Đà Nẵng cuối tuần
Đám mây nâu ở châu Á
Bầu không khí hiện tại ở nhiều thành phố tại châu Á được cho là tệ nhất trong gần 20 năm qua.
Cầu thủ Ấn Độ thi đấu cricket trong bầu không khí ô nhiễm trầm trọng tại Kolkata. |
Không khí ở Tehran (Iran) vào mùa đông suốt tuần qua đã trở nên khó thở nhất trong nhiều thập niên qua. Hóa chất, bụi xây dựng, chất thải đã khiến trường học phải đóng cửa. Bệnh viện chật cứng người. Chính quyền Tehran cho biết trong hai tuần qua, thủ đô 15 triệu dân này đã có hơn 400 người chết vì ô nhiễm không khí mà mọi người gọi là “đám mây nâu”.
Tehran không phải là thành phố duy nhất ở châu Á có “đám mây nâu”. Sự kết hợp của điều kiện không khí, địa khí và người dân bắt đầu sưởi ấm đẩy tình trạng ô nhiễm không khí ở thành thị kéo dài từ tháng 10 năm nay sang tận tháng 2 năm sau. Dù các thành phố lớn ở châu Á đã nỗ lực giảm lượng xe lưu thông và nhà máy xả thải nhưng bầu không khí ở nhiều thành phố được cho là tệ nhất trong gần hai thập niên qua.
Nhiệt độ xuống thấp buộc người dân phải sưởi ấm. Đó chính là căn nguyên khiến mức độ ô nhiễm cao hơn từ 15 tới 20 lần so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại ba thành phố ở Ấn Độ là Delhi, Varanasi và Lucknow. Giao thông đã bị cấm, công trình xây dựng cũng buộc phải dừng lại, nhưng bầu trời thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) vẫn phủ một lớp bụi dày ô nhiễm trầm trọng. Ở Kathmandu (Nepal) và Kabul (Afghanistan), tình trạng ô nhiễm không có lối thoát vì địa hình thung lũng. Các bệnh viện dày đặc người mắc bệnh hô hấp và tim mạch.
Số lượng ô-tô tăng gấp 3 lần ở Tehran cũng như phần lớn các thành phố khác ở châu Á trong vòng 10 năm qua. Kaveh Madani - giảng viên người Iran tại Đại học Imperial ở Luân Đôn (Anh) nói rằng “Giải pháp trên giấy thì dễ lắm: Chúng ta cần xăng chất lượng tốt, cần ô-tô có chất lượng tốt, cần điều chỉnh là hệ thống giao thông như tăng khả năng hoạt động của tàu điện ngầm… Trên thực tế như chuyện cấm xe chẵn lẻ thì người dân lại sắm hai chiếc. Trung Quốc là ví dụ điển hình về ô nhiễm trong 20 năm qua. Sau Olympic Bắc Kinh 2008 để lại hình ảnh xấu trong mắt bạn bè quốc tế, Trung Quốc đã dời nhiều nhà máy nhiệt điện hoặc thay đổi công nghệ nhưng tuần qua Bắc Kinh cũng đã phải bật báo động màu cam (mức độ nặng thứ hai).
Nghiên cứu mới nhất cho thấy Ấn Độ lần đầu tiên vượt qua Trung Quốc hồi tuần trước về ô nhiễm không khí. Dự án mang tên Gánh nặng bệnh tật toàn cầu của Đại học Washington (Mỹ) cho thấy trong năm 2015, Ấn Độ có 3.283 người chết vì ô nhiễm không khí, trong khi Trung Quốc là 3.233. Con số này của Ấn Độ nhiều hơn 1.000 người so với Mỹ và châu Âu cộng lại. Số liệu thu thập từ 770 nguồn và được phân tích bởi 2.000 người ở 125 quốc gia. Số lượng người chết vì ô nhiễm không khí ở Ấn Độ đã tăng 24% trong 10 năm qua và năm 2015 được cho là tồi tệ nhất. Ấn Độ chiếm hơn một nửa trong số 20 thành phố ô nhiễm nhất thế giới do WHO xếp hạng. Ngân hàng Thế giới cũng biết trong năm 2013, GDP của Trung Quốc giảm gần 10% vì ô nhiễm, Ấn Độ là 7,69%, Sri Lanka và Campuchia tầm 8%...
ANH THƯ (Theo Guardian)