.
Hồ sơ Tên đường: Đường Ngô Quyền (phần 2)

Người giành lại độc lập từ nhà Nam Hán

.
Sau chiến thắng chấm dứt hơn 1.000 năm Bắc thuộc, Ngô Quyền tự xưng vương hiệu, bãi bỏ chức Tiết độ sứ, định đô ở Cổ Loa (nay là Đông Anh, Hà Nội), thành lập hẳn một triều đại, có triều đình, quan chức, chính thức xác lập nền độc lập của nước ta. Sử sách không ghi rõ thành tích cai trị của Ngô Quyền mà chỉ nhắc đến chung chung “đặt trăm quan, chế định triều nghi, phẩm phục”.

Mô tả ảnh.
Đường Ngô Quyền đoạn qua phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng.
 
Các sử gia đánh giá, đây là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử Việt Nam, mở ra thời kỳ hòa bình của nước ta kéo dài gần nửa thiên niên kỷ qua các triều Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần... với sự nghiệp lẫy lừng trong lịch sử.

Câu hỏi đặt ra là, vì sao Ngô Quyền không chọn Đại La - nơi trước đó nhiều thế kỷ là trung tâm chính trị - làm kinh đô, mà chuyển về Cổ Loa, kinh đô của nước Âu Lạc từ thời An Dương Vương một nghìn năm trước? Các sử gia cho rằng Ngô Quyền ý thức tự tôn dân tộc và bảo vệ độc lập chủ quyền của đất nước. Quay về với kinh đô cũ thời Âu Lạc là ông muốn tiếp nối quốc thống xưa của An Dương Vương, biểu hiện ý chí đoạn tuyệt với Đại La do phương Bắc khai lập.

Mặc dù Đại La trong nhiều năm là trung tâm hành chính, thương mại sầm uất nhưng chủ yếu là nơi tập trung quyền lực của các triều đình Trung Quốc đô hộ Việt Nam, nền kinh tế cũng bị các thương nhân người Hoa chi phối, tạo nên một thế lực không nhỏ của phương Bắc đối với nền độc lập chủ quyền còn non trẻ của nước ta lúc đó.

Sử thần Ngô Sĩ Liên cho rằng cách thức cai trị của Ngô Quyền có quy mô của bậc đế vương và ca tụng ông là người mưu tài đánh giỏi, có công gầy dựng lại cơ đồ, đứng đầu các vua. Phan Bội Châu và Trần Quốc Vượng đều tôn vinh ông là “Vua Tổ phục hưng dân tộc”.

Ông mất ngày 18 tháng Giêng năm Giáp Thìn (944), thọ 47 tuổi, tuy ở ngôi chỉ được 6 năm, nhưng đã để lại trong lòng dân sự nuối tiếc nghìn thu. Chỉ quanh khu vực hạ lưu sông Bạch Đằng đã có đến hơn 30 đền miếu thờ ông và các tướng của ông.

Đền thờ và lăng Ngô Quyền ở làng cổ Đường Lâm là một địa chỉ du lịch tâm linh nổi tiếng. Đền có tòa đại bái được dùng làm phòng trưng bày về thân thế, sự nghiệp của Ngô Quyền và triển lãm chiến thắng Bạch Đằng. Lăng có bia đá được khắc thời Tự Đức, ghi bốn chữ Hán “Tiền Ngô Vương lăng”. Trước năm 1945, Đền thờ Ngô Quyền có hai mẫu ruộng do ba xóm Đông, Tây, Nam của làng Cam Lâm thay nhau cấy lúa để sắm sửa lễ phẩm trong các lễ tế.

Thành phố Hải Phòng có đình Hàng Kênh cũng thờ Tiền Ngô Vương Ngô Quyền. Tương truyền trước khi đánh quân Nam Hán, Ngô Quyền đã đóng quân, chiêu binh tập mã ở An Dương (nay thuộc Hải Phòng). Dân nhiều làng ở đây đã làm quân cận vệ và chuẩn bị những cọc gỗ đóng xuống lòng sông Bạch Đằng để chống quân Nam Hán. Hằng năm vào trung tuần tháng hai âm lịch, đình mở hội, cúng tế, có hát ả đào, hát chèo, múa hạc gỗ và nhiều trò dân gian khác.

Ở Đà Nẵng, tên ông đã được đặt cho một con đường dài 11,5km, khởi đầu từ ngã ba Sơn Trà đến đường Hồ Xuân Hương. Thời Pháp thuộc, dân chúng gọi đây là đường Cây Thông (vì ven đường có trồng nhiều cây thông). Năm 1964, đường này mang tên Cách mạng 1-11-1963, đánh dấu ngày tướng lĩnh Sài Gòn đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam. Năm 1994, khi lập đường Ngũ Hành Sơn, đường này bị cắt một đoạn 4,7km từ đường Nguyễn Văn Trỗi đến đường Hồ Xuân Hương.

LÊ GIA LỘC
;
.
.
.
.
.