Đà Nẵng cuối tuần
Nhà văn Nguyễn Văn Xuân và công tác khuyến học
Năm nay, chúng ta kỷ niệm 95 năm ngày sinh Nguyễn Văn Xuân, nhà văn, học giả, nhà nghiên cứu, nhà văn hóa, nhà báo, nhà giáo, nhà Quảng Nam học nổi tiếng xứ Quảng và Việt Nam. Ông sinh năm 1921 và mất năm 2007, quê quán làng Thanh Chiêm, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Lúc nhỏ, ông học ở quê, sau ra học ở Huế. Năm 16 tuổi, ông bắt đầu tự học và tập viết văn. Năm 1939, truyện ngắn đầu tay của ông có tên là “Bóng tối và ánh sáng” được chọn đăng trên tạp chí Thế giới (Hà Nội) và được trao giải nhất. Sau đó, ông lần lượt cộng tác với các báo, như: Bạn dân (Hà Nội), Thế giới (Hà Nội), Mới (Sài Gòn), Văn Lang (Sài Gòn - tạp chí nổi tiếng lúc bấy giờ do bác sĩ Hồ Tá Khanh làm Chủ bút với sự góp mặt của các cây bút lớn như Phan Văn Hùm, Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn), Tiểu thuyết thứ Bảy (tạp chí, Hà Nội)...
Từ năm 1945 đến năm 1954, ông tham gia phong trào cách mạng ở quê nhà, từng làm Ủy viên kịch nghệ thuộc Hội Văn nghệ Quảng Nam, Ủy viên kịch nghệ thuộc Hội Văn nghệ Liên khu 5.
Sau năm 1954, Nguyễn Văn Xuân ở lại Quảng Nam dạy học và tiếp tục sáng tác. Năm 1955, ông bị bắt giam ở nhà lao Thừa Phủ (Huế) do tham gia phong trào đấu tranh đòi thực hiện Hiệp định Genève, thống nhất đất nước.
Nguyễn Văn Xuân là thầy giáo các trường trung học tư thục Đà Nẵng, Đại học Văn khoa Huế. Sau này, ông dạy thêm ở Đại học Cộng đồng Đà Nẵng (thành lập năm 1974).
Ngoài công việc dạy học, viết văn, Nguyễn Văn Xuân còn nhiệt tình trong công tác khuyến học.
Trước 1975, khoảng thời gian từ năm 1970 đến 3-1975, theo tài liệu của nhà thơ Luân Hoán, cùng với nhiều nhân sĩ, trí thức Đà Nẵng, nhà văn Nguyễn Văn Xuân đã thành lập Hội Khuyến học thị xã Đà Nẵng. Trụ sở Hội đặt tại số 238, đường Độc Lập, nay là đường Trần Phú. Cơ sở của Hội, sau 1975, được chuyển thành trường học, đó là Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ hiện nay. Trụ sở rộng, dành nhiều phòng cho những hoạt động xã hội của Hội. Trong các tổ chức xã hội-từ thiện bấy giờ, Hội Khuyến học thị xã Đà Nẵng là một tổ chức uy tín, không vụ lợi, hỗ trợ nhiều cho học sinh, sinh viên nghèo, giúp đỡ các hoàn cảnh neo đơn, khó khăn, rời quê hương do chiến tranh.
Có thể nói, không ít học sinh các huyện của Quảng Nam, từ nông thôn nghèo khó, ra thành phố theo học, đã đến Quán cơm xã hội của Hội Khuyến học ăn một hoặc hai bữa/ngày, tùy tài chính. Quán cơm này do Hội thành lập, một số nhà hảo tâm, các thương gia góp gạo, thực phẩm, mỗi người một tay. Mỗi bữa cơm chừng 30 đồng, sau lên 50 đồng, bảo đảm đủ no để học sinh đến trường. Người viết bài này đã từng theo với bạn bè ăn cơm xã hội tại đây, đã gặp thầy Xuân, Hội trưởng.
Hội Khuyến học Đà Nẵng, gồm: Nhà văn Nguyễn Văn Xuân, giáo sư các trường trung học tư thục, giảng viên Đại học Văn khoa Huế, Chủ tịch Hội. Hai Phó Chủ tịch: Nhà văn Duy Lam (cháu nhà văn Nhất Linh, nhà văn Thạch Lam) và nhà văn Phan Du (con tiến sĩ Phan Quang, một trong những Ngũ phụng tề phi, tác giả Mộng kinh sư, Cô gái xóm nghèo, Quảng Nam qua các thời đại, Hang động mới...). Tổng thư ký: Thầy giáo Nguyễn Văn Tường. Cố vấn là những nhân sĩ uy tín, gồm: bác sĩ Trần Đình Nam (con Đốc học Trần Đình Phong, nhân sĩ, từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ Trần Trọng Kim, qua đời tại Đà Nẵng năm 1974, hiện mộ được đặt trong khuôn viên chùa Quán Thế Âm, quận Ngũ Hành Sơn), bác sĩ Thái Can (nhà thơ, có tên trong Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh-Hoài Chân), bác sĩ Huỳnh Tấn Đối, Chủ tịch Hội Hồng Thập tự Đà Nẵng.
Các thành viên khác, như thầy Nguyễn Thiếu Dũng, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, dạy tại Trường Nữ Trung học Đà Nẵng; nhà thơ Thái Tú Hạp, thầy Trần Đình Thanh Lam (cháu bác sĩ Trần Đình Nam), tốt nghiệp Đại học Sư phạm, dạy ở Trường Trung học Phan Châu Trinh; nhà nghiên cứu Võ Văn Dật; thầy giáo Đỗ Toàn, dạy hội họa tại Trung học Phan Châu Trinh, tác giả bức tượng bán thân nhà yêu nước Phan Châu Trinh, hiện đặt trong khuôn viên của trường và nhiều vị nữa...
Nhà văn Nguyễn Văn Xuân đã tổ chức nhiều buổi nói chuyện về tuồng, về các nhân vật lịch sử xứ Quảng. Chẳng hạn, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Phan Châu Trinh (1872-1972), ông nói về thân thế và sự nghiêp cụ Phan. Năm 1974, Hội Khuyến học đã phối hợp với tạp chí Bách khoa ra mắt Đặc khảo về Phan Châu Trinh (1-1974). Số báo chuyên đề này công bố những tài liệu mới về Phan Châu Trinh như Đông Dương chính trị luận (Nguyễn Văn Tường và Phạm Liễu), Jules Roux, người bạn thiết nghĩa của nhà cách mạng Phan Châu Trinh (Nguyễn Thiếu Dũng), Phan Châu Trinh với thuyết “Ỷ Pháp cầu tiến bộ” hay “Pháp Việt đề huề” và Chân dung Phan Châu Trinh dưới mắt người con và qua một cuộc triễn lãm (Nguyễn Văn Xuân).
Hội Khuyến học Đà Nẵng tọa lạc ở số 283 đường Độc Lập, nay là đường Trần Phú. Đây là con đường chỉ cho lưu thông một chiều. Ngôi nhà được thị xã cấp cho Hội khang trang, có một phần để làm Phòng Thông tin và Hội Việt - Mỹ; phần còn lại, là trụ sở của Hội. Bên cạnh Hội, quán cà-phê Ngọc Anh, một chỗ ngồi yên tĩnh, phù hợp với số đông là học sinh, sinh viên, giáo chức và văn nghệ sĩ.
Lúc bấy giờ, theo Bách khoa giai phẩm, số Đặc khảo về Phan Châu Trinh, Hội Khuyến học tổ chức các hoạt động:
- Mở lớp dạy đêm miễn phí, chủ yếu dành cho người lớn tuổi hiếu học và trẻ em lao động; quán cơm học sinh, 150 học sinh/ngày; chương trình đố vui khuyến học, mỗi tháng/lần; chương trình phát thanh vào 9 giờ 15 mỗi chủ nhật hằng tuần; xét cấp học bổng, tìm việc làm, khám bệnh cho học sinh nghèo; tổ chức những sinh hoạt cộng đồng như thuyết trình, giới thiệu sách, triển lãm tranh, giao lưu văn hóa,....
Bà Kim Ngọc, tiến sĩ sinh học, vợ nhà vật lý học nổi tiếng Trần Thanh Vân, từ Pháp về Việt Nam, đã đến Hội Khuyến học nói chuyện và giới thiệu chuyển giao công nghệ trồng hoa lan.
Dưới cái nhìn của nhà sử học Dương Trung Quốc, thầy Nguyễn Văn Xuân “Là người từng gắn bó tham gia nhiều công việc với các đồng nghiệp xứ Quảng của ông, tôi cảm nhận được một điều: một cuộc hội thảo, một tập kỷ yếu viết về lịch sử và văn hóa xứ Quảng mà vắng ông, mọi người đều cảm thấy một cái gì không trọn vẹn, một khoảng trống... Nguyễn Văn Xuân là người học rộng lại chuyên viết về xứ Quảng nên gọi ông là nhà Quảng học hiểu theo nghĩa nào của chữ cũng đều đúng cả” (Tuyển tập Nguyễn Văn Xuân, NXB Đà Nẵng, 2002, trang 1008).
Có thể nói, bên cạnh một Nguyễn Văn Xuân - nhà văn - nhà biên khảo - nhà Quảng học nổi tiếng, còn một Nguyễn Văn Xuân nặng tình, nặng nghĩa với khuyến học - khuyến tài. Tấm lòng của ông đối với quê hương và con người xứ Quảng thật sâu nặng, đáng trân trọng.
Kỷ niệm 95 năm ngày sinh nhà văn Nguyễn Văn Xuân, như ước nguyện của Nguyên Ngọc, “thiết tha mong có được một toàn tập Nguyễn Văn Xuân, dày dặn, đầy đặn, hoàn chỉnh. Sẽ là một trong những tượng đài văn hóa của xứ Quảng, trân trọng góp cùng văn học và văn hóa dân tộc”. (Nguyễn Văn Xuân, Một người Quảng Nam, Tạp chí Xưa và Nay - Công ty TNHH Sách Phương Nam, 2010, trang 211).
Mong lắm thay!
Nguyễn Văn Xuân là tác giả của những tác phẩm, công trình biên khảo: Ngày giỗ cha (tập truyện ngắn, 1943), Ngày cuối năm trên đảo (tập truyện ngắn, 1945), Bão rừng (tiểu thuyết, 1957), Dịch cát (tập truyện ngắn, 1966), Hương máu (tập truyện ngắn, 1969), Phong trào Duy Tân (biên khảo, 1969), Kỳ nữ họ Tống (truyện lịch sử, 2002), Khi những lưu dân trở lại (khảo luận, 1967). Chinh phụ ngâm diễn âm tân khúc (khảo lục, 1971), Nguyễn Văn Xuân-Một người Quảng Nam (27 bài báo với nhiều thể loại, 2010). |
HUỲNH VĂN HOA