Đà Nẵng cuối tuần

Kỷ niệm không quên trên đất nước Xô Viết

08:09, 05/11/2017 (GMT+7)

Trên đường từ thủ đô Mát-xcơ-va về thăm “nhà Lênin ở Gooc-ki” trong một buổi sáng mùa xuân sang hè cách đây đã gần 30 năm, những câu thơ trong bài Với Lênin của nhà thơ Tố Hữu cứ vấn vương chúng tôi: Nhà Lênin ở Gooc-ki/ Khi tôi đến, Lênin như vừa đi/ Người rất bận, ngày ngày vô tận(*).

Đoàn học viên Việt Nam thăm Trung tâm đào tạo phi công vũ trụ Ga-ga-rin. Hàng đầu từ phải sang: NSND Trung Kiên, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nhạc sĩ Ca Lê Thuần. Tác giả bài viết: hàng đầu, thứ 3 từ trái sang. (Ảnh do nhà văn Tô Nhuận Vỹ cung cấp)
Đoàn học viên Việt Nam thăm Trung tâm đào tạo phi công vũ trụ Ga-ga-rin. Hàng đầu từ phải sang: NSND Trung Kiên, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nhạc sĩ Ca Lê Thuần. Tác giả bài viết: hàng đầu, thứ 3 từ trái sang. (Ảnh do nhà văn Tô Nhuận Vỹ cung cấp)

Gooc-ki (phiên âm từ tiếng Nga, nghĩa là ngọn đồi nhỏ), là tên một địa danh nổi tiếng thuộc quận Lênin ngoại ô Mát-xcơ-va (Liên bang Nga). Nổi tiếng vì nơi đây gắn liền với các hoạt động và cuộc sống đời thường trong những năm tháng cuối đời của V.I. Lênin, người sáng lập Nhà nước Xô Viết, lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân và nhân dân lao động thế giới.

Năm 1988, khi ấy tôi đang công tác tại Ban Văn hóa - Văn nghệ Trung ương (sau đó sáp nhập thành Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương), được cử tham gia đoàn cán bộ nghiên cứu ngắn hạn 3 tháng về quản lý lãnh đạo văn hóa văn nghệ ở Liên Xô. Vì là đoàn nghiên cứu về quản lý văn học - nghệ thuật đến từ đất nước Việt Nam đang bắt đầu sự nghiệp Đổi mới (1986) nên bạn đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành viên trong đoàn được tiếp cận hầu hết các thiết chế lịch sử-văn hóa nổi tiếng của Mát-xcơ-va, Lê-nin-grad và một vài nước Cộng hòa thuộc Liên bang Nga, từ các bảo tàng nổi tiếng đến nhà hát Bôn-sôi, nhạc viện, các Cung điện Mùa đông, Cung điện Mùa hè...

Nhưng một trong những ấn tượng sâu sắc của chúng tôi trong chuyến đi này, đó là được về thăm nơi Lênin đã sống những năm tháng cuối cùng trước khi Người qua đời. Đó là vào một buổi sáng thứ bảy của tháng tư năm 1988, vào dịp chuẩn bị tiến tới kỷ niệm 118 năm ngày sinh V.I. Lênin. Sáng ấy chúng tôi dậy sớm để kịp kế hoạch làm việc.

Làng Gooc-ki cách thủ đô Mát-xcơ-va không xa, chỉ khoảng 2 giờ ô-tô là đến nơi. Việc đầu tiên là các đoàn học viên đến từ các nước được bố trí thành các đội tham gia lao động xã hội chủ nghĩa. Sáng kiến Ngày thứ Bảy cộng sản được hình thành từ thời kỳ đầu xây dựng CNXH rất gian khổ ở Liên Xô dường như vẫn còn được duy trì. Chúng tôi dọn vệ sinh một số khu vực quanh nhà lưu niệm. Công việc cũng nhẹ nhàng. Mọi người dùng cào gom những lá thông và quả thông rụng ven đồi, chất thành đống để có bộ phận chuyển đi. Chỉ khoảng một giờ là hoàn thành công việc. Tiếp đó, giáo viên phụ trách người Nga hướng dẫn chúng tôi đi thăm khu lưu niệm Lênin.

Khác một số bảo tàng, ở đó chủ yếu là hình ảnh Lênin mà chúng ta thường thấy, với dáng vẻ mạnh mẽ, kiên quyết trên diễn đàn truyền cảm hứng cách mạng cho nhân dân lao động, những nông dân, công nhân, binh lính..., khu lưu niệm nơi đây ghi lại những năm tháng bình lặng, khi Người về đây tĩnh dưỡng sau những lần đau nặng. Một không khí điền trang êm đềm gợi liên tưởng bóng dáng Lênin khi Người đi dạo, khi Người ngồi nghỉ ngơi trên chiếc ghế gỗ sồi bên bìa rừng hoặc trong ngôi nhà đơn sơ của người gác rừng; nơi Người gặp gỡ và nói chuyện với những người nông dân Nga mộc mạc giản dị...

Và cả những lúc Người ghi lại những suy nghĩ đã chín muồi về vấn đề xây dựng Đảng của những người cộng sản, về việc phòng ngừa và chống lại những khuynh hướng sai lầm của một số cá nhân có vai trò lãnh đạo… Tất cả dường như vẫn hiển hiện nơi đây. Lênin đi vắng/ Nhưng trong vườn sên đầy nắng/ Chiếc ghế sơn xanh còn ấm hơi Người/ Ba mươi bốn năm xưa/ Ngồi dưới mặt trời/ Viết những dòng/ Ánh sáng...

Trước khi chúng tôi đến đây, vào năm 1987, khu lưu niệm đã được xây thêm hạng mục mới, bổ sung thêm nhiều tư liệu và hiện vật quý gắn với toàn bộ hoạt động của Lênin, phản ánh những sự kiện chính trị lớn của nước Nga và Liên Xô từ Cách mạng Tháng Mười đến khi Lênin qua đời. Những người tham quan có thể hiểu thêm một cách trực quan tính chất vĩ đại của cuộc Cách mạng đầu tiên của giai cấp vô sản và vai trò lãnh đạo kiệt xuất của V.I. Lênin đưa đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, thành lập nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới. Nhưng đồng thời, những người đến nơi đây cũng cảm nhận một cách sâu sắc phong cách giản dị của một con người vĩ đại. Những hình ảnh, những hiện vật, những không gian sống động gợi lại quãng thời gian ngắn ngủi hơn 2 năm Lênin đã sống, nghỉ ngơi và chữa bệnh tại đây.

Cảm giác chung mọi người cùng chia sẻ là đến với Lênin, ai cũng nghĩ tới Bác Hồ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Những bậc vĩ nhân đồng thời cũng là những con người thật giản dị, gần gũi. Như những ngày xưa/ Người là đồng chí/ Hồn nhiên giản dị/ Giữa công nông ngồi chật quanh Người / Rất yêu thương, đôi mắt nheo cười/Như những ngày xưa/Người là chiến sĩ /Không sợ gian nguy, không giờ phút nghỉ/Ghét mọi quân thù, ghét mọi nước sơn/Suốt đời mang tấm áo dạ sờn/Đôi giày ống gót mòn sỏi đá.

Ở một khoảng sân rộng trong khuôn viên bảo tàng, chúng tôi lặng người trước nhóm tượng khắc họa đặc tả vẻ mặt và hình dáng những người công nhân, nông dân Nga đang khiêng linh cữu Lênin từ làng Gooc-ki ra ga xe lửa Ge-ra-si-mo-vo, nơi tiếp nhận thi hài Lê-nin chuyển về Mát-xcơ-va đúng ngày 23-1-1924 để tổ chức tang lễ trọng thể tại thủ đô đất nước Xô Viết. Những dáng người khom xuống, trĩu nặng, không phải vì sức nặng linh cữu mà là nỗi đau xót vô biên trước sự ra đi của một con người được yêu thương, kính trọng.

Rời ngọn đồi nhỏ khu lưu niệm V.I. Lênin, chúng tôi lòng đầy cảm xúc. Và những câu thơ Tố Hữu lại hiện về, kể lại phút ra đi thanh thản của Lênin, khi Người trút hơi thở cuối cùng trong lúc vợ mình, bà Nadezhda Krupxkaia - người vợ, người bạn chiến đấu, người đồng chí thủy chung -  đang đọc cho Người nghe những trang tiểu thuyết của nhà văn nổi tiếng người Mỹ Jack London (1876 - 1916). Và chiều nay trước phút vội đi xa / Người còn nghe / thánh thót / Krup-skai-a / Đọc trang sách/ “Tình yêu cuộc sống”.

Bùi Công Minh
(*) Những đoạn in nghiêng trong bài đều trích từ bài thơ Với Lênin của Tố Hữu viết năm 1958 (in trong tập Gió Lộng).

.