chính ông cũng không ngờ rằng mình bỗng dưng trở thành “tiền hiền” của nghề trồng hoa ở vùng đất nằm sát khu công nghiệp Hòa Khánh này.

Phi hoa bất thành... Tết

Năm 2005, ông Trung đăng ký học nghề trồng hoa, cây cảnh (kinh phí thành phố hỗ trợ cho nông dân vùng di dời) do Trung tâm Đào tào nghề huyện tổ chức tại xã. Vừa làm vừa học, với số vốn còn hạn chế, Tết Bính Tuất 2006 ông “xuất xưởng” 300 chậu cúc đạt chất lượng trong sự ngạc nhiên của bà con trong xã. Chi phí Tết nhứt xong, ông đổ được 7 chỉ vàng!

Kết quả mà ông cho là trước đó nằm mơ cũng không thấy này đã trở thành đề tài “nóng” ở Hòa Liên lúc đó. Năm 2006, xã mở thêm 2 lớp hoa cây cảnh và thành lập CLB Hoa cây cảnh thôn Vân Dương 2 với 13 hội viên do chính ông làm chủ nhiệm. Ruộng đất đã giao cho các dự án khu công nghiệp, hoa cho lợi nhuận cao hơn so với lúa nên bà con đổ xô trồng hoa, tận dụng đất vườn, đất trống bên hiên nhà. Ông Trung lấp ao cá lấy chỗ trồng một nghìn chậu cúc cho Tết Đinh Hợi 2007, tuy bị hư hết 50% do thời tiết xấu nhưng vẫn thu được lợi nhuận.

Khách chơi hoa Tết ngày càng biết đến làng hoa Vân Dương 2 vì, tuy chỉ là “hậu sinh” so với các làng hoa có tên tuổi ở Đà Nẵng như Phước Mỹ (quận Sơn Trà), Hòa Cường (quận Hải Châu)... nhưng hoa ở Vân Dương, nói như giới sành hoa, nó “ăn màu” hơn. Người trồng hoa trong thôn tăng dần, số hội viên cuối năm 2010 là 38 (trong đó có 6 hội viên ngoài thôn) nhưng số người trồng hoa phục vụ Tết Tân Mão lên tới 45 người. So năm trước, năm nay số người trồng hoa tăng gấp đôi nhưng sản lượng tăng đến gấp ba. Các ông Lê Văn Chiến, Lê Văn Hải tăng từ 200 lên 800 chậu cúc. Ông Trung vẫn trồng 1.500 chậu cúc lai móng rồng như năm ngoái, giống hoa mới nhập từ Đà Lạt, bông to, màu đẹp, cánh hoa cong lại như móng rồng; nhưng hoa lily từ 150 tăng lên 400 chậu (mỗi chậu 5 củ).

Hoa lily “made in Danang” đã xuất hiện mấy năm nay, theo nhận xét khách quan của người chơi hoa, có độ dày cánh và hương thơm có phần nhỉnh hơn so với hoa Đà Lạt. Ông Nguyễn Đức Tế ở tổ 16 phường Hòa An, được xem là người đầu tiên trồng thử nghiệm thành công hoa lily ở quận Cẩm Lệ từ cuối năm 2006. Sau đó, Tết nào khu vườn nằm sát chân núi Phước Tường của ông cũng có lily bên cạnh giống cúc truyền thống. Tết năm ngoái, ông trồng 1.500 củ lily, trong đó có 200 củ màu trắng lần đầu tiên trồng thử nghiệm; tuy nhiên do củ nhỏ, chu vi (tiếng trong nghề gọi là vanh) từ 14-16cm, nên hư hết 20%. Tết này, ông trồng 600 củ có chu vi 20-22cm, giống có chất lượng nên hứa hẹn cho hoa đẹp.

Đến nay, muôn tía nghìn hồng các loại hoa đều đã sẵn sàng góp mặt với đời làm nên hương vị ngày Tết.

Hoa đẹp, xuân tươi

Mô tả ảnh.
Các lô “đẹp” ở chợ hoa Hòa Khánh đã được đấu giá từ năm 2003.
Trồng hoa đã lo, bán hoa lại càng lo nhiều hơn vì không có chỗ để bày bán là coi như công sức đổ sông đổ biển. Một người trồng hoa không muốn nêu tên than phiền rằng, nếu không bốc được một lô ở các chợ hoa thì đành phải “đàm phán” với các chủ nhà trên các đường phố chính để bày hoa ra vỉa hè. Nhưng, sợ nhất là không ít kẻ đến xin đểu, nhất là đám choai choai, không “cúng” tiền là chúng giả vờ đánh nhau rồi chạy xẹt qua đám hoa. Một chậu chỉ gãy một vài cành hoặc rớt vài bông là coi như mất giá.

Năm ngoái, các hộ trồng hoa ở Vân Dương 2 đưa hoa xuống tiền sảnh chợ Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, so với Quảng trường 29-3 thì ở đây vừa gần mà giá mặt bằng lại “mềm” hơn. Ông Nguyễn Trung tính: ngoài tiền thuê mặt bằng, các hộ phải trả thêm 100 nghìn đồng tiền bảo vệ an ninh, 70 nghìn tiền vệ sinh, khoảng gần 50-70 nghìn tiền điện nước, vị chi gần 250 nghìn đồng, tốn tiền chút ít nhưng được cái là không phải lo lắng gì.

Ông Nguyễn Trà, Trưởng ban Quản lý các chợ quận Liên Chiểu cho hay, năm nay người trồng hoa nhiều nên Ban quản lý chợ Hòa Khánh đã tăng số lô bán hoa từ 48 lên 58 bằng cách giảm diện tích mỗi lô từ 50m2 xuống 40m2. Năm nay, số lô loại A dự kiến đưa ra đấu giá cũng tăng từ 24 lên 36 với giá sàn 350 nghìn đồng/lô, tăng 50 nghìn đồng/lô so năm ngoái. Số còn lại được tổ chức bốc thăm với giá từ 250 - 300 nghìn đồng/lô. Để tránh tình trạng nhiều người trong một hộ cùng nộp đơn xin bốc thăm lô rồi bán lại, năm nay Ban quản lý quy định mỗi hộ chỉ được làm một đơn và phải có chính quyền địa phương xác nhận là hộ trồng hoa.

Nếu việc đấu giá các lô “đẹp” ở chợ Hòa Khánh diễn ra từ nhiều năm rồi thì việc làm được cho là minh bạch hóa này chỉ mới được áp dụng ở chợ hoa Tết năm nay tại Quảng trường 29-3. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Diễm, Trưởng phòng Kế hoạch – Kỹ thuật (Công ty Công viên Đà Nẵng) cho biết, chợ hoa Tết năm nay có tổng cộng 698 lô (diện tích 40m2/lô) và được chia thành 3 mức: A - 2,1 triệu đồng/lô; B - 1,4 triệu đồng/lô 40m2; C – 700 nghìn đồng/lô. Trong đó, có 87 lô “đẹp” nhất sẽ được đấu giá với mức sàn là 2,1 triệu đồng/lô. Nếu số hộ đăng ký lô cao hơn dự kiến, sẽ đưa khu vực dự phòng ở phía Bắc và Nam Đài Tưởng niệm vào phục vụ với giá 500 nghìn đồng/lô.

Ngày 23-1 (20 tháng chạp), sẽ khai mạc chợ hoa ở chợ Hòa Khánh, 2 ngày sau đến lượt chợ hoa Tết ở Quảng trường 29-3 nhập cuộc. Hoa xuống đường, hoa vào nhà mang theo lời chúc phúc. Người trồng đã nâng niu hoa hết mực, người tổ chức bán cũng hãy ứng xử thật đẹp với hoa để hoa mãi làm tươi mùa xuân, làm thắm con người.

VĂN THÀNH LÊ
;
.
.
.
.
.