Đà Nẵng cuối tuần

Châu Á vất vả với đồng USD mạnh lên

09:17, 25/12/2016 (GMT+7)

Các nhà phân tích kinh tế thế giới cho rằng nhiều quốc gia ở châu Á sẽ gặp khó khăn trong năm 2017 vì tỷ giá hối đoái giữa đồng đô-la Mỹ (USD) với các đồng tiền ở châu Á vẫn khá cao trong năm tới.

Đồng USD đang áp đảo các đồng tiền quốc gia khác.
Đồng USD đang áp đảo các đồng tiền quốc gia khác.

Kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 8-11-2016, giá trị đồng USD đã tăng 5%. Đồng USD mạnh phản ánh nền kinh tế Mỹ phát triển và nhà đầu tư tự tin hơn cho kế hoạch đầu tư vào Mỹ. Nhiều đồng tiền ở châu Á suy yếu so với đồng USD trước và sau thời điểm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất đồng USD lần đầu tiên trong năm (0,25%). FED cảnh báo có thể trong năm 2017 sẽ nâng lãi suất lên 3 lần thay vì 2 lần như dự báo trước cuộc bầu cử tổng thống. Điều này được các nhà phân tích kinh tế thế giới cho rằng do Tổng thống đắc cử Donald Trump dự kiến tăng chi tiêu hạ tầng và giảm thuế nên FED cần nâng lãi suất nhằm kiểm soát giá. Ngân hàng trung ương Mỹ cũng dự báo lãi suất trong năm tới sẽ tăng nhanh hơn nhận định trước đó, càng khiến cho các đồng tiền châu Á yếu hơn nhiều so với đồng USD. Nó cũng đúng thời điểm với Tổng thống đắc cử Donald Trump cho biết sẽ khôi phục xuất khẩu, kéo việc làm về lại nước Mỹ và tăng khai thác dầu mỏ.

Tình hình này có thể khiến các nhà đầu tư chuyển tiền ra khỏi các thị trường mới nổi để trở lại Mỹ, tạo ra sự khan hiếm USD; đồng thời đẩy áp lực lớn lên các đồng tiền châu Á. Đồng ringgit của Malaysia là một trong những đồng tiền bị tác động tồi tệ nhất khi tụt xuống 4,4805 ringgit đổi 1 USD trong ngày đầu tuần này. Đây là tỷ giá hối đoái mạnh nhất giữa USD và ringgit kể từ mức giá kỷ lục 4,8850 đổi lấy 1 USD hồi tháng Giêng 1998, tức là trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Đồng USD cũng đạt mức cao nhất so với đồng đô-la Singapore trong 7 năm qua ở mức 1,449 lấy một USD trong ngày đầu tuần này. Trong khi đó, tỷ giá hối đoái giữa đô-la Singapore và  USD trong ngày bầu cử tổng thống Mỹ là 1,3901 lấy 1 USD. Đồng won của Hàn Quốc, đồng peso của Philippines và đồng yen của Nhật Bản cũng tụt dài so với USD.

Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody có trụ sở tại Mỹ nhận định: Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, Malaysia, Sri Lanka và Mông Cổ là những thị trường dễ bị tổn thương nhất vì đồng USD mạnh lên, tức là dòng vốn sẽ chảy trở lại Mỹ để hưởng lãi suất cao. Ấn Độ đứng trước nguy cơ bị lạm phát cao và thiếu hụt lương thực. Trung Quốc có thể sẽ phá giá đồng nhân dân tệ và dẫn tới cuộc chiến tiền tệ mà không ai giành được thắng lợi trong cuộc chiến này.

ANH THƯ (Theo Strait Times)

.