Nhà ở cho công nhân: Chờ đến bao giờ?

.

Nhiều năm qua, giấc mơ “có nhà ở” của công nhân (CN) tỉnh xa khi đến Đà Nẵng làm việc vẫn nằm ngoài tầm với. Dù thành phố từng phê duyệt khá nhiều dự án xây dựng công trình nhà ở cho CN lao động nhưng hầu hết các dự án này đều rơi vào ngõ cụt, hoặc nhà đầu tư cạn vốn không thể triển khai.

Đã đến ngày bàn giao nhà nhưng công trình Khu chung cư nhà ở xã hội khu công nghiệp Hòa Khánh vẫn còn dang dở.
Đã đến ngày bàn giao nhà nhưng công trình Khu chung cư nhà ở xã hội khu công nghiệp Hòa Khánh vẫn còn dang dở.

Chấp nhận cảnh sống chật chội, tạm bợ

Giờ tan tầm, những con đường “xương cá” mang số 1, 2, 3… chạy dọc ngang trong Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh chật cứng người. Từng tốp CN túa ra từ cổng nhà máy, vội vàng ghé ngang chợ mua bó rau, miếng thịt hay dăm con cá rồi tản về những khu nhà trọ chuẩn bị buổi cơm chiều.

Theo chân chị Nguyễn Thị Minh (quê Nghệ An) đang làm CN Công ty TNHH Việt Nam Kanzaki về khu phòng trọ tại tổ 40, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu mới thấy những khó khăn về nơi ăn, chốn ở mà nhiều CN đang trải qua.

Chật chội, nhếch nhác là cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi đặt chân đến khu trọ này. Cả dãy trọ gồm 7 phòng nhưng chỉ có một nhà vệ sinh nhỏ, ẩm thấp. Mỗi chiều đi làm về, gần 20 con người thay phiên nhau xếp hàng đi vệ sinh, tắm giặt. Người này vào nhà tắm thì người khác lo xếp thau chậu trước cửa để “xí chỗ”. Mong muốn tiết kiệm chi tiêu, Minh ở chung với 2 cô bạn làm cùng công ty trong căn phòng rộng chỉ khoảng 12m2 nhưng có giá 800.000 đồng. Không gian nhỏ hẹp chỉ đủ kê chiếc nệm dày, tủ quần áo, còn lại dành một góc để nấu nướng. Minh kể, do không gian chật, ẩm thấp lại có đến 3 người ở nên dù có cố sắp xếp gọn gàng thì căn phòng của Minh cũng ngổn ngang đồ đạc, giày dép, quần áo giăng mắc tứ phía… Phòng được xây dựng khá sơ sài với lớp nền tráng xi-măng và mái lợp tôn. Mùa nắng thì nóng. Mùa mưa thì ồn. Chính vì lẽ đó nên ngoài giờ ngủ, chẳng mấy ai có mặt tại xóm trọ.

Ngay cạnh phòng Minh ở là phòng vợ chồng anh Nguyễn Thành Công, quê Hà Tĩnh, công nhân Công ty CP Điện Trường Giang. Căn phòng nhỏ là nơi cư ngụ của 5 con người. Ngoài vợ chồng anh Công, còn có 2 con nhỏ và mẹ già từ quê vào chăm cháu. Để có chỗ ngủ cho cả nhà, anh Công tháo giường, dẹp luôn tấm nệm lót, chỉ đến giờ ngủ mới trải hai tấm chiếu xuống nền nhà nằm chung.

Khi chúng tôi đến, vợ chồng anh Công đang đi làm ca tại nhà máy, chỉ có bà Nga, mẹ anh ở nhà phụ trông cháu nhỏ. Bà Nga phân trần: “Trước đây vợ chồng tụi nó cũng thuê căn phòng rộng hơn tí nhưng giá hơi cao nên đành dắt díu nhau về dãy trọ này để tiết kiệm ít tiền nuôi hai con nhỏ. Tôi ở quê vào đây cũng tốn thêm một miệng ăn nên chúng nó đã cực càng thêm cực”.

Bà Phạm Hoa Lê, Ban Tuyên giáo - Nữ công, Liên đoàn Lao động TP. Đà Nẵng cho biết, số CN hiện làm việc tại các KCN, thuê phòng ở của dân khoảng 72.000 người, trong đó hơn một nửa có nhu cầu về nhà ở. Cũng theo bà Lê, chấp nhận cảnh sống tạm bợ, đông đúc là cách CN tiết kiệm chi tiêu trong bối cảnh hiện nay.

Liên đoàn Lao động thành phố từng thực hiện một số cuộc khảo sát để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người lao động, qua đó nhận thấy nhiều CN làm việc tại Đà Nẵng 5-10 năm qua mong muốn có được nơi ăn chốn ở ổn định, thành phố sớm triển khai dự án nhà ở, trường học và các thiết chế văn hóa…

Liệu có nên tiếp tục hy vọng?

Đó là trăn trở của khá nhiều người sau khi biết thành phố vừa kêu gọi DN đầu tư 3 dự án nhà ở cho CN. Anh Nam, làm việc tại Công ty CP Xây dựng điện VNECO 6 gần 10 năm nay cho biết bản thân cũng từng khấp khởi hy vọng sẽ tìm được một nơi chốn ổn định khi năm 2003 thành phố giao cho Công ty Phát triển và Khai thác hạ tầng KCN Đà Nẵng triển khai xây dựng 3 khối nhà 5 tầng dành cho CN và người thu nhập thấp ở khu vực Bàu Tràm, tổ 7, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu với tổng kinh phí phê duyệt trên 27 tỷ đồng. Tuy nhiên, giờ đây, dự án này đã chuyển đổi mục đích sử dụng thành công trình dành cho sinh viên, mang tên Ký túc xá tập trung phía Tây thành phố, nhưng đến nay vẫn “treo” dai dẳng.

Mới đây, nhiều gia đình CN lại một lần nữa thất vọng khi công trình Khu chung cư nhà ở xã hội KCN Hòa Khánh do Công ty CP Địa ốc Xanh Sài Gòn Thuận Phước làm chủ đầu tư đã đến hẹn bàn giao nhà nhưng đến giữa tháng 9-2017, công trình mới thực hiện phần thô khối E1 2 tầng và E2 4 tầng, trong khi thiết kế là 12 tầng. Thông tin từ Sở Xây dựng thành phố cho biết, dự án Khu chung cư nhà ở xã hội KCN Hòa Khánh do Công ty CP Địa ốc Xanh Sài Gòn Thuận Phước làm chủ đầu tư được thành phố phê duyệt từ năm 2012 nhưng đến cuối năm 2016 mới triển khai và thực hiện ì ạch cho đến nay.

Liên quan đến vấn đề này, một nữ CN (xin được giấu tên) cho biết ngày 20-5-2017, Công ty CP Địa ốc Xanh Sài Gòn Thuận Phước có Thông báo số 50/TB-GRE về việc bán nhà ở xã hội dự án Khu chung cư nhà ở xã hội KCN Hòa Khánh, nêu rõ: “Quy mô dự án Khu chung cư gồm 8 khối nhà 12 tầng với khoảng 1.580 căn hộ. Các căn hộ có diện tích từ 32,37m2 đến 66,3m2.

Mỗi khối nhà có 3 thang máy, trong đó có 1 thang vận chuyển hàng. Dự án có nhiều công trình tiện ích như khu thể thao, siêu thị mini, sân vui chơi cho trẻ em, nhà trẻ, công viên cây xanh… Tiến độ xây dựng giai đoạn 1 là hai khối nhà E1 và E2, dự kiến hoàn thành vào tháng 9-2017”. Từ thông báo này, gia đình chị đã lập tức đăng ký mua căn hộ và hy vọng sớm được nhận nhà nhưng đến nay vẫn phải chờ không biết đến bao giờ.

Có thể thấy, dù nhu cầu về nhà ở của CN thật sự cao nhưng đến thời điểm hiện tại, chưa có dự án nhà ở CN nào hoàn thành và đưa vào sử dụng. Trước thực tế này, một lần nữa, thành phố tiếp tục phê duyệt Đề án Phát triển nhà ở CN, mục tiêu đến năm 2020 giải quyết nhu cầu nhà ở cho ít nhất 20% số CN tại các KCN.

Với mục tiêu này, thành phố kêu gọi DN và người dân tham gia đầu tư 3 dự án nhà ở CN tại khu vực giáp ranh dự án KCN Hòa Cầm (quận Cẩm Lệ); Khu TĐC Hòa Hiệp 4 và chuyển đổi công năng 2 khu KTX sinh viên tập trung phía Tây và phía Tây mở rộng (quận Liên Chiểu) sang nhà ở CN.

Chủ đầu tư tham gia sẽ hưởng các chế độ ưu đãi như miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; miễn, giảm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN; vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, UBND thành phố còn hỗ trợ toàn bộ chi phí giải phóng mặt bằng, miễn phí thiết kế mẫu, thiết kế điển hình nhà ở CN, giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính trong quá trình triển khai dự án và miễn toàn bộ chi phí thực hiện các thủ tục về xây dựng…

Khi dự án hoàn thành, CN các KCN khi đăng ký mua, thuê nhà ở cũng được vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định. Với những ưu đãi “khủng” trên, thành phố hy vọng sẽ tạo đà cho DN mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nhà ở CN, nhất là khi nhu cầu về nhà ở của CN hiện nay đang ở ngưỡng cao.

Được biết, vấn đề nhà ở cho CN đến nay vẫn chưa triển khai được do nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn trong sản xuất, trong khi vốn đầu tư khu nhà ở CN lớn, khả năng thu hồi vốn chậm sẽ dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp, DN kém mặn mà. Chưa kể, việc tiếp cận nguồn vốn vay cũng gặp không ít khó khăn.

Có thể nói, nếu kinh doanh mà không sinh ra lợi nhuận, hoặc lợi nhuận thấp, thì chắc chắn không một DN nào mặn mà với việc bỏ tiền ra xây dựng nhà ở cho CN. Do đó, nếu Chính phủ hoặc thành phố không có một cơ chế đặc thù dành riêng cho DN tham gia lĩnh vực này, thì chắc chắn, nhà ở cho CN vẫn mãi là câu chuyện khó thành hiện thực.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.