Đà Nẵng cuối tuần

Đà Nẵng "giỏi" đi vào lòng người

07:40, 12/12/2015 (GMT+7)

Những con người chân chất, mộc mạc. Những con phố thân quen. Những bãi biển cát trắng mở lòng đón bao con người là “người Đà Nẵng” và người “không phải là người Đà Nẵng”.

Có hề gì. Đà Nẵng đang là nơi hội tụ của anh, của em, của bạn bè khắp nơi trong nước và thế giới. Vì thế, qua cuộc thi viết và phóng sự ảnh “Người Đà Nẵng” do Đảng ủy khối các cơ quan thành phố phối hợp cùng cổng Thông tin điện tử thành phố tổ chức trong 8 tháng qua, mới thấy tình yêu của người dân dành cho Đà Nẵng rất lớn. Mọi người yêu Đà Nẵng như một điều hiển nhiên bởi Đà Nẵng “giỏi” đi vào lòng người!

Những tác giả nhận giải cuộc thi viết và phóng sự ảnh
Những tác giả nhận giải cuộc thi viết và phóng sự ảnh "Người Đà Nẵng". Ảnh: D.H

Điểm qua một số bài viết đoạt giải, có một cảm nhận là các tác giả đều có cùng một điểm chung là yêu và tự hào về Đà Nẵng. Những tình cảm đó thể hiện trong từng câu chữ, đoạn viết. Và có cảm giác như cuộc thi này là cơ hội để các bạn ấy thổ lộ, bộc bạch hết tình cảm của mình về Đà Nẵng, một thành phố họ đang sống, đã sống và thậm chí chỉ ghé qua.

Tình yêu Đà Nẵng không phân biệt người Đà Nẵng gốc hay là“người ở nhờ”. Bài viết của bạn Nguyễn Thị Hoài Thu, Chi đoàn Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng, kể về một cô gái, tuy không phải là người “Đà Nẵng gốc” nhưng lại yêu Đà Nẵng như ruột thịt.

Cô yêu Đà Nẵng bởi vì những con người xung quanh dễ thương và gần gũi, dù rằng cô chỉ là một người ở nơi khác đến “tá túc”. Nhưng sự gần gũi, thân thiện đã xóa tan đi mọi lo âu, nghi ngờ về cái nơi tưởng như xa lạ ấy: “Bây giờ trong mỗi chuyến đi công tác, khi được hỏi từ đâu đến, cô như không giấu được sự tự hào “tôi đến từ Đà Nẵng”. Cô tự cho mình cái quyền đó, vì với cô, người Đà Nẵng đâu phải chỉ là người sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng, chỉ cần là người yêu thành phố này, hòa nhịp cùng những nốt thăng, nốt trầm của thành phố thì đã là người Đà Nẵng rồi!”.

Bạn Trần Thị Tùng, Chi đoàn Bảo hiểm xã hội thành phố chọn Đà Nẵng làm “bến đậu” sau khi ra trường, đã thổ lộ tình yêu Đà Nẵng của mình trong bài “Một chút tản mạn về Đà Nẵng tôi yêu”.

“Do yêu cầu công việc nên tôi đã đi được nhiều nơi của đất nước nhưng trong tôi, Đà Nẵng lúc nào cũng đẹp nhất. Không biết tôi đã “thiên vị” Đà Nẵng hay vì mình dành cho Đà Nẵng một tình yêu đặc biệt, tôi thấy ở Đà Nẵng cái gì cũng đẹp và đi đâu tôi cũng muốn nhanh được về với thành phố”.

Những người, nói theo dân gian là “ăn nhờ ở đậu” lại có tình cảm đặc biệt sâu sắc về thành phố của mình tá túc. Thế mới biết, đất và người Đà Nẵng có sức hấp dẫn đến nhường nào. Và “vượt lên vẻ đẹp của phố phường núi non, sông biển là vẻ đẹp của tình người, của con người  Đà Nẵng. Không ngọt ngào, khéo léo như người miền Bắc hay xô bồ như người miền Nam, những con người Đà thành lại “ăn cục nói hòn”, chân chất, giản dị nhưng lại chân thành, mến khách, tốt bụng đến kỳ lạ”…

Trong bài “Biển Đà Nẵng dấu ấn trong lòng tôi” của bạn Lê Thị Thu Thanh, Đội 2, Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong (Quảng Trị), một người hoàn toàn không “dây mơ rễ má” gì với Đà Nẵng nhưng vì yêu quý thành phố này và  có những dòng cảm nghĩ sâu sắc về biển Đà Nẵng.

Bài viết chủ yếu ca ngợi biển nhưng tác giả vẫn làm cho người đọc thấy cái đẹp của biển Đà Nẵng luôn gắn với yếu tố con người, mà cụ thể là ứng xử của người Đà Nẵng với biển. Cùng với những miêu tả, cảm nhận với những câu từ mượt mà, như âu yếm, vuốt ve để ngợi ca vẻ đẹp đầy quyến rũ, mê hoặc của biển Đà Nẵng, tác giả đã khắc họa được nhân tố làm nên cái đẹp của biển Đà Nẵng:

“Tôi yêu biển Đà Nẵng như thế đó, để giữ được bãi biển sạch đẹp như ngày hôm nay, phải nói rằng chính quyền và người dân Đà Nẵng rất có ý thức và nhiều biện pháp hay bảo vệ môi trường biển. Đó là sự hy sinh thầm lặng của công nhân Công ty  Môi trường đô thị Đà Nẵng tham gia dọn dẹp vệ sinh bãi biển liên tục mỗi ngày. Và còn đó hành động rất đẹp đáng tuyên dương của ông Trần Xuân Mạo (70 tuổi, ở tổ 4, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) vẫn thức dậy từ sáng sớm để ra bãi biển gần nhà nhặt rác đến trưa mới về. Hàng trăm thứ rác trôi nổi trên biển dù nhỏ, thối bẩn được ông Mạo nhặt và phân loại. Từ khi có ông, bãi biển Nam Ô trở nên sạch hơn hẳn so với trước đó. Rồi các bạn trẻ trong CLB Vì biển xanh đốt chung ngọn lửa đam mê cùng xắn tay áo nhặt từng cọng rác làm sạch bãi biển đã mang lại một luồng gió mới, trở thành nét đẹp trong lối sống hành động của tuổi trẻ”.

Với bài viết “Đà Nẵng trong lòng tôi”, bài đoạt giải Nhất đợt 1 cuộc thi, của bạn Vũ Thị Mai Hương, Sở Tài Nguyên và Môi trường đã làm toát lên được vai trò, vị trí quan trọng của những nhân tố làm nên một thương hiệu “Đà Nẵng đáng sống” hôm nay.

Mai Hương bộc bạch: “Ban đầu, tôi muốn viết về một người quét rác trên đường Đống Đa, bởi chú ấy vô cùng tận tâm với nghề. Nhiều lần nhìn chú quét rác, tôi có cảm giác con người này xem việc làm sạch các con phố, tuyến đường là sở thích, là trách nhiệm. Tôi ấp ủ viết về chú bởi thành phố chúng ta rất cần những con người tâm huyết với nghề, có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội cho dù họ ở vị trí, cấp bậc nào, làm công việc gì. Tuy nhiên, mong muốn của tôi không thể thực hiện được khi mà chú từ chối viết về mình, bởi chú chia sẻ, chú cũng như hàng trăm công nhân quét rác khác, đang ngày đêm thực hiện nhiệm vụ, chú không có gì khác biệt từ những con người bình dị như người quét rác, anh chị công nhân vệ sinh môi trường…”.

Những Người Đà Nẵng bình dị, dễ thương mà bạn có thể bắt gặp ở bất cứ nơi đâu trong thành phố này, chính là những người đã  làm đẹp hơn cho một Đà Nẵng thân thiện, gần gũi và hiền hòa.

Không cần những pa-nô, áp phích, đoạn phim hay những câu slogan hay, hoành tráng, mà chính cách sống, cách hành xử, tình cảm chân thật, nhiệt thành, có trách nhiệm giữa mình với bạn bè trong và ngoài nước, giữa mình với thiên nhiên và trên hết là tình yêu quê hương đất nước là cách quảng bá hay nhất, ít chi phí nhất và đơn giản nhất mà mỗi người dân Đà Nẵng có thể thực hiện được. Và chính mỗi người dân Đà Nẵng là một đại sứ để quảng bá hình ảnh về quê hương, con người nơi đây.

DÂN HÙNG

.