.
Ký sự nhân vật

Ông Tuyết Mai

.

 

Gặp lại sau 1963
Gặp lại sau 1963

Sinh ngày 1-10-1924, tại Thạc Gián, thành phố Đà Nẵng, Vương Văn Kế gia nhập vào tổ chức Thanh niên cứu quốc năm 1944. Tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền năm 1945. Năm 1946, ông được giao làm phân đội trưởng công binh Tiểu đoàn 17, thuộc Trung đoàn 96, đóng ở Non Nước, cùng đơn vị chiến đấu chống lại quân Pháp, bảo vệ thành phố và tham gia đội tuyên truyền xung phong lưu động trên các mặt trận Hòa Vang, Điện Bàn, Đại Lộc. Cuối năm 1947, Vương Văn Kế bị thương, được điều về Ban Chính trị Trung đoàn 108. Ngày 1-1-1948, được kết nạp vào Đảng, được đề bạt Đại đội trưởng, phụ trách tổ địch vận Đà Nẵng, thuộc Trung đoàn 108…

Những ngày bộ đội chiến đấu chống lại những cuộc tấn công áp đảo của quân đội Pháp, nhiều gia đình ở Đà Nẵng phải chạy tản cư. Gia đình cô gái Thái Thị Tùng cũng chạy tản cư, vào đến Tam Ấp-Tam Thanh, thuộc vùng tự do của tỉnh Quảng Nam.

Như một duyên nợ, chàng trai Vương Văn Kế gặp lại cô gái Thái Thị Tùng, người cùng quê, cùng trang lứa, đã từng gặp nhau trong hoạt động thanh niên cứu quốc. Trên cát biển Tam Thanh, mối tình trong những ngày gian khổ, bình dị và hạnh phúc đã khai sinh ra cô con gái đầu lòng. Họ lấy tên của dòng sông quê hương đặt tên cho con: Vương Thị Giang.      

Tháng 7-1954, thi hành Hiệp định Genève, Vương Văn Kế là một trong những cán bộ được phân công đi giải thích tinh thần Hiệp định Genève về Việt Nam ở các xã ven biển từ An Hòa-Tam Kỳ ra Cửa Đại-Hội An. Tình hình diễn biến rất nguy hiểm, địch vi phạm nghiêm trọng Hiệp định Genève, gây nên tội ác khắp nơi. Những người cộng sản trong kháng chiến chín năm ở lại, bị truy nã.   Không thể ở lại Tam Thanh, Vương Văn Kế cùng gia đình tìm cách về lại Đà Nẵng, liên lạc với anh em tham gia kháng chiến, nối lại đường dây ngõ hầu tham gia hoạt động. Vẫn không được yên, ông tìm đường vượt tuyến ra miền Bắc.

Chưa thực hiện được chuyến đi thì nửa đêm, vào mùa mưa năm 1958, một tốp người dẫn ông ra khỏi nhà, bịt mắt đưa ông đi. Lúc này, vợ chồng ông đã có thêm một người con trai tên Sơn.

Bà Tùng gửi Giang - Sơn cho bà ngoại, thất thơ đi tìm chồng trong lo âu hồi hộp. Có người chị dâu cho hay: Một người vợ lính gác trong khu vực gần sân bay cho biết là dượng Bảy (Kế) gặp chị ta, nhờ chị ấy nói lại với chị rằng, dượng Bảy đang bị giam ở trong trạm thiên văn.

Như vậy là anh chưa bị thủ tiêu. Nghe được cái tin quý hơn ai cho vàng, bà Tùng nhẹ cả người. Tìm đường lên trên chợ Mới một đoạn gần cây số thì người ta chỉ cái trạm thiên văn giữa đồng trống. Quanh trạm không có nhà cửa, chỉ có cây cỏ um tùm và một cái lô cốt có mấy bóng người lô nhô. Dòm quanh, thấy một cái nhà tranh bên gốc cây cốc. Bà chủ nhà hỏi: Cô ở đâu, đi mô trong này? Bà Tùng thành thật: Con đi tìm chồng, nghe tin họ nhốt chồng con trong này. Bà chủ nhà nhăn mày: Cô về đi. Bọn ở trên bót gác chụp bóng thì nguy hiểm lắm.

Bà Tùng lặng thinh bước chân ra khỏi đám cỏ mà lòng rưng rưng muốn bật khóc.

Hôm sau, bà Tùng đi ra chợ mua một giỏ nào hương đèn, bông cúc, trái cây… đi thẳng vào căn nhà bên gốc cây cốc. Bất ngờ gặp lúc trong nhà bà ta có 2 người lính, thấy bà Tùng đi vào đột ngột, bà chủ nhà nhìn sững. Nhưng bà Tùng nói ngay: Cô ơi, hôm nay đám giỗ, con đem ít bánh, trái cây lên thắp hương cho bác…

Bình tĩnh lại rồi, bà chủ nhà nói: Sao cô lanh vậy, thấy cô bước vô tôi sợ quá! Bà Tùng nói: Không mưu kế thì làm sao đi vô được tới đây! Trong khi bà Tùng lấy đồ trong giỏ đặt lên trên bà thờ thì nghe bà chủ nhà nói: Ai vô phước thì mới bị đưa vào giam trong này. Lâu lâu có một chiếc xe nhà binh đến kéo cái rơ-móc bịt bùng đi. Giam phòng Nhì, có vô, không có ra!  

Để tiếp cận với hàng rào thép gai gần cái lô cốt, bà Tùng đi theo gần bà chủ nhà đang gánh đôi gàu nước tưới rau, nhìn xuyên qua hàng rào thép gai thì thấy ông Kế. Bà mừng run. Biết ý, bà chủ nhà đưa đôi gàu cho bà Tùng tưới. Lần đầu tiên bà Tùng xăn quần gánh đôi gàu nước tưới rau, không nặng lắm, nhưng thật vụng về, chưa kịp nghiêng đôi gàu thì nước đã tràn ướt cả áo quần.

Hôm sau, bà Tùng ra chợ mua một khổ thịt heo, một cặp đường đen, hai lon sữa và một gói thuốc trật đả hoàn, lại lên nhà bà ở bên cây cốc. Bà Tùng bỏ hết các thứ quà vào trong đôi gàu gánh ra để sát bờ rào thép gai… Nhưng lần thứ ba bà mua đồ lên thì ông Kế đã bị đưa đi Huế.

Gửi Giang cho bà ngoại, bà Tùng mua vé tàu lửa đi Huế tìm chồng, đem theo thằng Sơn. Ra Huế hỏi thăm, nghe người ta nói giam ở Phòng 6. Gặp mấy người lính, bà Tùng hỏi Phòng 6 đâu. Người lính hỏi: Cô hỏi Phòng 6 làm chi? Cô ưng vô ở luôn trong đó không ra sao? Về đi! Hai mẹ con mua vé tàu lủi thủi về lại Đà Nẵng.

Một thời gian chờ đợi, bà Tùng được người thân cho biết, địch chuyển ông về trong lao Hội An. Bà vào Hội An trong những ngày tháng Chạp. Biết ông đi đốn cây dương liễu về làm cây Noel, bà mua thịt heo, bún cho chồng và mấy người tù cùng đi, ăn ngay tại chỗ đốn dương liễu.

Từ 1957 đến 1958, ông bị chuyển đến các nhà tù ở Ty cảnh sát Gia Long-Đà Nẵng, phòng Nhì, An ninh quân đội ngụy, Phòng 6 Phú Cam, Tổng Nha cảnh sát, trại Lê Văn Duyệt-Sài Gòn. Dù bị tra tấn cực hình, bị kẻ thù dụ dỗ, mua chuộc, song ông vẫn giữ vững khí tiết của một đảng viên Cộng sản, bảo vệ cơ sở, bảo vệ uy tín của cách mạng. Ở trong nhà tù, ông luôn gắn bó với anh em, tham gia các cuộc đấu tranh đòi dân sinh, đòi cải thiện bữa ăn cho tù nhân, sống hòa mình với anh em, được anh em bạn tù thương mến, được tham gia sinh hoạt Đảng và có thời gian được tín nhiệm làm Bí thư chi bộ một phòng giam.

Không khai báo, không có chứng cớ để đưa ra tòa, chúng giam  ông suốt 5 năm trời. Ra tù, ông liên lạc với tổ chức Đặc khu Sài Gòn-Gia Định, tham gia phong trào quần chúng chống độc tài Ngô Đình Diệm, qua cơ sở có một quán nhỏ mang tên Tuyết Mai.

Tháng 11-1963, sau khi gia đình trị họ Ngô bị sụp đổ, ông về sống hợp pháp tại Đà Nẵng, mang cái tên Tuyết Mai.

Được Đảng tin cậy, ông đã tham gia rất tích cực trong các phong trào đấu tranh của nhân dân Đà Nẵng, góp phần đáng kể trong việc xây dựng cơ sở, thúc đẩy phong trào đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai của chế độ Sài Gòn. Đặc biệt, ông đã tham gia tích cực, có hiệu quả trong cuộc đấu tranh kéo dài 76 ngày của nhân dân Đà Nẵng. Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Đà đánh giá về ông Tuyết Mai trong sự kiện 76 ngày năm 1966: “Đã trực tiếp thi hành các chủ trương của Đảng, tỏ ra dũng cảm, mưu trí, linh hoạt và đóng góp một phần xứng đáng vào thắng lợi của cuộc đấu tranh’’.

Từ 1967 đến cuối năm 1971, với cương vị Trưởng ban Dân vận Mặt trận Đà Nẵng, Phó ban Đấu tranh chính trị Mặt trận Quảng Đà, ông đã có những đóng góp nhiệt tình, tích cực trong việc xây dựng thực lực, có khả năng và uy tín trong công tác vận động quần chúng.

Vì những cơn sốt rét ác tính hoành hành, sức khỏe ông giảm sút đột ngột. Tỉnh ủy Quảng Đà quyết định cho ông vượt đường Trường Sơn ra miền Bắc chữa bệnh, tới ngày quê hương được giải phóng mới về lại Đà Nẵng sống đoàn tụ với gia đình. Ông tham gia Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng; làm Trưởng ban liên lạc Công thương, đóng góp công sức và kinh nghiệm của mình vào những nhiệm vụ vô cùng khó khăn, hết sức mới mẻ của thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh, phục hồi các hoạt động kinh tế. Ông được giao nhiệm vụ không chút dễ dàng lúc bấy giờ là “Cải tạo công thương nghiệp’’, “Xuất nhập khẩu’’, kinh doanh hàng “Xuất nhập khẩu’’.

Tên gọi Tuyết Mai xuất hiện trong những ngày khó khăn trong đấu tranh với quân xâm lược, trở thành tên gọi thân quen trong xây dựng hòa bình, có sức lay động tình cảm của nhiều người trong việc đóng góp khả năng và tài sản của mình cho công cuộc kiến thiết đất nước bị tàn phá nặng nề sau những năm dài chiến tranh khốc liệt.

Trong những năm tháng ông ở trong lao tù của quân thù, những ngày ông chịu gian khổ, ác liệt trên chiến khu cách mạng, từ trong thành phố ồn ào sống gấp, nhộn nhịp bán buôn, hình bóng ông luôn là một biểu tượng đẹp, đầy tự hào mà các con ông gìn giữ. Tháng 5-1984, mới ngoài tuổi sáu mươi, bệnh tình ông trầm trọng. Biết rồi sẽ sớm ra đi, song ông yên lòng nhắm mắt vì vợ ông vẫn đảm đang được việc nhà, 5 người con ông đã trưởng thành.

Bà Tùng nhớ, khi còn sống ông thường nói với bà: Ở có đức, mặc sức ăn. Bà nghiệm ra, cái ĐỨC ông và bà đã để lại cho các con chính là một tài sản vô giá, ý nghĩa biết chừng nào!

HỒ DUY LỆ

;
.
.
.
.
.