.

Ứng xử với Đồng Dương

.

Cứu vãn và trùng tu Mỹ Sơn đã tưởng là công việc khó khăn hơn cả, thách đố ghê gớm các nhà bảo tồn Việt Nam và quốc tế. Thế nhưng, với Đồng Dương, công việc xem ra khó khăn bội phần. Nhiều di tích không chỉ hoang tàn đổ nát, mà là bình địa, ngay cả can trường và nhiệt huyết như H.Slimann, cẩn trọng đến mức hàn lâm như nhà trùng tu N.Balanos, cũng phải đắn đo lắm mới dám chạm tay vào. Trong nhiều năm nữa, chúng ta sẽ phải trăn trở với câu hỏi: Ứng xử thế nào với Đồng Dương?

 

Mô tả ảnh.
Cổng chính tháp Sáng còn lại ở Đồng Dương.

 

Tại Hội thảo khoa học về những biện pháp Bảo tồn di tích Đồng Dương vừa được tổ chức tại Quảng Nam, các nhà khoa học đầu ngành đã nêu nhiều ý kiến đáng quan tâm.

ĐNCT xin trích đăng 2 ý kiến gây được nhiều chú ý tại Hội thảo.

GS. TS-KTS Hoàng Đạo Kính:

Đồng Dương trước tiên cần phải được nhìn nhận như là một di tích lịch sử, là chứng nhân lịch sử tiêu biểu và đặc sắc nhất, có một không hai, chứa đựng những thông tin được thể xác hóa và, bởi vậy, đích thực và hễ ta giải mã được, sẽ là nguồn tri thức về một nền văn minh trôi tuột vào dĩ vãng. Từ nhận thức ấy, chúng ta đạt nhiệm vụ và mục tiêu thứ nhất là cứu vãn cho được, gìn giữ cho được mọi vết tích, mọi thành phần và từng mảnh vụn của Đồng Dương, không để mất mát thêm và, quan trọng hơn, không để sai lệch thêm. Cùng với đó, công việc tư liệu hóa theo bài bản khảo cổ học kinh điển, phải được coi trọng và đặt thành nhiệm vụ thứ 2.

Đồng Dương phải được nhìn nhận như là một phức hợp di tích, bao gồm các yếu tố vật chất của lịch sử, văn hóa, tôn giáo, kiến trúc đô thị - tín ngưỡng - dân dụng, điêu khắc..., của một quá trình tồn tại dài, với những giai đoạn để lại dấu vết và dấu ấn riêng. Từ đó, cần có cách tiếp cận tổng thể, đồng bộ, tránh sự thiên vị về phương diện này hoặc quan điểm kia, đề cao tính khách quan lịch sử, dành chỗ cho con cháu mai sau tiếp tục công cuộc thâm nhập vào dĩ vãng, không bị làm cạn kiệt.

Từ thực trạng di tích, từ phương pháp luận bảo tồn và hướng ứng xử có thể là phù hợp, ta nên coi Đồng Dương là di tích kiến trúc - khảo cổ học. Là di tích kiến trúc, bởi vết tích và di vật còn lại chủ yếu là của kiến trúc. Nhấn mạnh cái vế “chủ yếu kiến trúc”, song kiến trúc không phải là duy nhất. Là di tích khảo cổ học, bởi đối tượng di sản ở đây đòi hỏi phải được nghiên cứu, phát lộ và nhận biết bởi các nhà khảo cổ học, bằng sự tiếp cận và công cụ tác nghiệp khảo cổ học. Khảo cổ phải là nội dung và là phần việc chính ở Đồng Dương. Các phần việc khác như dọn dẹp, giải tỏa, sắp xếp, gia cố, định hình... là cần thiết, bắt buộc đi liền việc phát lộ khảo cổ học. Từ đó, nếu ta còn phải tuân thủ quy định về lập và thực thi dự án đầu tư, thì cho Đồng Dương phải là Dự án nghiên cứu, khai quật khảo cổ học và bảo quản di tích. Nếu đặt các phần việc gọi chung là “trùng tu” lên trên khảo cổ học và đặt đầu tư kinh phí cho nó là chính, thì nguy cơ đánh mất Đồng Dương lần này là tệ hại hơn cả...

PGS - TS Trương Quốc Bình:

Khu di tích Phật viện Đồng Dương nằm cạnh đường 14E, thuộc địa phận làng Đồng Dương, xã Bình Định, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 60km về phía Tây Nam, cách thành phố Tam Kỳ khoảng 40km về phía Tây Bắc. Đây là trung tâm Phật giáo của vương quốc Chămpa, được xây dựng năm 875 dưới triều vua Indravarman II.

Theo nội dung tấm bia tìm thấy tại Đồng Dương, năm 875 vua Indravarman II đã cho xây dựng một tu viện Phật giáo và đền thờ vị Bồ Tát bảo hộ cho vương triều là Laskmindra Lôkesvara Svabhyada. Tính chất Phật giáo Đại thừa được thể hiện rõ qua nội dung bi ký cũng như các tác phẩm điêu khắc ở Đồng Dương. Dưới triều đại của Indravarman II, kinh đô của vương quốc Chămpa lại được dời từ vùng Panduranga trở ra vùng Amaravati, văn bia này cho biết tên của kinh đô mới là Indrapura, theo một số nhà nghiên cứu thì địa điểm xây dựng kinh đô Indrapura là khu vực làng Đồng Dương ngày nay.  

Qua các tài liệu nghiên cứu khoa học và kết quả thám sát, khai quật khảo cổ, từ nhiều chục năm nay, các nhà nghiên cứu nước ngoài và trong nước đã thống nhất cho rằng:  Đồng Dương là khu di tích tiêu biểu vào bậc nhất của kiến trúc Phật giáo Champa và cả khu vực Đông Nam Á.

Với tư cách là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, khu phế tích Đồng Dương cần được quản lý bảo vệ theo luật định. Ngay khi lập hồ sơ để đề nghị Nhà nước xếp hạng, chính quyền và đại diện các tổ chức xã hội các cấp đã cam kết trách nhiệm quản lý, bảo vệ.

Trước mắt, cần lập ngay Ban Quản lý di tích để ngăn ngừa những hành vi xây dựng trái phép tại vùng lõi của di tích cùng mọi hành vi đào bới, tận dụng các loại vật liệu, đặc biệt là các loại gạch tại khu vực di tích để phục vụ nhu cầu dân sinh. Đồng thời, đề nghị xây dựng các biển thông tin chỉ dẫn từ đường 14E vào khu di tích và các điểm di tích trong phạm vi đã được khoanh vùng.

Đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam cho phép và tạo điều kiện thuân lợi cho Sở VH-TT&DL phối hợp với UBND huyện Thăng Bình xây dựng Dự án tổng thể bảo vệ và phát huy giá trị khu di tích Phật viện Đồng Dương trong đó xác định cụ thể những nhiệm vụ chủ yếu nhằm tiếp tục điều tra nghiên cứu, khai quật khảo cổ nhằm xác định vị trí cùng mối liên hệ của Phật viện Đồng Dương và kinh thành Indrapura là cơ sở cho công tác tu bổ phục hồi và phát huy giá trị ở các bước tiếp theo.

Đồng thời, xây dựng và thực thi việc xây dựng dự án quảng bá, xúc tiến du lịch, coi di tích Phật viện Đồng Dương như một trong những điểm, những tuyến du lịch cần đến của Quảng Nam trong chương trình xúc tiến du lịch chung của tỉnh.

Từ kinh nghiệm và kết quả của công tác nghiên cứu, bảo tồn các di tích Chăm nói chung và khu di tích Mỹ Sơn, đề nghị xây dựng và triển khai dự án Thông tin Địa lý - GIS (Geographie Information System) tại khu di tích Phật viện Đồng Dương. Đây là hệ thống quản lý thông tin không gian được phát triển trên cơ sở công nghệ máy tính với mục đích lưu trữ, hợp nhất, mô hình hóa, phân tích và miêu tả nhiều loại dữ liệu làm cơ sở cho các hoạt động bảo quản, tu bổ và khai thác phục vụ du lịch đẩy mạnh các giải pháp nhằm xã hội hóa công tác bảo vệ và phát huy giá trị khu di tích Phật viện Đồng Dương.

Đồng thời, nghiên cứu các khả năng và giải pháp tuyên truyền, vận động quốc tế có liên quan đến di sản và di tích khảo cổ như UNESCO, ICOMOS, ICROM, SPAFA. Đề nghị Chính phủ và trực tiếp là Bộ VH-TT&DL ủng hộ và tạo điều kiện cho việc xây dựng và từng bước thực hiện Dự án tổng thể Bảo vệ và Phát huy giá trị khu di tích Phật viện Đồng Dương.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

;
.
.
.
.
.