Đà Nẵng cuối tuần
Thước đo chất lượng đại học
Thời sự tuần qua đưa tin Bộ GD-ĐT chuẩn bị tiến hành xếp hạng các trường đại học. Bằng cách đó, “đẳng cấp” của từng trường sẽ được thể hiện rõ ràng trên bảng xếp hạng. Bằng cấp không chỉ thể hiện trình độ riêng của từng sinh viên mà còn phản ánh giá trị của trường đại học.
Có người từng ví, hệ thống trường đại học của Việt Nam giống như một… lò ấp trứng. Trứng nhỏ, trứng to cứ thả cả vào lò, sau thời gian ấp sẽ nở ra gà con, vịt con được chứng nhận đỏ chói. Với hệ thống các trường tư nhân dày đặc như hiện nay, hầu hết sĩ tử đều có cơ hội được “ấp”. Thừa trường đại học kém chất lượng, sinh viên tốt nghiệp buộc phải làm công nhân để kiếm sống… là câu chuyện nhiều năm nay ở Việt Nam. Vì lẽ đó, xã hội luôn phải hoài nghi về trình độ cử nhân, thước đo chất lượng đào tạo của các trường đại học. Cũng vì lẽ đó, việc xếp hạng các trường để người học và xã hội hiểu rõ “thương hiệu” của mỗi trường là điều nên làm.
Cũng theo chương trình thời sự đã đưa tin, để xếp hạng, Bộ GD-ĐT đòi hỏi mỗi trường hoàn thiện một bảng “báo cáo thành tích có chất lượng” và giao cho tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục chấm điểm. Như vậy, giờ đây, bên cạnh việc giảng dạy, các trường còn phải lo hoàn thiện “báo cáo có chất lượng”. Việc gộp những “báo cáo thành tích có chất lượng” do chính trường cung cấp không hiểu có hình thành nên bảng xếp hạng “có chất lượng”? Điểm số giữa các trường liệu có phản ánh được chất lượng thực tế để làm thành kim chỉ nam cho người học và gia đình? Bên cạnh chạy trường, giờ đây liệu có… chạy xếp hạng trường?
Trước những băn khoăn này, ông Trần Văn Nam, Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho rằng, Bộ GD-ĐT có trách nhiệm lựa chọn các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có năng lực, kinh nghiệm và uy tín để giao nhiệm vụ thực hiện xếp hạng cơ sở giáo dục đại học. Chắc chắn các trường sẽ có báo cáo về quy mô, ngành nghề, trình độ đào tạo, chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học kèm theo minh chứng để có thể đo lường, đánh giá.
Vì vậy khái niệm “báo cáo thành tích có chất lượng” như đã đề cập nên được hiểu khác đi là báo cáo có minh chứng. Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục sẽ đánh giá mức độ phân tầng xếp hạng của trường trên cơ sở các minh chứng thực tế chứ không chỉ qua việc đọc báo cáo. Bên cạnh đó, việc kiểm tra cần phải được tiến hành khách quan để đảm bảo uy tín của chính tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.
Hiện còn quá sớm để đánh giá về khả năng hay mức độ thành công của việc phân tầng xếp hạng các trường đại học khi các thông tư hướng dẫn cụ thể vẫn chưa được ban hành. Tuy nhiên, có lẽ đây vẫn là bước đi đúng đắn để đưa nền giáo dục đại học Việt Nam sớm hòa nhập với các tiêu chuẩn chất lượng giáo dục đại học của thế giới.
Mong rằng, bảng xếp hạng các trường đại học ở Việt Nam sẽ tạo nên được giá trị thương hiệu vô giá để mỗi trường tự khẳng định mình. Nhìn vào đó, mỗi giảng viên sẽ có động lực hơn để đưa ra những bài giảng hay, bổ ích, “quyến rũ” người học tìm đến, im lặng lĩnh hội kiến thức chứ không phải có mặt để điểm danh. Nhìn vào đó, người học và phụ huynh sẽ biết được nên học ở trường nào, ngành nào thì có chất lượng phù hợp với khả năng, sở thích. Từ đó, hào hứng hơn, có trách nhiệm hơn với việc học của mình. Việc công khai chất lượng và uy tín sẽ tạo động lực cho các trường không ngừng tự rà soát, cải tiến, nâng cao chất lượng để tạo ra được những “sản phẩm” đáng tin cậy, đáp ứng nhu cầu của xã hội.
MAI TRANG