Đà Nẵng cuối tuần

Sinh ra từ Làng Hy Vọng

21:52, 02/04/2017 (GMT+7)

Cùng xuất thân là những đứa con được nuôi dưỡng từ Làng Hy Vọng (gọi tắt là Làng), 4 cô gái Lành, Bình, Nga, Phượng hiện đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản đã dành cho các mẹ, các em ở Làng một tình yêu nồng ấm bằng cách giúp đỡ, dõi theo sự trưởng thành của thế hệ đi sau.

Đi đâu cũng nhớ đến Làng, những cô gái trẻ này muốn thông qua quán ăn Việt Nam của mình, nhiều mạnh thường quân hơn nữa sẽ đến với Làng Hy Vọng. (Ảnh do nhóm cung cấp)
Đi đâu cũng nhớ đến Làng, những cô gái trẻ này muốn thông qua quán ăn Việt Nam của mình, nhiều mạnh thường quân hơn nữa sẽ đến với Làng Hy Vọng. (Ảnh do nhóm cung cấp)

Hồ Thị Lành (30 tuổi, ở Làng Hy Vọng 9 năm, từ 1995-2004), được sự giúp đỡ của Hội Phụ nữ dân chủ Nhật Bản (Femin) sang Nhật du học. Hiện tại, Lành đang làm điều dưỡng cho một bệnh viện lớn tại xứ sở Hoa anh đào. Sau Lành, các em Lê Thị Bình, Trần Thị Nga, đều nhận được sự giúp đỡ của Femin để sang Nhật học tập và làm việc ở Tokyo; riêng Nguyễn Thị Bích Phượng thì được nhận học bổng của một tổ chức khác, và đang ở Osaka.

Lành kể, dù mấy chị em trong nhóm đều rời khỏi vòng tay ấm áp của Làng nhiều năm nhưng luôn dõi theo từng hoạt động của Làng. Năm 2006, Làng gặp khó khăn về tài chính do một nhà tài trợ lớn chính thức rút quỹ hỗ trợ. Vừa nghe tin đó, những cựu học sinh của Làng liền tập hợp và tổ chức nhiều hoạt động để giúp đỡ các em bằng khả năng của mình. Ở Nhật chỉ có 4 chị em. “Chúng tôi nghĩ đi xin tiền tài trợ hoài cũng có lúc không còn xin được, phải làm gì đó để “tiền tự đẻ ra tiền”. Ban đầu, chúng tôi cũng nghĩ ra nhiều hoạt động, nhưng do hạn chế về nhân lực, thời gian… nên cuối cùng, chúng tôi quyết định mở một quán ăn trưa, lấy tiền lời từ quán ăn để phụ thêm việc học cho các em”, Lành cho biết.

Trong nhóm, Lành giỏi nấu ăn, và cũng có thời gian đi làm thêm tại các nhà hàng Việt Nam trong suốt những năm tháng du học. Bình, Nga thì có kinh nghiệm làm phục vụ tại quán cà-phê. Nhờ sự giúp đỡ của các cô trong Femin, nhóm đã tìm được địa điểm rẻ và chỉ bán ăn trưa, mỗi tháng một lần.

Thực đơn của quán gồm những món phổ biến như: gỏi cuốn, chả giò, bánh cuốn, gỏi các loại, phở, hủ tiếu các loại, bánh mỳ và chè. Đặc biệt cả 4 chị em đều là người xứ Quảng nên rất thích mỳ Quảng, muốn giới thiệu đặc sản địa phương đến cho khách Nhật, nên mỳ Quảng cũng là món thường xuyên có trong thực đơn. Chưa có kinh nghiệm nấu ăn với số lượng lớn, mấy chị em phải tham khảo đủ nơi, từ Internet đến học các đầu bếp quen biết. Vì quán chỉ bán một lần/tháng nên thực đơn luôn được thay đổi cho khách hàng khỏi nhàm chán.

Đều là dân tay ngang, khâu chuẩn bị nguyên liệu khiến chị em Lành tốn rất nhiều thời gian. Bình kể, “các bạn bắt đầu cuốn chả giò trong tuần, để tủ đông. Đến thứ bảy thì đi mua đồ, chuẩn bị sẵn sàng tất cả các món. Chủ nhật đến thì chỉ có trang trí, chuẩn bị những khâu chưa hoàn thành và bán thôi. Quán ăn cách nơi các bạn ở trọ khá xa, khoảng gần 2 tiếng đi ô-tô. Quán nhỏ, chỉ kê được chừng 15 ghế. Mỗi lần mở cửa, quán tiếp đón trung bình khoảng được 50-60 khách, nên mỗi tháng đều phải vận chuyển bàn ghế từ một nơi bên cạnh sang và sắp xếp sao cho phù hợp với nhu cầu của quán mình. Quán không cho để đồ của mình lại nên mỗi lần đi thì vận chuyển, cũng như xong thì trả lại nguyên hiện trường”.

Từ số tiền kiếm được, các cô gái đã giúp đỡ Làng bằng cách thuê giáo viên dạy khiếm thính cho các em khiếm thính tại Làng Hy Vọng trong một năm nay (tại Làng, 1/3 số lượng các em là khiếm thính). Theo Lành, do chương trình dạy khiếm thính tại Việt Nam chưa phát triển nhiều, nên việc thuê một giáo  viên chuyên môn là điều rất cần thiết và hữu dụng cho các em.

Lành bộc bạch, vì quán nhỏ, sự chuẩn bị nhiều và phục vụ nhiều và nhanh nên cần có nhiều người phụ. Ban đầu thì có các bạn và người quen của nhóm, cộng thêm sự giúp đỡ của các mẹ bên Hội phụ nữ dân chủ Nhật nhưng dần dần thì các bạn Việt Nam phụ cũng ít đi (vì không ai làm tình nguyện hoài được, ai cũng phải đi làm cuối tuần). “Nhưng dù có 3 đứa hay mấy đứa thì tụi mình cũng cố gắng duy trì để có thêm nguồn tiền hỗ trợ các em. Trung bình mỗi tháng, quán ăn thu được khoảng 300-400 USD, sau khi trừ hết chi phí. Nếu tính tiền công của bao nhiêu người trong hai ngày thì quán lỗ quá trời lỗ, nhưng quán hoạt động không đơn thuần là chỉ kiếm lời. Mục tiêu của tụi mình là thông qua quán ăn này, tụi mình có thể giới thiệu với khách Nhật về Làng Hy Vọng, về món ăn Việt Nam, vừa giao lưu gặp gỡ với mọi người. Nhờ đó mình và các em đã học hỏi và trưởng thành rất nhiều”.

HẢI ÂU

.