Đà Nẵng cuối tuần
Tiếc chi không cười
Chật vật đèo đứa con nhỏ len ra bãi xe bệnh viện, người phụ nữ thở hắt một hơi rồi chìa tấm vé xe, chuẩn bị rồ ga vọt về. Đôi tay vẫn chìa, đợi 1 giây… 2 giây… vài giây nữa, chẳng có bàn tay nào với tới nắm tấm vé trên tay người phụ nữ, bởi bác giữ xe cũng đang… chìa tay đợi chị này nhích lại đưa vé.
Khoảng cách giữa hai người chỉ là vài bước chân, nhưng không bên nào nhích gần lại bên nào, và họ có cuộc cãi cọ ngay trong sân bệnh viện, trước sự ngơ ngác chưa hiểu mô tê của thằng bé. Ai cũng bảo người kia ích kỷ, tính toán, làm cao.
Bác giữ xe bực mình cả buổi chưa dứt, mặt mũi hầm hầm. Người phụ nữ hẳn cũng không thôi khó chịu suốt quãng đường về sau vài tiếng lầm bầm ngoái lại. Một ông già đứng trông xe dưới cái nắng chang chang và một người phụ nữ mệt mỏi đưa con đi khám bệnh, giá có một nụ cười cảm thông “xen” giữa họ ngay lúc ấy thì đỡ bực biết mấy…
Trời đất thật hào phóng, tạo ra con người rồi ban cho luôn nụ cười như “vốn tự có”. Chẳng cần biết giàu, nghèo, màu da, nguồn cội, cứ hễ là con người thì ai cũng biết cười từ thuở lọt lòng, không đợi bày biểu. Thế nhưng không phải người nào cũng hào phóng nụ cười của mình. Thậm chí, cười vốn là phản xạ bản năng lại biến thành loại phản xạ có điều kiện, cần được học đi, học lại, đưa vào nội quy để… khỏi quên; cười trở thành cam kết ứng xử tại nhiều nơi, nhiều chỗ.
Tưởng bực bội, nóng nôi thì thôi quên cười, nhưng ở những chỗ đề cao tính chuyên nghiệp trong giao tiếp, nụ cười đôi khi cũng rất hiếm. Vào ngân hàng, cô nhân viên mặt mày sáng láng cặm cụi thao tác trên máy tính rồi in tờ giấy đưa cho khách, ánh mắt vẫn không rời màn hình, cô buông tiếng nhẹ nhàng: “Ký!”. Chỉ một tiếng duy nhất, dù âm điệu êm êm nhưng sao “lạnh” quá đỗi.
Cô nhân viên không cần chuyên nghiệp như những nơi khác, rằng phải khẽ chào khách, phải biết nói cảm ơn với nụ cười luôn thường trực. Chỉ cần cô lướt con mắt từ màn hình lên mặt khách rồi nhoẻn miệng cười, khách đã phần nào mát ruột, có khi nhờ nụ cười đó mà khách cảm thấy đống nợ trước mặt vơi chút nặng nề…
Dường như cười là khởi đầu của mọi ngôn ngữ. Trong nhiều tình huống, dù không biết nói, không biết nghe thì nụ cười thân thiện đủ trở thành thứ ngôn ngữ “lợi hại”. Đi nước ngoài, không biết nửa chữ tiếng Anh, mọi người chí ít cũng lận lưng “hé-lô”, “thanh-kiều”, “so-ri”, kèm nụ cười để có cái phản ứng với người ngoại quốc. Người Việt vì thế thường được bạn bè quốc tế yêu mến sự “thân thiện” và “hay cười”.
Có vẻ, khi ta thể hiện mình với bên ngoài, nụ cười luôn được trưng dụng tối đa, nhưng không hiểu sao ở trong nước, trong sự ứng xử với nhau, đôi khi nụ cười lại là thứ tối thiểu! Mọi người có thể dành rất nhiều tiền bạc, thời gian, công sức để làm đẹp cho vẻ ngoài của mình, trong khi có một cách rất dễ làm, làm rất nhanh và rất không tốn kém để ta trông đẹp hơn đó là cười thì lại không được quan tâm thích đáng?
Đến bất kỳ đâu, chỗ bình dân hay sang trọng cũng thèm một nụ cười hướng về phía mình. Tiếc chi không cười!
CHÍCH BÔNG