Đà Nẵng cuối tuần

Thổ cẩm Chăm giữa lòng phố Hội

09:14, 25/12/2016 (GMT+7)

Tiếng thoi lách cách vọng ra từ ngôi nhà dệt, thỉnh thoảng còn được nghe những câu trò chuyện bằng tiếng Chăm, tiếng cười vui hay lời giới thiệu với khách về tấm khăn đang dệt… khiến một góc làng lụa Hội An vốn yên bình bỗng xao động hẳn lên.

Nghệ nhân Đàng Thị Tình và em gái Đàng Thị Muốn bên khung dệt khăn thổ cẩm ở Làng lụa Hội An.
Nghệ nhân Đàng Thị Tình và em gái Đàng Thị Muốn bên khung dệt khăn thổ cẩm ở Làng lụa Hội An.

Ở làng lụa, những nghệ nhân già không chỉ làm công việc xe tơ, dệt nên những tấm thổ cẩm làm mê hoặc lòng người, họ chính là những hướng dẫn viên tận tụy giới thiệu cho du khách hiểu hơn về nghề ươm tơ dệt lụa.

Lần lượt giới thiệu những sản phẩm từ khăn quàng, khăn trải bàn bằng vải thổ cẩm đến đồ lưu niệm, túi xách, nghệ nhân Đàng Thị Muốn (58 tuổi) cho biết: “Mỗi sản phẩm tơ lụa là đặc trưng của một làng nghề truyền thống, mỗi tộc người khác nhau.

Sản phẩm từ dệt tay cũng sẽ khác dệt máy. Mặc dù lụa dệt máy nhìn có vẻ đều mũi tơ hơn nhưng chỉ có dệt tay mới tạo ra được nhiều điểm nhấn trong quá trình tạo hoa văn”. Du khách mỗi khi tìm hiểu để mua mặt hàng nào đó, bà Muốn luôn sẵn lòng tư vấn để lựa chọn được một món hàng vừa ý. Bà bảo, tư vấn kỹ cho khách cũng là để giới thiệu thương hiệu sản phẩm truyền thống của mình.

Trong khuôn viên nhà dệt thổ cẩm Chăm, ngoài bà Muốn còn có vợ chồng nghệ nhân Đàng Thị Tình và Quảng Đàm. Bà Tình, 68 tuổi, là chị gái của bà Muốn, bảo: “Ngoài niềm vui đưa thổ cẩm Chăm đến với du khách, bên cạnh tôi luôn có chồng và em gái để cùng san sẻ chuyện nghề, thế là vui lắm rồi”. Khi bà Tình liền tay đưa thoi dệt nên những tấm thổ cẩm Chăm đa màu sắc thì ông Quảng Đàm ngồi bên cạnh vẫn không ngơi tay xe sợi tơ cho bà.

Giữa tiếng thoi đưa lách cách, tiếng ông bà trò chuyện, thỉnh thoảng xen lẫn tiếng cười và ánh mắt nhìn nhau trìu mến. Ba năm bà ra làng lụa Hội An trình diễn và làm nghề, lúc nào cũng có ông theo cùng. Bà bảo, con trai người Kinh thì cưới vợ, còn con gái người Chăm thì cưới chồng.

Hồi đó bà “kết” mỗi ông vì tính tình hiền lành, điềm đạm, dù ông hơn bà đến gần con giáp. “Ngày đó cứ đêm đến là ông ấy có mặt ở nhà tui, hai người ngồi tuốt 2 đầu khung dệt. Để dệt được một tấm khăn trải bàn dài cần đến hai người, tấm khăn cũng là cách để hai người rút ngắn khoảng cách sau mỗi lần dập thoi dệt. Trai gái tìm hiểu nhau cũng nhờ đó”.

Vợ chồng nghệ nhân Đàng Thị Tình đã gặp và gắn bó với nhau suốt 50 năm nhờ nghề dệt thổ cẩm. Ảnh: H.L
Vợ chồng nghệ nhân Đàng Thị Tình đã gặp và gắn bó với nhau suốt 50 năm nhờ nghề dệt thổ cẩm. Ảnh: H.L

Những nghệ nhân Chăm của làng lụa Mỹ Nghiệp, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận có mặt từ ngày đầu làng lụa Hội An thành lập. Họ dệt lụa, bán sản phẩm và giữ danh tiếng của làng nghề truyền thống quê hương.

Chính những nghệ nhân lặng thầm làm nên những thước lụa chất lượng góp phần làm nên một thương hiệu, thu hút khách du lịch đến với mảnh đất thương cảng vàng son một thuở này. Cũng nhờ đó, du khách mỗi lần đến phố Hội được biết nhiều hơn về con đường tơ lụa 300 năm trên biển mà nơi đây từng là điểm khởi thủy trên hành trình giao thương.

Mười tuổi, bà Tình đã làm quen với khung dệt của bà, của mẹ. Mẹ mất sớm, chị em bà về sống với dì, được bà mẹ thứ hai này đào tạo nghề và gắn với nghề cho tới bây giờ tròn 56 năm. Bà bảo, theo nghề mãi thành yêu nghề chứ nghề dệt lụa kén thợ lắm.

Có người học hai năm vẫn trả lại cho thầy. Khó nhất ngoài sự tỉ mẩn, cẩn trọng và kiên nhẫn, người làm nghề phải có tình yêu và trí sáng tạo. “Học dệt thôi chưa đủ, còn phải học cách tháo nó ra để rồi làm lại. Quá trình làm, mình thay đổi các sợi go tơ để tạo ra các hoa văn như ý muốn. Dệt rồi tháo ra cả chục lần. Ví như tấm lụa làm khăn bàn có hoa văn hai mặt, tôi tháo ra dệt lại tới 5 lần”.

Người làm nghề dệt lụa, để sản phẩm sống được phải không ngừng sáng tạo trên những nét đặc trưng mang tính bản sắc. Bà tỉ mỉ giới thiệu từng chi tiết hoa văn trên những sản phẩm thổ cẩm Chăm đặc sắc, từ tượng thần Shiva, tượng voi cho đến những hoa văn tinh tế vuông, tròn trên những chiếc khăn đội đầu. Mỗi sản phẩm hoàn thành mất rất nhiều thời gian, như dệt chiếc khăn phải mất gần 3 ngày, còn khăn bàn thì mỗi ngày 2 người dệt chỉ được nửa mét.

“Công việc khó, thu nhập lại không cao nhưng vẫn phải giữ lấy cái nghề. Nếu không giữ nghề thì sau này khi mình qua đời, nghề của cha ông mai một. Sẽ không còn ai biết đến mặt hàng thổ cẩm từng tồn tại và nổi tiếng cả trăm năm qua. Mình không giữ thì cũng khó truyền cho con cháu. Cũng may tôi có đến 5 đứa con gái nối nghề bố mẹ. Và trong hầu hết các gia đình Chăm theo nghề dệt lụa đều có con cháu nối nghề”, bà Tình bộc bạch.

Vài năm trở lại đây, những người tâm huyết với lụa nỗ lực vực dậy các làng nghề, đưa lụa vào đời sống đương đại. Ông Quảng Đàm, bà Tình, bà Muốn được mời đi khắp nơi trình diễn nghề dệt thổ cẩm Chăm truyền thống. Nhóm của các bà ở Hội An chừng nửa năm, sẽ về làng để cho nhóm khác ra thay phiên, cứ thế, những nghệ nhân dệt người Chăm đưa các hoa văn truyền thống tinh túy của mình vào Nam ra Bắc, định hình một sản phẩm giàu sức sống, không thể thiếu trong đời sống; và thổ cẩm Chăm cũng trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc được du khách khắp nơi ưa chuộng.  

HIỀN LƯƠNG

.