Đà Nẵng cuối tuần

Cửa hàng tiện lợi: Nấm mọc sau mưa

13:31, 11/06/2016 (GMT+7)

Với diện tích linh hoạt từ 100-300m2, các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mi-ni dễ dàng tiếp cận với khách hàng ở những khu dân cư đông đúc, các quận nội thành ở Đà Nẵng. Mỗi cửa hàng được xây dựng với khoảng 1.000 mặt hàng trở lên, giá trị đầu tư ban đầu vào khoảng vài chục đến vài trăm triệu đồng. Theo các nhà cung cấp hàng và các chuyên gia trong lĩnh vực thương mại, hàng hóa có xuất xứ rõ ràng, giá cả vừa phải trong các siêu thị nhỏ bắt đầu giúp tạo dựng thói quen mua sắm của người tiêu dùng.

Mặt hàng đa dạng, giá cả vừa phải, các siêu thị mi-ni ở Đà Nẵng phục vụ đa dạng đối tượng khách hàng.  Ảnh: H.N
Mặt hàng đa dạng, giá cả vừa phải, các siêu thị mi-ni ở Đà Nẵng phục vụ đa dạng đối tượng khách hàng. Ảnh: H.N

Gắn với nhu cầu của người tiêu dùng thành thị

Thị trường bán lẻ đang chuyển dịch từ những đại siêu thị sang cửa hàng tiện lợi, siêu thị mi-ni, với đa dạng mặt hàng phục vụ nhu cầu bức thiết của người dân trong cuộc sống hằng ngày. Theo số liệu từ Sở Công thương Đà Nẵng, hiện toàn thành phố có 55 siêu thị và 56 cửa hàng tiện lợi chuyên doanh.  
Những năm gần đây, dân số của phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà tăng gần gấp đôi, khi người dân các nơi khác chuyển về đây sinh sống sau giải tỏa và hàng chục khu chung cư với khoảng một nghìn hộ dân đang được lấp đầy.

Trong vòng bán kính khoảng 1km2, gần chợ Nại Hiên Đông, 2 siêu thị mi-ni VinMart+ và 2 cửa hàng tiện lợi mở cửa từ 6 giờ sáng đến 10 giờ tối mỗi ngày. Nhân viên bán hàng tại cửa hàng tiện lợi Vitamin trên đường Vân Đồn cho biết, giá cả những mặt hàng thuộc ngành hàng áo quần, đồ chơi, hóa mỹ phẩm và đồ ăn khô đóng gói có giá ổn định, còn những mặt hàng thực phẩm, rau củ thì giá cả lên xuống tùy theo thị trường. Ở đây còn nhận bán hàng qua điện thoại và vận chuyển hàng cho khách. Tùy theo nơi giao hàng gần hoặc xa, khách hàng sẽ được miễn phí vận chuyển hoặc tính phí 10.000 đồng/lần nếu đơn hàng trị giá trên dưới 150.000-300.000 đồng. Gần đây cửa hàng này có đủ các loại gạo quê, rau sạch và thức ăn tươi như cá, thịt, giúp những bà nội trợ bận rộn ngồi ở nhà vẫn có thể chuẩn bị bữa ăn tươm tất cho gia đình.

Một số siêu thị mi-ni VinMart+ ngoài những mặt hàng thiếu yếu, thực phẩm tươi sống, tùy theo đặc điểm khách, từng khu vực sẽ có những mặt hàng riêng biệt. Siêu thị VinMart+ nằm trên đường Trần Hưng Đạo, gần một loạt các khách sạn, còn có thêm bánh bao, khu vực pha chế mì gói và nước uống phục vụ khách hàng ăn uống lót dạ qua bữa, hoặc ăn thêm trước giờ đi ngủ.

Những cửa hàng tiện lợi có đặc điểm chung là mở cửa 16 giờ một ngày và nhắm đến đối tượng người tiêu dùng có nhu cầu cao về sự tiện lợi. Thời gian đông khách nhất của các cửa hàng tiện lợi là vào buổi trưa và lúc tan tầm chiều. Nhắm vào khách hàng chủ lực là học sinh, các bà nội trợ bận rộn nên nhà đầu tư khi chọn mặt bằng kinh doanh đều ưu tiên gần trường học, khu dân cư có nhiều công chức.

Hiện nay ở khu vực nội thành, rất nhiều gia đình trẻ, đặc biệt là giới công chức chọn mua hàng ở siêu thị mi-ni hoặc cửa hàng tiện lợi ít nhất một vài lần trong năm. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thương mại dự đoán trong vòng 10 năm tới, phần lớn những gia đình ở đô thị chọn đến siêu thị mi-ni hoặc cửa hàng tiện lợi mua sắm. Và xu hướng này không loại trừ người dân đô thị ở Đà Nẵng, khi người tiêu dùng hướng đến mua sắm sản phẩm có hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và nhận được cung cách phục vụ chu đáo.

Ra ngõ gặp cửa hàng tiện lợi

Có mặt ở Đà Nẵng với một cửa hàng giới thiệu sản phẩm từ năm 2003, đến nay hệ thống cửa hàng của Vissan tăng lên con số 5, rải đều khắp thành phố. Trong khi hệ thống Vissan ở thành phố Hồ Chí Minh chuyển những cửa hàng có tính chất giới thiệu sản phẩm thành những cửa hàng thực phẩm tiện lợi, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng liên quan đến bữa cơm hằng ngày với thực phẩm an toàn hơn và giá cả ổn định; thì hầu hết 5 cửa hàng Vissan ở Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung chỉ nằm trong chiến lược tăng độ phủ thương hiệu.

Ông Nguyễn Thành Nhuận, Giám đốc Chi nhánh Vissan Đà Nẵng cho biết ở Đà Nẵng, Vissan có gần 1.600 điểm bán có các sản phẩm mang thương hiệu Vissan, và tập trung vào mục tiêu quảng bá hình ảnh là chính, không phát triển thành các cửa hàng thực phẩm tiện lợi vì công ty chưa thể phát triển và kiểm soát được phần nguồn gốc sản phẩm từ chăn nuôi đến tiêu dùng. Đây là mục tiêu mà Vissan Đà Nẵng hướng đến nhưng chưa có kế hoạch cụ thể.

Theo khảo sát của Công ty Kantar Worldpanel Việt Nam - một công ty đa quốc gia chuyên tư vấn và nghiên cứu thị trường, hiện nay ở TP. Hồ Chí Minh cứ mỗi tháng lại có 2-3 siêu thị mi-ni mới được thành lập. Trong khi ở thành phố miền Nam này có hàng trăm siêu thị lớn nhỏ và cửa hàng tiện lợi, có đủ mặt những đại diện bán lẻ hàng đầu trong nước và thế giới như Co.opFood của doanh nghiệp Việt Saigon Co.op, chuỗi cửa hàng bán lẻ Familymart (Nhật), 7-Eleven (Mỹ) và hàng chục công ty liên doanh khác.

Đà Nẵng với dân số trên 1 triệu người, trước mắt chưa phải là thị trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư mở cửa hàng tiện lợi hay siêu thị nhỏ. Giữa năm 2015, sau khi khai trương Trung tâm thương mại Vincom Đà Nẵng, tập đoàn Vingroup mở một loạt hơn 20  siêu thị VinMart+, mở ra một “bộ mặt” mới cho thị trường bán lẻ ở thành phố miền Trung này. Theo số liệu từ Vingroup, tập đoàn này hiện có trên 200 cửa hàng tiện ích VinMart+ trên cả nước. Kể từ khi mở thêm lĩnh vực bán lẻ, tập đoàn này liên tục mở mới thêm nhiều siêu thị kinh doanh hàng tiêu dùng với quy mô lẫn tốc độ chóng mặt, với các tên gọi là VinMart và VinMart+, các trung tâm thương mại mang thương hiệu Vincom và Vincom Mega Mall.

Ông Đoàn Ngọc Minh, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương Đà Nẵng cho rằng toàn thành phố có 117 siêu thị lớn nhỏ, mật độ phân bổ là trên 10.000 dân/siêu thị là một mạng lưới phục vụ “tạm ổn” cho người tiêu dùng. 3 năm trở lại đây siêu thị nhỏ, cửa hàng tiện lợi mở ra nhiều, là xu hướng phát triển ở các đô thị, đáp ứng cung cầu cho khách hàng, người dân yên tâm hơn khi bỏ tiền ra mua những mặt hàng có xuất xứ rõ ràng, đặc biệt là những sản phẩm thuộc ngành hàng thực phẩm đáp ứng tiêu chí tươi, sạch.

Khi thu nhập của người dân tăng lên, họ đòi hỏi nơi mua sắm có chất lượng, có thương hiệu, và các siêu thị mini đã đáp ứng được yêu cầu này. Tuy nhiên, trước cơn lốc đầu tư ồ ạt của nhiều nhà bán lẻ tràn vào thị trường Việt Nam (chủ yếu là ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh), thì đại diện ngành thương mại Đà Nẵng vẫn chưa thấy có những động thái xin đầu tư thêm siêu thị mi-ni ở Đà Nẵng thời gian tới từ các nhà đầu tư.

HOÀNG NHUNG

.