Đà Nẵng cuối tuần

Nước mắt trẻ thơ

07:09, 18/01/2015 (GMT+7)

Mắt rưng rưng, giọng bùi ngùi, cầu thủ thiếu niên của đội Ninh Bình bịn rịn thu xếp hành lý chuẩn bị cho cuộc hồi hương sau khi có quyết định giải thể các lớp năng khiếu.

Tương lai của những cầu thủ nhí về đâu khi hệ thống đào tạo trẻ của V.Ninh Bình bị ngưng hoạt động vô thời hạn.  (Ảnh: Thethaovanhoa.vn)
Tương lai của những cầu thủ nhí về đâu khi hệ thống đào tạo trẻ của V.Ninh Bình bị ngưng hoạt động vô thời hạn. (Ảnh: Thethaovanhoa.vn)

Những phòng ốc trống trơ hoang lạnh, chả bù với cảnh ồn ào náo nhiệt ngày nào. Vài cầu thủ trẻ như quyến luyến ngôi trường thân yêu, nán lại đâu đó trên các bậc thềm hay dõi mắt ra bãi cỏ ngoài khung cửa. Phải xa cái nơi mình từng gắn bó với nhiều đam mê khao khát lập nghiệp quả là chẳng dễ, nhất là khi phía trước hãy còn mờ mịt…

Hình ảnh cuối của ngôi trường bóng đá này khiến nhiều người xúc động. Nước mắt của nhiều phụ huynh đã nhỏ xuống sau khi chứng kiến con em mình bị buộc phải rời trường. Vậy là từ bây giờ, con em họ đành từ bỏ giấc mộng trở thành cầu thủ chuyên nghiệp cống hiến cho màu cờ sắc áo quê hương. Tháng ngày miệt mài trên sân tập vì niềm đam mê chơi bóng thực sự chấm dứt.

Các em phải trở về với thực tại khá phũ phàng: Nếu tiếp tục rèn luyện bóng đá thì chẳng biết đầu quân cho đơn vị nào còn trở lại với trường học phổ thông thì làm sao có đủ sức lực và thời gian theo kịp bạn bè. Chắc chắn khi nhập trường mấy năm trước, không học viên bóng đá năng khiếu nào của lò đào tạo Ninh Bình hình dung được viễn cảnh đáng buồn này.

Nhưng trách ai bây giờ? Bóng đá thị trường xô đẩy các ông bầu vào cách tính toán thiệt hơn ngay từ khi họ chập chững làm quen với môi trường chuyên nghiệp nửa vời. Dùng bóng đá quảng bá thương hiệu, sản phẩm, nhiều doanh nghiệp như đánh đu với số phận và con đường kinh doanh đầy bất trắc. Vài thuận lợi bước đầu không xóa hết cơ man nào là rủi ro, mạo hiểm.

Càng về cuối, các ông bầu thiếu chặt chẽ trong các bước đi đường dài tỏ ra đuối sức. Có người vội vã buông thuyền để khỏi phải chết đắm; người khác tìm cái cớ thích hợp để chia tay sân cỏ. Trong vô vàn lý do để các doanh nghiệp Việt Nam  cắt đứt nhẹ nhàng mối lương duyên với V-League và Giải hạng nhất quốc gia, người ta thường tìm chỗ hở từ phía cầu thủ với đủ căn bệnh gây ra từ họ: bán độ, móc ngoặc, đánh bạc, dàn xếp tỉ số.

Bài học Ninh Bình, Đồng Nai- cầu thủ tham gia đánh bạc, móc ngoặc dẫn đến bị trừng phạt cấm thi đấu - hẳn sẽ được đem ra làm bài học xương máu về cách thức quản lý, điều hành giải đấu, về hiệu quả hợp tác giữa doanh nghiệp và các đội bóng. Tuy vậy, có một yếu tố cần được nêu lên như một nhắc nhở, cảnh báo không bao giờ thừa: Vai trò của cơ quan chủ quản, tác động từ hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trong việc gieo vào lòng cầu thủ tinh thần xả thân trên hết vì uy tín thương hiệu, vì sắc áo, màu cờ.

Thực tế cho thấy do mải mê chạy theo thành tích trước mắt, bị choáng ngợp vì chút danh lợi phù phiếm và cả do tính chơi ngông, không ít ông bầu bóng đá ít quan tâm đến việc  chăm chút khía cạnh tâm hồn của cầu thủ - vốn cũng rất nhạy cảm. Nhiều người chỉ nghĩ đơn giản bằng cách bỏ tiền ra nuôi đội bóng, đến khi đối mặt với trăm thứ rối rắm bùng nhùng thì tìm cách… cao chạy xa bay.

Thiệt hại cuối cùng rơi vào làng bóng thiếu chuyên nghiệp, loay hoay mãi vẫn chưa tìm thấy lối ra quang rạng. Chưa có gì bảo đảm mùa bóng này sẽ không có thêm những giọt nước mắt tức tưởi trên gương mặt những cầu thủ non tơ!

ĐÌNH XÊ

.