Đà Nẵng cuối tuần

Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ: Hồn quê như ngọn gió tâm thức

07:20, 09/10/2016 (GMT+7)

Đà Nẵng một sáng mùa thu, nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ đã có cuộc gặp và trò chuyện với tôi. Ở ông luôn toát lên một cái gì đó khiến cho người đối diện cảm thấy cuốn hút và mới mẻ. Lần này, nhân dịp tuyển thơ của ông sắp ra mắt, nhà thơ đã chia sẻ về mạch cảm xúc quê hương trong thơ của mình.

* Sau khi đọc những tác phẩm của nhà thơ, một người con đất Quảng, tôi cảm thấy ấn tượng sâu sắc với những vần thơ viết về quê hương. Vậy quê hương là một liều thuốc tâm hồn hay chất xúc tác cho thơ ông, thưa nhà thơ?

Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ. Ảnh: P.H
Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ. Ảnh: P.H

- Ngay từ bút danh là Tần Hoài Dạ Vũ đã nói về tình cảm của chính bản thân tôi. Nó có nghĩa là đêm mưa nhớ về quê mẹ, sau này cũng có ý lấy trong bài thơ “Bạc Tần Hoài” của nhà thơ Đỗ Mục thời Vãn Đường bên Trung Hoa. Mạch quê hương cũng từ cái mạch gia đình, nó ảnh hưởng từ ông tôi, ba tôi rồi đến tôi. Sau này, khi một lần đứng trước bàn thờ tổ tiên, tôi chiêm nghiệm được và viết bài thơ “Cuộc gặp gỡ của thời gian” vào cuối năm 2011. Nó là cuộc gặp gỡ giữa truyền thống và hiện đại, giữa những tư tưởng của các thế hệ trong gia đình. Nó không là sự đối lập mà là xuyên suốt. Cho nên, thơ của tôi, quê hương chỉ đơn thuần là những hình ảnh của quá khứ luôn hiện hữu trong thực tại.

* Tôi nhớ nhà thơ có câu thơ: “Con sông chảy vào đời tôi những năm thơ ấu/ Vẫn soi bóng tâm hồn tôi tới tận bây giờ”. Khi rời xa quê hương thì hình ảnh những dòng sông thường hiện lên trong ký ức ông như thế nào?

- Cuộc đời tôi gắn liền với hai dòng sông là sông Thu Bồn và sông Hương. Nói về sông Thu Bồn thì tôi nhớ đến đoạn Giao Thủy nơi tôi sống với ông nội những ngày thơ bé, được ngụp lặn trong dòng nước trong xanh. Rồi sau này lớn hơn chút tôi về sống với cha mẹ tại Hội An lại được sông Hoài thổi vào lòng tôi những đẹp đẽ khó phai. Sau này, 16 tuổi tôi chính thức rời xa quê hương đi học tại Huế, dòng sông Hương lại nuôi nấng hồn thơ của tôi. Trong bài “Từ biệt Huế” tôi có viết thế này: “Ôi dòng sông tâm hồn tôi ở đó/ Những con sóng còn trong ngực tôi ẩn náu”. Không những vậy, suốt cuộc đời tôi, dòng sông như một điều kì diệu đưa đến những con người vô cùng chân tình và nhân hậu mà sau này tôi cảm thấy mang ơn họ rất nhiều.

Dòng sông quê hương đâu chỉ có sự êm đềm, mà trong tác phẩm của mình viết vào năm lũ Giáp Thìn 1964, như “Giấc ngủ mùa xuân”, “Về với mẹ ngày bão”, “Cái chết của em gái” còn hiện lên những hình ảnh hết sức chân thực của sự mất mát, đau thương. Nếu hình ảnh con trâu trong văn học luôn có điều gì đó thật đẹp đẽ, bình yên thì hình ảnh con trâu chết bị móc sừng treo trên cây cao, phình trương ra, trơ trọi lơ lửng giữa trời khi nước rút lại ám ảnh tôi mãi. Nó là bằng chứng của một cơn lũ lịch sử đã xóa bỏ mọi thứ. Dòng sông quê hương thơ mộng đến vậy nhưng cũng lấy đi người em gái họ của tôi. Lúc đó, tôi có viết bài thơ “Cái chết của em gái”, nhận được nhiều sự đồng cảm của sinh viên đương thời. Bởi nó hoàn toàn là câu chuyện thật, cảm xúc thật, dùng ngôn ngữ cũng rất giản dị.

* Có thể nói Huế như quê hương thứ hai của nhà thơ. Vậy điều gì ở nơi này khiến ông có ấn tượng sâu sắc và mãi luôn nhớ về Huế, đặc biệt là khoảng thời gian sinh viên của mình?

- Khi đó, tôi được tham gia vào hội Hồng Sơn, với thành viên gồm tất cả các trường đại học đương thời ở Huế. Hồng Sơn nghĩa là núi Hồng Lĩnh, quê hương của Nguyễn Du. Đây là nơi tôn vinh và tiếp nối tinh thần thơ ca của đại thi hào dân tộc. Trong một buổi họp mặt vào năm 1966, tôi giới thiệu bài thơ “Những ảo tưởng mùa xuân của loài rêu”. Đến năm 1968, tôi cùng các anh em nòng cốt tập hợp lại và thành lập tạp chí Việt. Sau này người ta chỉ biết đến và gọi là “nhóm Việt” chứ ít ai biết nó có tiền thân từ hội Hồng Sơn. Tạp chí Việt chỉ tồn tại được 5 số rồi vì nhiều lý do mà không phát hành nữa. Tuy nhiên, đó là nơi chúng tôi thể hiện lý tưởng thời đại của mình thông qua văn học và gửi gắm vào đó tình yêu quê hương đất nước, sau này tôi nhìn lại cũng thấy rất tự hào.

 Cũng như giọng nói của tôi, dù đi nhiều nơi nhưng chất Quảng không mất đi, vẫn đặc sệt và nặng, chỉ có điều là dễ nghe hơn mà thôi. Nên thơ tôi viết, dù ở bất cứ nơi đâu vẫn là chất của người Quảng, nó là cách sống chân thật của tôi, cách tôi giữ tâm hồn mình mặn mà như người Quảng. Tuy nhiên, nó không đồng nghĩa với việc tôi áp đặt lối sống, suy nghĩ của người Quảng khi viết thơ về Huế. Nói như anh Trần Xuân An về bài “Chiều mưa uống rượu”: “Anh là một người phải sống ở Huế rất lâu, phải am hiểu tận cùng hồn cốt của Huế mới viết được như vậy”. Điều đó có nghĩa là tôi viết về Huế với tất cả sự am hiểu của mình về mảnh đất, con người nhưng vẫn bằng ngôn ngữ xứ Quảng của mình, không phải ngôn ngữ của Huế.

* Nói đến Quảng Nam, một trong những cái nôi của nghệ thuật hát bội, nhà thơ có bài “Nhớ những nghệ sĩ dân gian”. Phải chăng cảm hứng của bài thơ được khơi gợi từ niềm trăn trở, mong muốn bảo tồn, phát triền nền văn hóa dân gian của quê hương mình?

- Thực ra trước đó tôi không có ý định viết về văn hóa dân gian, nhưng sau chuyến đi dài hơi 11 năm ở khắp vùng Quảng Nam - Đà Nẵng, những con người tôi gặp và nét đẹp văn hóa đang hiện hữu hoặc có nguy cơ bị mất đi, khiến tôi thôi thúc viết. Bài thơ “Nhớ những nghệ sĩ dân gian” hay công trình nghiên cứu “Văn nghệ dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng” là những suy nghĩ, trăn trở của tôi muốn gửi lại cho độc giả, đặc biệt là những con người xứ Quảng. Nói đến điều này tôi nhớ một kỷ niệm với anh Nguyễn Xuân Tha - Trưởng phòng Tổng hợp, Sở Văn hóa - Thông tin, khi lần đầu tiên đọc bản thảo về công trình nghiên cứu của tôi ở trên. Sáng sớm hôm ấy, anh đứng đợi tôi ở cổng cơ quan, khi vừa nhìn thấy tôi đã khoác vai vồn vã: “Tôi đã đọc hết quyển sách của anh cả đêm rồi. Lâu nay tôi không hiểu anh, anh phải thức bao nhiêu đêm mới viết được như thế này trong khi chúng tôi ngủ. Tôi xin lỗi vì trước đó tôi rất ghét anh khi nhìn thấy một cán bộ nghiên cứu mà ngồi lê la suốt ngày ở quán cà-phê, tôi hiểu sai về anh”. Không dễ để một người hiểu sai về người khác mà họ dám nhìn nhận cái sai, thay đổi thái độ của mình mà xin lỗi và trân trọng tài năng của người khác.

* Tình cảm của nhà thơ dành cho quê hương thật sâu nặng. Là một người Quảng Nam, khi được đọc bài “Quê thiêng” của ông, tôi hết sức xúc động. Ông có thể cho biết quá trình hình thành bài thơ này.

- Nhờ 11 năm đi tìm hiểu khắp vùng Quảng Nam - Đà Nẵng, đã cho tôi một vốn sống phong phú. Ở đó, tôi tìm được bài học cho cuộc đời mình, càng hiểu hơn về ông cha, về quê hương của mình. Sau này, khi tôi viết “Quê thiêng”, trong đó có câu: “Thơ vượt qua lệ bỏng/ thành thanh khí nghìn năm”. Có một nhà phê bình nói rằng, giữa một bài thơ với ngôn ngữ rất bình dân thì hai câu thơ trên đã thể hiện một con người sống hoàn toàn cho quê hương, phản ánh chân thực cả một lịch sử con người xứ Quảng “Thẳng ngay nào phải tội/ pháp trường đầu ngẩng cao”. Bài thơ là cảm xúc thấm đẫm trong tâm hồn, chực trào ra vào một buổi trưa yên tĩnh, khiến tôi viết một mạch mà chẳng cần chỉnh sửa một chữ nào hết. Hai câu cuối bài thơ “hồn quê như ngọn gió/ thao thức suốt đời ta”, ở đây tôi không dùng chữ “tôi” mà dùng chữ “ta”, ý rằng hồn quê không chỉ dành riêng cho bất cứ cá nhân nào hết mà dành cho chúng ta.

* Nhà thơ cũng từng viết: “Cái ngõ mà một đứa trẻ lớn lên ra đi/ Cũng sẽ là cái ngõ của một người già xao xuyến quay về”. Điều đó có lẽ rất đúng với cuộc đời chính ông?

- Cuộc đời tôi ra đi, gặp không ít mất mát nhưng tôi luôn bình thản, vẫn có niềm tin vào cuộc đời. Có những lúc tôi tưởng không có một cái ngõ nào để trở về. Nhưng cuộc đời, đóng cửa này thì sẽ mở cửa khác cho mình. Con người ra đi và trở lại là quy luật của tự nhiên, cũng là văn hóa của người Á Đông. Con người muốn có được sự bình thản và niềm tin vào cuộc đời trước hết phải chân thành với cuộc đời.

* Cảm ơn nhà thơ. Kính chúc ông mạnh khỏevà luôn tràn đầy cảm hứng sáng tạo!

NGUYỄN THANH NGUYÊN

.