Đà Nẵng cuối tuần
Quà của núi rừng
Mưa tạnh hẳn. Em đứng trước cửa nhà tôi với nụ cười tươi rói. Gặp em, cô học trò lớp 8 với vóc dáng nhỏ nhắn đưa hai tay về phía tôi cùng túi măng rừng, giọng hồ hởi: Ba mẹ em bảo đem biếu cô một ít măng rừng! Rồi câu chuyện của em mãi giằng dai xoay quanh việc đi hái măng rừng.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Về miền núi công tác đã 5 năm là chừng ấy thời gian, tôi được biết, được cảm nhận và được chứng kiến cuộc sống vất vả, khó khăn của người dân nơi đây, trong đó có các em học trò của tôi. Sẻ chia gánh nặng cơm áo cùng ba mẹ, các em đã không quản gió mưa trèo đèo, lội suối, vượt đường rừng suốt cả mùa mưa để thu hái măng rừng. Em khoe trong giọng vui vẻ: Mùa măng này, em không nghỉ ngày nào nên đã có đủ tiền mua sách, vở, đồ dùng học tập cho năm học mới.
Đất đai cằn cỗi, cuộc sống lại thiếu thốn trăm bề, mỗi ngày với những người dân vùng núi như em là những nhọc nhằn mưu sinh trĩu nặng. Hình như biết rõ điều đó nên mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho cuộc sống nơi đây sản vật măng rừng vô cùng ý nghĩa. Đó không chỉ là thực phẩm quen thuộc trong bữa ăn hằng ngày mà còn là món hàng đổi lấy gạo giúp người dân vùng núi vượt qua những ngày gian khó.
Đã thành lệ, năm nào cũng vậy, cứ hễ mùa mưa về, từ những gốc tre, vầu, nứa…, nhờ sinh khí đất trời lại cựa mình, mở mắt và bật lên những mầm măng căng tràn sức sống. Cũng khi ấy, mọi công việc của nương rẫy, học hành tạm thời gác lại và hành trình khó nhọc của những đứa trẻ đeo gùi lên núi như em lại bắt đầu. Vất vả đấy, nhưng em cùng với những người thân của mình vẫn miệt mài, cần mẫn. Dường như với em, lộc rừng chỉ có mùa và sống gần rừng thì ắt phải dựa vào núi rừng để mưu sinh nên chẳng thể bỏ nghề được.
Một ngày đi hái măng của em bắt đầu từ sớm tinh mơ, khi cơn mưa rừng hãy còn tí tách rơi. Nếu ngày trước chỉ cần đi một lúc là có nhiều măng đem về thì nay phải đi hết cả một ngày trời. Em đã từng theo ba mẹ mình trải qua rất nhiều mùa thu hái măng rừng, có lẽ vì thế, em đã tự trang bị cho mình những kinh nghiệm quý báu. Em chia sẻ: Để tìm được những ấu măng nứa, măng vầu, măng trúc, măng giang, măng tre ngon… thì phải tìm tới những bụi cây to nằm dọc các con suối. Mùa hái măng trùng với mùa mưa thế nên công việc lại càng vất vả. Không chỉ dừng lại ở việc luồn rừng để lấy được măng, mà sau đó còn phải bóc các lớp bẹ bên ngoài, bị bao nhiêu lông măng bám vào, rồi thì nhựa măng làm cho tay chân tím bầm, đau rát. Chỉ đến khi nào nhìn thấy lớp măng vàng tươi nõn nà như búp tay non thì khi đó mới an tâm xem đó như thành quả cuối cùng để đem về. Băng rừng, vượt qua những cơn mưa tầm tã, những cô bé cậu bé như em, áo quần ướt sũng, môi run cầm cập, bàn tay, bàn chân tím ngắt vì lạnh nhưng vẫn cố gắng bám trụ mặt đường trơn trượt để không bị ngã. Tôi lặng ngắm đôi bàn tay em đen nhẻm, chai sần, với nhiều vết thương ngang dọc vì bị dao cứa, gai đâm.
Tôi còn nhớ đã rất nhiều lần, sau mấy ngày nghỉ học, em trở lại lớp khi chân hãy còn trầy xước vì trượt ngã, có khi mặt còn sưng vì dấu tích của ong đốt, khi lại phải xin nghỉ học ở nhà vì bị rắn cắn. Lần đến thăm em vào một ngày mưa, em nằm trên giường, miệng vẫn cười rạng rỡ như chẳng hề có chuyện gì. Em lém lỉnh nhìn tôi cười duyên dáng. Thương em, tôi chỉ biết gượng cười an ủi. Rồi em thuyết minh thật lưu loát như để giới thiệu với tôi sản vật đặc biệt này. Nào đi hái măng phải đi đúng ngày, đúng vụ thì măng mới không già, mới ăn ngon; nào măng nứa thì mỏng, trắng ngần; măng vầu đặc, có vị ngọt; măng đắng có dư vị đăng đắng trên đầu lưỡi... Nào măng này xào với cái này thì hấp dẫn, măng kia hầm với thứ kia thì tuyệt diệu... Giới thiệu xong, em lại cười: Là em nghe người ta nói thế, chứ mấy món ấy gia đình em chưa được ăn lần nào. Em chỉ ăn món măng luộc chấm nước mắm mẹ làm đã thấy ngon tuyệt rồi cô ạ!
Bữa cơm đạm bạc bên món măng rừng em biếu của hai cô trò lại càng thêm phần thi vị. Gắn bó với những con người nghĩa tình, mộc mạc, với cuộc sống đạm bạc, dân dã nơi núi rừng, tôi càng thêm thương mến nơi này hơn.
LÊ XUYÊN