Đà Nẵng cuối tuần
Minh Đức Triều Tâm Ảnh với Bụi, Trăng và Lửa
Minh Đức Triều Tâm Ảnh là bút hiệu của Tỳ kheo Giới Đức, một trong những hàng cao tăng của Phật giáo Nguyên Thủy ở Huế. Ông cũng là người khai lập Huyền Không Sơn Thượng trên hòn Vượn ở phía tây thành phố Huế.
Ngoài tu học và giảng Phật pháp, ông còn viết văn, làm thơ (*) và viết thư pháp, tạo vườn cảnh phong thủy hữu tình... Năm 2011 ông âm thầm chia tay với thi ca bằng tuyển tập bốn cuốn thơ với tựa đề “Bụi, Trăng và Lửa” do Nhà xuất bản Văn học ấn hành.
Tôi không quan tâm đến lý do một thi sĩ ly khai thơ. Bởi, thơ là dòng xúc cảm, sự cảm nhận của con người với thế giới quan bên ngoài, hoặc có thể là cơn rạo rực từ bên trong mỗi cá thể. Thế giới của thơ là sự bí mật của những cá nhân đơn độc, chỉ có thể chia sẻ điều đó cho những tâm hồn đồng điệu.
Khi cầm trên tay bộ sách “Bụi, Trăng và Lửa” do thi sĩ Minh Đức Triều Tâm Ảnh ký tặng cùng với lời nhắn tràn ngập nuối tiếc “Thơ ơi! Xin giã biệt người!”, tôi cảm động nhưng vẫn không tin con người đó có thể giã biệt toàn diện theo đúng tinh thần Thiền. Sự giã biệt thơ, không phải là không làm thơ, không viết thơ, không in thơ. Theo tôi, sự giã biệt chính là tinh thần đoạn diệt bên trong của tác giả.
Trở lại với những dòng thơ giả hợp của thi sĩ Minh Đức Triều Tâm Ảnh, tôi xin được bắt đầu với bài “Lộ trình đen hay lộ trình mây” đề tặng Phạm Công Thiện, Rimbaud và Nietszche được viết cách đây bốn mươi năm (1976). Chúng ta đều biết mây là một giả hợp được tạo ra từ nước, chỉ với một câu “Có khi nào vĩnh cửu ngụ trên mây!”, nhà sư nhà thơ đã nêu ra một câu hỏi khẳng định, vì cuối câu là một dấu chấm than.
Câu thơ phá tan sự hoài nghi, đi thẳng vào trung tâm của vấn đề giả hợp giữa cái trường tồn và cái giả tạm. Sự vĩnh cửu ngụ trên cõi giả tạm, chúng ta nhận ra ngay sự phi lý của logic. Chỉ một câu thơ như thế, tôi tin rằng nếu Rimbaud hay Nietszche hay Phạm Công Thiện tỉnh mộng sẽ bay về “đỉnh cô phong” để bắt tay cùng thi sĩ.
Trong bài “Cảm tạ và đóng đinh” đề tặng Nikos Kazantzakis với tác phẩm “Xin chọn người yêu làm thượng đế” thi sĩ đã cảm nhận thực tại như một sự thất bại toàn diện qua hai câu thơ “Hiện hữu nào không là những thây ma/ Hiện hữu nào không nhân danh vĩnh cửu”, hai câu thơ đó một lần nữa khẳng định sự giả hợp của thực tại, của hiện hữu.
Đọc thơ Triều Tâm Ảnh chợt nhận ra khí thơ của tráng sĩ ẩn sâu trong những câu chữ, với nhịp điệu của kẻ lên đường cùng lưỡi kiếm xanh. Ngôn ngữ của ẩn sĩ sao mà chứa chan tình người với nhiều hình ảnh và âm thanh của bụi trần.
“Bày tỏ II” là sự độc thoại nội tâm hay cuộc bày tỏ với chính mình: “Để biết mình không là gì cả/ Xin một đời rêu cỏ an tri!”. Thi nhân cũng là tu sĩ đối diện với tâm không, vậy mà cõi lòng luôn hướng về phía trần gian, cho dù chỉ một hạt bụi, một vi trần cũng đã đồng hành cái có: “Tôi chẳng có gì để lại cho em/ khi tôi phủi xác thân / như phủi một hạt bụi rơi”.
Có ai ngờ ngôn ngữ của thi nhân ở nơi heo hút miền sơn cước nhưng chứa đầy thi tính, hừng hực một hạo khí của sự chuyển động bên trong để bộc phát ra thứ ảo giác tiệm cận với sự thật của hiện hữu. Ngôn từ uyên bác và thâm sâu trong thơ của nhà sư đã thể hiện phần nào sự tỏ ngộ của một người con Phật.
“Vì giác ngộ, lòng ta cơn gió lạ
Thổi lồng bồng, gác vắng với hiên khuya
Ta lất phất, thói đời cùng thói đạo
Rõ lắm rồi, cỏ rác cũng se sua!”
Những ngọn núi trong thơ Triều Tâm Ảnh là đỉnh cao cheo leo trong thế giới tâm, chỉ những tâm hồn cô đơn tận cùng mới trực diện và cảm nghiệm được ngọn núi tâm thiêng liêng ấy. Câu thơ “Mai mốt đi về, tất thảy hóa thành trăng!” trong bài “Bụi, Trăng và Lửa” lại một lần nữa khẳng định sự giả hợp mà tác giả đã cảm nghiệm suốt cuộc di trú của dòng tâm.
Chúng ta đều biết rằng trăng là một giả tưởng do nhiều yếu tố tạo thành, cơn mộng đẹp của vũ trụ giúp con người nhận ra đóa hoa của đêm đã giúp thế giới này giảm phần nào tăm tối, nhưng cái đẹp của sự vĩnh cửu tương đối đó chưa đủ mạnh để thức tỉnh những cơn cuồng loạn của nhân loại.
Từ giả hợp của sự vật đến giả hợp của tâm tưởng qua cuộc cảm nghiệm sâu sắc của thi sĩ Triều Tâm Ảnh, người thơ đã gửi gắm hơi thở của mình quyện vào dòng đạo hạnh hằng mong gửi chút lực từ bi vào cuộc xoay chuyển uyên nguyên của đại cuộc trước bờ vực hư vô.
Thơ của Triều Tâm Ảnh thi sĩ chính là hóa thân của đạo, của sự chuyển động ở tầng thâm sâu giữa mộng và thực, giữa hiện hữu và ẩn mật,... tất cả những gì mà ngôn từ tô vẽ chỉ là một giả hợp, hơn ai hết, thi sĩ, tu sĩ ở hòn Vượn là người cảm nghiệm rõ nhất về vô ngã, về giả tướng và giả hợp.
Có thể hiểu “Bụi, Trăng và Lửa” chính là các giả hợp, vì mỗi hạt bụi như hoa đốm, chứa cả thế giới vật chất và ngược lại, cũng như vậy trăng chỉ là sự phản chiếu của ánh sáng mặt trời và lửa ở nghĩa đen và cả nghĩa bóng khi rực cháy khi là tàn tro lạnh lẽo, có đó cũng không đó chỉ là giả hợp của vật chất và nhờ khí oxy để cháy.
Hai câu thơ trong bài thơ “Bày tỏ IV” cho người đọc cảm được tâm của một nghệ sĩ, tu sĩ luôn hướng về phía chân trời của đạo, cho dù biết rằng sẽ đối diện với niềm cô đơn cùng cực và sự vây khốn của thế giới tâm đầy biến loạn, khi khởi lên ý niệm phân biệt:
“Ta quỳ xuống, hoang vu niềm khổ lụy
Gặp trăm đời trong nửa niệm phân ly!”
Thế giới thi ca của thi sĩ Minh Đức Triều Tâm Ảnh hay có thể gọi hồn thơ của tu sĩ Giới Đức là những câu chữ xô đẩy đến đỉnh trời của vô tính, nhưng lại thấm đẫm tình người. Tình yêu của những bước chân dấn thân vào con đường xa hút hình bóng cõi nhân tình thế thái. Phải chăng đó là trạng thái phân thân giữa thơ và thiền, giữa trần gian và cõi đạo, để thi nhân phải dứt khoát đoạn tuyệt thế giới của thi ca, chỉ vì:
“Lửa và bụi lân la hai bờ giấy
...
Trăng thi thiết đã quên lòng giếng cũ”.
Lê Huỳnh Lâm
(*) Những tập thơ tiêu biểu của Minh Đức Triều Tâm Ảnh: Chèo vỡ sông trăng; Đá trắng chiêm bao; Đóa hồng vàng cửa Phật; Lửa lạnh non thiêng; Chữ cháy bờ lau, (Nhà xuất bản Thuận Hóa); Giun dế, hư vô và hạt lửa xanh; Bụi, Trăng và Lửa (Nhà xuất bản Văn học)…