Đà Nẵng cuối tuần
Nhận lương khi còn đi học
Ngay từ năm thứ 2 chuyên ngành, sinh viên (SV) Khoa Du lịch (Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng) đã làm việc thực tế tại các nhà hàng, khách sạn và được nhận lương hẳn hoi.
Trực tiếp được tham gia các công việc lễ tân, buồng-bar tại các khách sạn giúp sinh viên khoa Du lịch hình dung được cụ thể công việc sau này. (Ảnh do Khoa Du lịch, Trường ĐH Kinh tế cung cấp) |
Trải nghiệm thực tế
Với SV chuyên ngành Quản trị khách sạn, khoa Du lịch, ngay từ tháng đầu tiên nhập học đã được phổ biến về việc phải tiếp cận thực tế trong thời gian học tại trường. Các học phần chuyên ngành học tại giảng đường: Quản trị khu vực tiền sảnh, Quản trị nhà hàng, Quản trị khu vực phòng ngủ… SV bắt buộc phải có những trải nghiệm thực hành tối thiểu là 50 giờ/học phần. Những đánh giá của các khách sạn là điều kiện cần và được tính một phần điểm. SV còn có một học phần bắt buộc là thực hành nghiệp vụ khách sạn, bắt buộc phải có trải nghiệm tại các bộ phận của khách sạn tối thiểu là 100 giờ, ở các khách sạn từ 3 sao trở lên.
Ở một số ngành học, khi đi thực tế, SV chỉ “ngồi chơi xơi nước” vì khó lòng tiếp cận vào guồng xoay công việc tại các cơ quan công sở, thì SV khoa Du lịch được làm việc chính thức ở nhiều vị trí như: Nhân viên buồng, phục vụ trong nhà hàng, lễ tân, quầy bar, nhân viên thời vụ đối với buồng và nhà hàng…
Trần Mỹ Linh (40K3) cho rằng khi có cơ hội làm việc thực tế, bạn hiểu sâu kiến thức hơn và có những kinh nghiệm thực tế mà chỉ khi đi làm thì mình mới tường tận được. “Dù thời gian không nhiều nhưng việc thực tập vẫn đóng vai trò quan trọng giúp em và các bạn hiểu hơn về các công việc của ngành học của mình. Khi làm việc trong ngành dịch vụ thì kỹ năng ứng xử rất quan trọng.
Bài học mà em rút ra được sau mỗi học phần thực tập đó là, dù mình có được học từ sách vở nhiều, nhưng khi làm việc với người có kinh nghiệm thì điều đầu tiên mình phải lắng nghe, học hỏi và chủ động trong công việc, tạo cho nhân viên cảm giác mình muốn học hỏi và muốn làm thực sự.
Có thể một số nhân viên trình độ học vấn không cao nhưng kinh nghiệm rất nhiều, mình phải luôn trong tâm thế chủ động học hỏi và không tự cao về kiến thức chỉ từ sách vở của mình”, Mỹ Linh tâm sự.
Lớn khôn sau mỗi kỳ thực tập
Đối với SV, việc đi làm, có lương và hơn hết lại làm công việc gắn với chuyên ngành học ngay khi còn ngồi trên giảng đường thì không còn gì thích thú bằng. Bởi chương trình học lý thuyết không thể nào khái quát hết được các tình huống thực tế xảy ra ở môi trường kinh doanh thực vì mỗi doanh nghiệp sẽ có những dịch vụ khác nhau.
Phạm Xuân Hiền (SV lớp 39K3, vừa tốt nghiệp và đã có công việc ổn định) chia sẻ: Trong môn học Quản trị nhà hàng, SV được học về quy trình phục vụ trong nhà hàng sẽ bao gồm những giai đoạn nào từ khâu chuẩn bị, sắp đặt bàn ghế, chén đĩa đến khi kết thúc tiệc, các vị trí trong quy trình phối hợp với nhau ra sao…
Tuy nhiên, khi ngồi trên giảng đường nghe giảng, tụi em sẽ không thể nào hình dung ra từng loại bàn tiệc, vị trí đặt các loại muỗng, dĩa, dao… Chỉ khi đi thực tế, mới tiếp cận nhanh. Và một yếu tố quan trọng không kém là thái độ, cách ứng xử trong công việc.
Lúc học, tụi em được học về phân công trong công việc, nhiệm vụ của các vị trí nhưng trong thực tế không có sự phân công nào là tuyệt đối hay một nhân viên chỉ làm nhiệm vụ của mình; nên đôi khi tụi em bị rập khuôn và thiếu tinh thần chia sẻ trong công việc.
Thời gian đầu, đôi khi có xung đột không chỉ giữa nhân viên với nhau mà còn giữa quản lý và nhân viên. Bây giờ, khi “ra đời”, nhờ khoảng thời gian thực tập tại các khách sạn mà em đã biết cách cư xử hơn.
Theo cô Lê Thị Liên (giảng viên khoa Du lịch), thời gian làm việc của SV tại khách sạn rất khác nhau. SV làm ít nhất có tổng số giờ 150 giờ + thực tập cuối khóa 4 tháng. Các SV làm nhiều thì trên 500 giờ + thực tập cuối khóa 4 tháng.
Thông thường các sinh viên làm 250 giờ và 4 tháng thực tập. Đặc biệt, khi đi làm, SV được trả lương hẳn hoi. Nếu một sinh viên gắn bó với khách sạn thì sẽ được hưởng lương sau 1-2 tháng thực tập. Thông thường, các khách sạn trả lương theo giờ, trung bình 15.000 đồng/giờ. Chỉ những SV muốn trải nghiệm ở nhiều khách sạn nên đổi chỗ làm liên tục thì chấp nhận không lương.
Điều cốt lõi mà học phần thực tế mang lại là các bạn hình dung được cơ cấu tổ chức, các vị trí khác nhau trong khách sạn sẽ đảm nhiệm vai trò và nhiệm vụ gì, tính chất công việc ra sao…Điều này có thể giúp các em lựa chọn vị trí phù hợp cho mình sau khi tốt nghiệp.
Thứ hai, các em sẽ được tiếp xúc trực tiếp và phục vụ nhiều loại khách từ khách nội địa đến khách quốc tế; khách công vụ, khách du lịch thông thường,... giúp các em phân biệt nhu cầu và tâm lý khác nhau giữa từng loại khách, sau đó là xây dựng cung cách phục vụ, ứng xử phù hợp để thỏa mãn nhu cầu của khách hàng… Những điều này, không lý thuyết nào dạy nổi và mỗi môi trường sẽ cho SV một cái nhìn và sự học hỏi khác nhau.
HẢI ÂU