.

Hội nhập toàn diện

Một số nội dung mới được Đại hội lần thứ XI của Đảng đặt ra trong chủ trương hội nhập toàn diện. Thế nhưng, hội nhập theo lộ trình như thế nào đang là vấn đề cần cân nhắc trong quá trình thực hiện nội dung mang tính tất yếu và quan trọng này.

Đại hội lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận được tổng cộng 176 thư, điện chúc mừng của các Đảng Cộng sản, đảng cánh tả, đảng cầm quyền và tổ chức, bạn bè quốc tế. Có hơn 120 phóng viên, trợ lý của các hãng thông tấn, báo chí nước ngoài trực tiếp tham dự, đưa tin về Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đại hội lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra ngay sau khi kết thúc một năm Việt Nam là Chủ tịch luân phiên của ASEAN với nhiều thành công; quan hệ và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế đã được khẳng định có một bước tiến mới. Đây chính là sự thể hiện sinh động nhất của chủ trương hội nhập quốc tế một cách toàn diện, chủ động và có trách nhiệm của Đảng.

Chính vì vậy, trong nội dung các văn kiện được Đại hội XI nhất trí thông qua, vấn đề hội nhập tiếp tục được triển khai mạnh mẽ toàn diện hơn, với những nét mới có tầm dự báo xa hơn. Trong đó, nổi bật nhất là chủ trương “hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị - xã hội, trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế” và “mở rộng quan hệ với các đảng cánh tả, các đảng cầm quyền trên thế giới trên cơ sở độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển” như nội dung Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) nhấn mạnh.

Ngay tại Đại hội XI, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Hoàng Bình Quân đã làm rõ hơn về vấn đề này: “Từ chỗ chỉ có quan hệ với các Đảng Cộng sản và công nhân, các đảng cánh tả theo khuynh hướng cách mạng, giải phóng dân tộc là chủ yếu, chúng ta đã chủ động mở rộng quan hệ với các đảng cầm quyền, các đảng tham chính, thậm chí là đảng đối lập nhưng có vị trí và vai trò quan trọng trong việc hình thành và triển khai các chính sách Nhà nước với Việt Nam”. Với chủ trương đó, đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có quan hệ ở các mức độ khác nhau với trên 200 chính đảng ở 115 nước khắp các châu lục; trong đó có trên 100 Đảng Cộng sản và công nhân, hơn 40 đảng cầm quyền, gần 80 đảng đang tham gia quốc hội, nghị viện các nước.

Trong xu thế toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, việc thực hiện chủ trương hội nhập toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa-xã hội, an ninh-quốc phòng đặt ra những thách thức không nhỏ. Bởi việc hội nhập luôn có những tác động tích cực nhưng cũng hứng chịu những tiêu cực, những mặt trái. Vì thế, việc tiếp thu, lựa chọn và vận dụng trên cơ sở nào là vấn đề được quan tâm nhiều nhất nhằm giải quyết hài hòa một trong 8 mối quan hệ lớn đặt ra trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta, đó là mối quan hệ “giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế”.

GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng: “Trong một thế giới sống động và đầy thách thức, chúng ta phải xét tới những mâu thuẫn, đối lập nhau trong trật tự thế giới đa cực, trong quá trình toàn cầu hóa do chủ nghĩa tư bản chi phối hiện nay để chọn một lối đi thông minh, sáng tạo, có lợi cho sự phát triển”. Theo giáo sư, để đạt được mục đích đặt ra mà vẫn giữ vững phương hướng chính trị, không phạm sai lầm về đường lối, thì “yêu cầu cấp bách là không những phải nắm vững, kiên định Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh mà còn phải vận dụng sáng tạo trong điều kiện, tình hình mới”.

Nguyễn Thành
;
.
.
.
.
.