Đà Nẵng cuối tuần

Duyên dáng P'rning

07:10, 18/01/2015 (GMT+7)

Rồi một ngày nào đó những ngôi làng, bóng cây, bóng núi... sẽ biến mất. Câu chuyện kể lại chỉ là giây phút hoài niệm về nơi chốn đi qua.

Ký họa toàn cảnh làng P’rning của họa sĩ Đà Nẵng trong một lần thực tế tại Pơr’ning.Ảnh: N.T.H
Ký họa toàn cảnh làng P’rning của họa sĩ Đà Nẵng trong một lần thực tế tại Pơr’ning.Ảnh: N.T.H

Nhưng có những chốn ở như làng trên cao của người Cơtu, từ nếp nhà, không gian sống, cảnh sinh hoạt đọng mãi trong trí của chúng tôi với bản sắc đậm đà và khó nhạt phai.

Không xa trung tâm huyện Tây Giang, đi về hướng tây bắc chỉ vài vòng xe lượn quanh triền đồi của xã Lăng, chúng tôi đến làng P’rning. Đã quá bữa ăn trưa, nhưng trong ngôi nhà chung của dòng họ Clâu, những người phụ nữ mang nhiều thức ăn từ những bếp riêng về đây trịnh trọng chiêu đãi chúng tôi. Thật bất ngờ và quá thú vị cho các họa sĩ như chúng  tôi, vừa ăn, vừa vẽ, lại vừa phỏng vấn như những nhà dân tộc học kỳ cựu.

Ngôi nhà chung như Gươl của làng hôm nay bỗng rộn ràng tiếng cười nói, những thanh âm Kinh - Thượng trộn lẫn và những bài hát dân ca được thể hiện từ các chàng trai, cô gái Cơtu khá ngọt ngào, gây ấn tượng vừa xa xôi lại vừa rất gần, hình như sự nguyên sơ bắt đầu từ nơi này.

P’rning ngày trước cũng ở vị trí này, nhưng cao hơn. Ngọn đồi được hạ thấp để thuận tiện cho sinh hoạt và đi lại. Một con đường nhỏ bằng bê-tông viền quanh ngôi làng, vài ngôi nhà lợp mái tôn nằm sau những mái tranh làm tôn lên cái vẻ duyên dáng của ngôi nhà sàn truyền thống. Xinh xắn cái mái nhà mai rùa, hình cung có hình con chim, con gà ở đầu hồi mà trong các bức ký họa đều được các họa sĩ chăm chút tỉa tót.

P’rning là những chiều mưa lâm thâm, nhìn sang những ngôi nhà ấm cúng lấp lánh ánh lửa, có mái tranh lum khum tỏa khói lam quyện vào làn sương trắng của rừng núi. Vài người phụ nữ chậm rãi gùi những sản phẩm từ rừng về, dáng nghiêng nhưng không nặng nề qua con đường nhỏ bê-tông. Có cô gái hồn nhiên đi gùi nước, cười tủm tỉm khi dừng lại dưới mái hiên nhà hỏi thăm khách qua khung cửa sổ nhỏ đan bằng tre. Sáng sớm, chiều về, lũ nhỏ, đến đám thanh niên làng đầy đủ giày vớ ồn ào trước khoảng sân rộng trung tâm đùa vui theo trái bóng tròn. Tất cả mọi thứ, mọi hoạt động diễn ra thật chậm rãi, những người khách như chúng tôi cảm giác như lạc vào hành tinh lạ.

Tháng bảy qua, mùa của World Cup, tưởng chừng như trời vào đêm là buồn tênh ở xứ núi. Ngược lại, các bạn trẻ trong làng chu đáo chọn cho chúng tôi ngôi nhà có cái truyền hình tốt nhất để thưởng thức những trận cầu đang hồi hấp dẫn. Cái thói quen miền xuôi là thức đêm xem bóng phải có mồi, nước mới vui. Và thật tuyệt vời, món gà kiếng chạy nhảy của núi đồi được luộc mềm chấm muối rang giã nhỏ thêm trái ớt hiểm thì chẳng nhà hàng miền xuôi nào sánh được. Hãy tưởng tượng các mế (người phụ nữ già) ngồi húp bát cháo gà nhưng mắt chăm chú theo dõi những ông Tây cao lớn tranh bóng trong cái khung hình nhỏ, thỉnh thoảng, bâng quơ và lời bình luận cùng đám cháu con.

Đêm ấm áp bên bếp lửa hồng, rượu đậm đà mang từ miền xuôi... tiếng guitar khá điêu luyện của người bạn trẻ Cơtu... như những giấc mơ. Chúng tôi cùng hát  nhại theo âm bài hát  quen: Em P’rning má đỏ môi hồng... hay cả một trời yêu bao giờ trở lại trong tối chia tay. Ngày mai về lại miền xuôi, phố thị, chúng tôi, các họa sĩ còn  một  chút để nhớ là  các bức ký họa của mình và cả những bức tranh thật hồn nhiên của  họa sĩ nhí, các em thiếu nhi trong làng  thân thương P’rning

NGUYỄN THƯƠNG HỶ

.