Ấn Độ tìm cân bằng giữa kinh tế và môi trường

Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo

.

Ấn Độ nằm trong danh sách các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Nếu như người dân nơi nào còn hoài nghi về tình trạng biến đổi khí hậu thì Ấn Độ đã thấm thía sự biến đổi ấy gần 2 thập niên qua: hành tinh đã nóng lên thực sự. Nhiệt độ nhiều nơi ở Ấn Độ vào mùa hè lên tới 48oC khiến cho hàng nghìn người thiệt mạng. Số liệu thống kê từ chính phủ nước này cho biết, trong 4 năm qua đã có hơn 4.620 người thiệt mạng vì nắng nóng.

Ấn Độ giảm dần sự phụ thuộc vào than.
Ấn Độ giảm dần sự phụ thuộc vào than.

Chandra Bhushan, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khoa học và Môi trường ở New Delhi cho biết “Kết quả phân tích của chúng tôi về xu hướng nhiệt độ trên cả nước theo mùa và theo năm từ 1901 tới những năm gần đây thì nhận ra là tốc độ tăng nhiệt nhanh và liên tục”. Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) công bố kết quả nghiên cứu: với tốc độ nắng nóng tăng nhanh như hiện nay ở Nam Á thì sự sống của con người vào cuối thế kỷ này rất nguy hiểm; 1,5 tỷ người sống ở các lưu vực sông Hằng và sông Ấn không dễ sống được trong tương lai không xa.

Ấn Độ là một trong những nước có lượng khí thải lớn hàng đầu thế giới sau Trung Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu. Ngành năng lượng của Ấn Độ đóng vai trò “tích cực” vào lượng khí thải này bởi vì dùng tới 60% than cho phát điện và nhiên liệu hóa thạch vẫn là yếu tố quan trọng trong chiến lược năng lượng dài hạn của nền kinh tế lớn thứ ba châu Á. Hiện tại, người dân Ấn Độ sử dụng năng lượng thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình ở châu Âu, Mỹ và cả Trung Quốc. Hơn nữa, mức sống hàng triệu người Ấn chỉ khoảng 2 USD mỗi ngày; và 18% trên tổng số 1,3 tỷ người không có điện trong năm 2016. Một khi kinh tế phát triển thì người dân sẽ có cơ hội sử dụng năng lượng nhiều hơn nữa.

Thực tiễn và dự báo đáng lo ngại đó khiến chính phủ Ấn Độ nhận ra cần phải giảm thiểu lượng khí thải nhưng vẫn bảo đảm tăng trưởng kinh tế. Chính phủ của Thủ tướng đương nhiệm Narendra Modi muốn giảm sự phụ thuộc vào than và thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo. Hàng chục tỷ USD sẽ được đầu tư vào năng lượng tái tạo trong thập niên tới để đạt mục tiêu 40% sản lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo và nguồn carbon thấp vào năm 2030; đạt 175 gigawatt (GW) năng lượng tái tạo vào năm 2022, trong đó 100 GW từ năng lượng mặt trời. Ấn Độ cũng hợp tác với Pháp để khởi động một liên minh 121 quốc gia sử dụng năng lượng mặt trời. Điện từ năng lượng tái tạo sẽ chiếm 30% sản lượng tiêu thụ vào năm 2022.

Ấn Độ muốn trở thành đối thủ lớn trong thị trường năng lượng tái tạo toàn cầu, phát triển ô-tô điện. Thượng nghị sĩ Mỹ, Jeff Merkley nhận định quyết tâm của Ấn Độ khiến thị trường năng lượng tái tạo thế giới giảm giá mạnh. Ấn Độ sẽ chào giá điện từ năng lượng tái tạo với giá thấp hơn rất nhiều điện từ than mà không cần trợ giá.

ANH THƯ (Theo Deutsche Welle)

;
.
.
.
.
.