Đà Nẵng cuối tuần
Con người trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Nhân loại đã trải qua ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đây là Công nghiệp hóa, Điện khí hóa và Kỹ thuật số hóa. Giờ đây, thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay còn gọi là 4.0. Đó là cuộc cách mạng kết nối giữa thế giới thực, thế giới ảo và thế giới sinh vật. Theo báo cáo của Hiệp hội Luật sư Quốc tế, sự đổi mới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và robot có thể buộc các chính phủ phải sửa đổi luật lệ về nhân công, nâng cao các phương thức làm việc truyền thống và các vấn đề mới như ô-tô không người lái.
Robot sẽ làm việc thay cho con người. |
Báo cáo dài 120 trang do luật sư người Đức, Gerlind Wisskirchen chấp bút tập trung vào các vấn đề về thay đổi công việc, hậu quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà toàn thế giới cần phải tích cực phản ứng. Một số dịch vụ như Amazon, Uber, Facebook… đang đóng vai “người tiên phong”. Luật sư Wisskirchen viết: “Việc làm ở mọi cấp trong xã hội hiện nay do con người thực hiện có nguy cơ phải chia bớt cho robot. Một số luật để bảo vệ quyền của người lao động có thể không còn phù hợp. Lao động và luật lao động cần thiết thay đổi nhằm bắt kịp với tốc độ tự động hóa gia tăng”. Trong tương lai, chính phủ các nước sẽ phải quyết định một số công việc do con người thực hiện, chẳng hạn như chăm sóc trẻ em. Trong bất cứ lĩnh vực nào cũng có hạn ngạch giành cho con người và sẽ đánh thuế sử dụng máy móc, người máy (robot). Tính pháp lý đối với những tai nạn do ô-tô không người lái gây ra sẽ do chủ sở hữu, hành khách hay nhà sản xuất thanh toán bảo hiểm? Trong 3 thập niên qua đã có 33 người thiệt mạng vì robot ở Mỹ.
Báo cáo cho kết quả khoảng 1/3 công việc của người tốt nghiệp đại học trên toàn thế giới sẽ được thay thế bằng máy móc hoặc phần mềm. Khi đó, khung pháp lý điều chỉnh về việc làm và an toàn lao động hiện tại trở nên lỗi thời. Những nền kinh tế mới nổi hay nước nghèo dựa chủ yếu vào nguồn nhân công rẻ tiền sẽ bị “tấn công” bởi dây chuyền sản xuất robot và hệ thống máy tính thông minh. Một công nhân ở hãng sản xuất ô-tô Đức có mức lương 40 euro/giờ thì robot làm chỉ tốn 5 - 8 euro/giờ. Thậm chí mức chi phí cho robot còn rẻ hơn cả công nhân ở Trung Quốc. Ngoài ra, robot chẳng bị đau, sinh con, đình công hay nghỉ phép năm. Cuộc cách mạng có thể kéo khoảng cách giàu nghèo rộng hơn nữa. Mức độ tự động hóa cao khiến nhiều người phải chịu cảnh thất nghiệp, trong khi đó những ai có trình độ cao, óc sáng tạo sẽ có thu nhập khủng.
Một số công việc có nguy cơ biến mất như kế toán, thư ký tòa án hay nhân viên văn phòng tại các tổ chức tài chính. Một số luật sư cũng có thể thất nghiệp. Lý do là một thuật toán thông minh có thể dự đoán chính xác tới 79% các sổ sách giấy tờ. Công ty kiểm soát Deloittee dự báo rằng khoảng 100.000 việc làm trong ngành tư pháp Anh sẽ được tự động hóa trong 2 thập niên nữa.
Quốc gia tiên phong trong cuộc cách mạng này là Hàn Quốc với 437 robot trên mỗi 10.000 công nhân trong ngành công nghiệp chế biến; Nhật Bản là 323 và Đức là 282. Robot cũng “xâm chiếm” nhà ở và khu vực giải trí. Trong khách sạn Henn-na ở Sasebo, Nhật Bản có các robot hoạt hình giống như người thật. Các robot này phục vụ những yêu cầu của khách, dọn dẹp phòng, xách hành lý. Từ năm 2016, các robot còn chuẩn bị các bữa ăn nữa. Khách sạn này dự bị sẽ thay thế 90% nhân công bằng robot và chỉ cần vài người theo dõi camera quan sát nhằm biết được có cần phải can thiệp hay không?
ANH THƯ (Theo Guardian)