Đà Nẵng cuối tuần
Nén hương giữa đồi thông Từ Hiếu
Dòng Hương lặng lờ trôi theo tiếng ca nhi vọng lại ẩn chứa nỗi buồn của bao thời đại, con sông đã chứng kiến biết bao thăng trầm lịch sử đất Thần Kinh. Tôi quặn lòng khi nghe tiếng vọng của thời gian. Tiếng của người xưa, tiếng nói tôi chưa một lần nghe mà sao thân quen lắm! Tiếng Quảng chân chất sâu nặng nghĩa tình giữa lòng đất Huế; tiếng thì thầm bàn việc khôi phục giang sơn gấm vóc của cụ Thái Phiên, Trần Cao Vân cùng hoàng đế Duy Tân ngày xưa ấy.
Sông không ngừng trôi và những gợn sóng lăn tăn như vỗ nhẹ vào quá khứ lay động tiềm thức và những đau thương, mất mát xuyên suốt thời gian hiện về trong ký ức. Lờ mờ trong màn sương thời gian, dáng dấp nhỏ nhắn của 3 con người hiện ra trên dòng sông. Đất nước bị đô hộ, nhân dân phải lầm than và họ đã thổi bùng lên ngọn lửa đánh giặc từ ngàn xưa. Nói đến tổ chức “Việt Nam Quang Phục Hội”, ta chẳng thể nào quên được việc các chí sĩ cùng vua Duy Tân bàn việc nước đánh giặc rồi bị xử chém. Đến trước lúc chết, Thái Phiên và Trần Cao Vân đã viết một bản trần tình khẳng khái nhận hết tội lỗi về mình và đề nghị thực dân Pháp tha tội chết cho vị vua trẻ Duy Tân. Bài trần tình có câu:
“Trung là ai? Nghĩa là ai? Cân đai võng lọng là ai? Thà để cô thần tử biệt! Trời còn đó! Đất còn đó! Xã tắc sơn hà còn đó! Mong cho Thánh Thượng sinh toàn”.
Có lẽ chính điều này mà cụ Phan Bội Châu đã viết:
Chúng ta cũng vẫn dòng Hồng Lạc
Xin hỏi Nam Xương có mấy ai?(1)
Huế và Đà Nẵng ngày xưa cách nhau một ngọn đèo Hải Vân, còn bây giờ chỉ là con đường hầm. Dẫu biết lịch sử, tâm linh đã gắn chặt hai cụ, Thái Phiên - Trần Cao Vân, ở chung một ngôi mộ trong tình yêu thương của người dân xứ Huế và được xếp hạng di tích cấp quốc gia, nhưng sao vẫn thấy chạnh lòng.
Hôm tham dự Festival Huế 2016, chúng tôi, những người con của quê hương Thái Phiên đã dựa vào địa chỉ chôn cất hai chí sĩ qua nhiều bài báo trên mạng là “Đồi thông Từ Hiếu” để tìm đường đến khu mộ thắp nén hương tưởng niệm nhân 100 năm ngày các vị hy sinh vì nghĩa lớn.
Xe rẽ đàn Nam Giao, trên đường lên lăng Tự Đức, con đường mà chắc chắn khách du lịch đến Huế chẳng thể nào bỏ qua. Chúng tôi dừng lại ở lối vào chùa Từ Hiếu. Đồi thông Từ Hiếu chỉ cách trung tâm thành phố Huế chừng 3km, cách đàn Nam Giao không xa.
Loay hoay sau khi băng lội khu nghĩa trang rộng lớn với mồ hôi ướt đẫm vẫn không biết đâu là nơi yên nghỉ của hai cụ, chúng tôi đành nhìn hàng thông, nhìn mây trôi, vái lạy rồi cắm nắm hương giữa gò đất trống. Nhìn khói hương len lỏi tàn cây bay lên hòa cùng mây xanh mà lòng ngậm ngùi, day dứt. Ngồi dưới rừng cây nghĩ chuyện xứ người, sang Quảng Châu - Trung Quốc tìm đến mộ cụ Phạm Hồng Thái lại dễ mà sao giữa quê nhà lại quá khó khăn.
Về lại Đà Nẵng, tìm kiếm lại thông tin, cũng biết rằng, trong một bài viết đăng trên Báo Quảng Nam năm 2015 (số ngày 4-9), tác giả Tần Hoài Dạ Vũ cũng đã viết: “Năm 2012, chúng tôi đã đi tìm và thắp hương kính bái trước mộ hai nhà yêu nước này, và cũng đã khá vất vả mới tìm ra được mộ, nên thiết tưởng ngành văn hóa tỉnh Thừa Thiên - Huế cần có bảng chỉ dẫn đường vào mộ hai chí sĩ Trần Cao Vân - Thái Phiên, để những người muốn chiêm bái mộ hai cụ không quá mất công sức tìm kiếm”.
Ước gì một ngày nào ra Huế có biển hướng dẫn đến được mộ hai cụ rõ ràng để đỡ phải tốn nhiều công sức tìm kiếm. Ước gì tour du lịch từ Đà Nẵng ra Huế trong lịch trình có chặng dừng viếng mộ hai chí sĩ.
PHẠM ĐÌNH THÀNH
(1) Nam Xương là hiệu của cụ Thái Phiên.