Tôi đã soạn đơn ly hôn giùm một phụ nữ bị chồng đánh gãy tay phải băng bó dài ngày không thể cầm bút. Không chỉ đánh, người chồng này còn “canh” để vợ không thể chạy vào bệnh viện. Tôi không chắc có một từ ngữ nào diễn tả được hành động của người gọi là “chồng” đối với vợ mình như vậy. Họ còn trẻ, có cơ sở làm ăn không nhỏ ở địa phương, có con cái đầy đủ như một mẫu hình gia đình lý tưởng. Thế nhưng, đằng sau những “hạnh phúc” đó là những sự thật chỉ người vợ trong gia đình này mới thấu tận.
Chồng đánh vợ là sai rõ rồi, nhưng chiếu vào muôn vàn lý lẽ của cuộc sống gia đình, bát đũa còn đụng nhau thì hai con người có lúc “va đập” nhau, thậm chí đụng độ te tua cũng có thể được tha thứ. Nhưng cú đánh lần này với chị lại khác, nó giúp chị sực tỉnh nhận ra đây chính là thời điểm cần chọn cho mình con đường sống thay vì tiếp tục chịu đựng…
Gặp chị thường xuyên trong cả chục năm chị lấy chồng, lúc nào tôi cũng thấy một người phụ nữ cười cười, có vài đồng rủng rẻng trong túi đủ để mua cho mình chậu hoa, bộ quần áo hoặc món ăn ưa thích, nhưng đôi mắt và tay chân lúng túng của chị lại tố cáo sự mất tự tin không giấu vào đâu được.
Hôm nay, chị về nhà người quen dưỡng thương với quyết định dứt hẳn cái mà người ta gọi là “tổ ấm”. “Lạ ghê, răng chị chẳng giận, chẳng ghét chi cả. Đúng ra bị đánh ri phải tức chớ hè. Chị nói thiệt đó. Giờ chị thanh thản lắm”, rồi chị kết luận: Còn giận chắc còn thương, không giận hờn nữa là hết thương thiệt rồi. Thà có khoảnh khắc nào đó mình được yêu và thương thực sự từ chồng thì những lúc thế này có thể khiến mình tiếc nhớ để đắn đo suy nghĩ.
Nhưng 10 năm lấy chồng với chị là 10 năm chịu đựng bạo lực thân thể, tinh thần và cả tình dục đến mức nghe tiếng bước chân chồng vào phòng là chị run bần bật, lòng thầm cầu trời khấn Phật thì ra đi được là sướng quá còn chi! Chị nói rõ ràng với ánh mắt bình thản trong thân hình tàn tạ. Lâu lắm rồi tôi mới thấy lại ánh mắt ấy và tôi tin mọi lời nói của chị lúc này là sự thật.
Dù quyết một đi không trở lại, nhưng đi như thế nào với chị cũng là một mớ hoang mang. Chị tìm những văn bản pháp luật liên quan đến “quyền được ly hôn” để nghiên cứu thật kỹ trước khi đến văn phòng luật sư xác minh lại những thông tin đã tự tìm hiểu và hỏi thêm những điều còn thắc mắc. Văn phòng luật sư bé tẹo, chỉ đủ chỗ cho 3 cái ghế ngồi của khách và cả 3 ghế đều có 3 người phụ nữ đang chờ được tư vấn ly hôn.
Tôi “hộ tống” chị đến văn phòng luật sư với trái tim cố kiềm tiếng đập thình thịch trong lồng ngực bởi ngổn ngang cảm xúc; ngược lại, 3 người phụ nữ đang trên đường… thẳng tiến bỏ chồng thì mặt mày sáng rỡ, tỉnh táo.
Mấy phụ nữ này cũng như chị, đang tìm hiểu thật kỹ quyền của mình ở đâu, nghĩa vụ của mình thế nào, mình cần làm gì và được gì để bảo đảm hợp tình và hợp lý trong quá trình đệ đơn ly hôn mà người chồng dẫu lật lọng cỡ nào cũng chỉ có mà “cứng miệng”.
Tôi hiểu những điều này mới chỉ là sự khởi đầu của một “cuộc chiến” không hề đơn giản phía trước của các chị, nhưng dẫu sao, sự bắt đầu trên nền tảng hiểu biết luật lệ cũng thật sự rất có giá trị.
Thấy chị, tôi nghĩ đến những người phụ nữ khác chung hoàn cảnh nhưng đã giải quyết bằng cách ôm con nhảy sông, nhảy cầu thoát thân thay vì tìm đến “chiếc phao” pháp lý. Tôi không dám nói đó là quyết định dại dột, bởi có ở trong tình cảnh đó mới thấu hiểu động cơ khiến người ta chọn bước đường cùng. Chẳng ai lấy chồng để kết thúc cuộc hôn nhân bằng cách không thể đau đớn hơn như thế. Tôi chỉ thấy rằng, mọi người đã và đang nói rất nhiều về cách bảo vệ tổ ấm gia đình, rằng phụ nữ phải biết giữ ấm căn bếp, biết công dung ngôn hạnh, biết “cơm sôi bớt lửa”, biết đối đãi với họ hàng đôi bên, biết làm đẹp bản thân để giữ chồng…
Nói chung, chúng ta tuyên truyền và chia sẻ cho nhau nhiều thật nhiều “phương pháp” vun vén tổ ấm, nhưng nếu “cái tổ” đó không thể vun vén được và không cần phải vun vén nữa thì người phụ nữ phải làm sao?
Theo cách nhìn rất chủ quan của tôi, phụ nữ bây giờ không thiếu những thiết bị thông minh trong tay để có thể hòa mạng xã hội ầm ầm không thua anh, kém chị, nhưng để tìm hiểu những đường hướng và quyền lợi chính đáng cho mình trong cuộc hôn nhân bế tắc thì dường như không phải chị em nào cũng tận dụng triệt để những phương tiện sẵn có này, nếu không muốn nói vẫn còn nhiều người không biết cần làm gì để biết được quyền của bản thân.
Trong khi đó, xã hội cũng như các tổ chức có vai trò bảo vệ quyền lợi của phụ nữ dường như vẫn còn mải miết “phổ biến kiến thức” giúp phụ nữ cách giữ tổ ấm của mình mà quên rằng còn phải nói cho chị em tận tường cách “buông” để hạn chế thấp nhất những tang thương hay phải gánh chịu thêm mọi sự thiếu tử tế của người còn lại.
“Bày” phụ nữ cách ly hôn lẽ nào là góp phần phá vỡ hạnh phúc gia đình của họ? Tôi không nghĩ vậy. Đâu phải cứ biết chăm bón cho hạnh phúc mới tìm được hạnh phúc, đôi khi biết chấm dứt đúng lúc và đúng cách mới có được hạnh phúc đúng nghĩa cho bản thân mình.
CHÍCH BÔNG